Chủ tịch Công ty Cổ phần Đại Nam Huỳnh Uy Dũng: Nhìn thẳng vào tệ nạn giả tu

Ngọc Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa thời cuộc mà những bài học trí tuệ và từ bi của Phật pháp đang làm an tâm biết bao Phật tử và những người thích học hỏi, thỉnh thoảng dư luận lại bức xúc vì hiện tượng một vài nhà sư giả tu, gây tổn thương cho cộng đồng Phật giáo và niềm tin xã hội. Câu ngạn ngữ “Chiếc áo không làm nên thầy tu” vẫn nóng hổi trong tâm thức người đời. Chúng tôi đem câu chuyện này trao đổi với Cư sĩ Huỳnh Uy Dũng - Chủ tịch Công ty CP Đại Nam (HUD) và lắng nghe sự trao đổi hết sức tâm huyết, thẳng thắn của ông.

 Cư sĩ Huỳnh Uy Dũng - Chủ tịch Công ty CP Đại Nam (HUD)

Ông nghĩ gì về hiện tượng giả tu này?

Điều anh vừa nói phản ánh một thực trạng xã hội, thực trạng tôn giáo rất nguy hiểm và đáng lo ngại. Nhìn chung quanh xã hội hiện nay, có hôm thấy tin tức nói về những vị “sư hổ mang”, có những hành vi và việc làm trái ngược hoàn toàn với giáo lý nhà Phật, thậm chí gây tội ác tày trời. Khi nhắc đến những nhà sư, người ta thường nhớ đến những gì rất đỗi giản dị và thiêng liêng; Vậy mà nhìn lại những hành vi và việc làm của những vị “sư hổ mang” , dư luận xã hội đã không khỏi cảm thấy bức xúc và kinh hãi!

Theo ông, nguồn cơn của hiện tượng tiêu cực đó là gì?

Những điều đau lòng nhức nhối tim gan nêu trên chính là hiện thực của vấn nạn giả tu! Tất nhiên, nguyên nhân của việc giả tu có rất nhiều. Hễ có tướng cướp “buông hạ đầu đao”, trở thành nhà sư rồi tu tâm dưỡng tánh, hành thiện chuộc lỗi… thì ắt hẳn cũng sẽ có nhà sư quên lời răn dạy của Đức Phật, mê muội, ngông cuồng, phi đạo và rồi hành xử như một tên tướng cướp. Và tất nhiên cũng có những kẻ xem việc đi tu là một cái “nghề” mà vào chốn tu hành đó, họ tha hồ tu ăn, tu ngủ, tu hưởng thụ! Cũng có người vì lý do nào đó nương náu vào chốn tu hành để che đậy thân phận của mình…

Nói về nguyên nhân của sự việc giả tu này thì nhiều lắm, khó mà tưởng tượng ra được! Nhưng một con người bình thường ngoài đời, thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về Phật pháp mà làm ra những việc trái pháp luật, trái luân thường đạo lý thì tội đã nặng rồi. Nói chi đến một ngườI xuống tóc, khoác áo cà sa, bước chân vào chốn tu hành, được giảng dạy và kiểm tra kiến thức Phật pháp, được phó ký, được công nhận, hàng ngày nghe tiếng chuông tiếng mõ, hàng ngày tụng niệm râm ran… Mà họ bất chấp, ngông cuồng, u mê ám chướng. Rồi làm những việc tày đình, hại người hại đời, làm ảnh hưởng cá nhân, tập thể, xã hội, Giáo hội, thì thật là khó dung tha!

 Theo cư sĩ Huỳnh Uy Dũng: Mỗi chúng ta hãy, bằng nỗ lực tinh thần của bản thân, tin tưởng Phật Pháp quyết không để loài GIẢ TU lấn át!

Hệ lụy của tệ nạn đó là gì, theo ông?

Những việc người giả tu gây ra, nó nguy hiểm đến mức làm cho người ta e ngại về sự suy đồi của Phật giáo, và đòi phải chấn hưng. Thậm chí còn có người buông ra những lời mạt sát Tam Bảo – Phật, Pháp, Tăng! Ở trên không nghiêm chỉnh thì ở dưới sẽ rối loạn. Cho nên, khi có những vụ án xảy ra trong xã hội khiến dư luận hoang mang, thì hệ thống pháp luật đương nhiên phải thực thi công lý và trừng phạt kẻ thụ ác. Thì những bậc đại sư đứng đầu Giáo hội đương nhiên quyết ra tay siết chặt kỷ cương, tuyển lựa kĩ càng để trả lại sự thanh tịnh cho chốn Thiền môn và giữ gìn uy tín cho Phật giáo.

Ông bà mình ngày xưa từng nói: “Ở hiền thì gặp lành, ở ác thì gặp dữ”. Câu nói này thật giản dị nhưng nó chứa đựng cái đạo lý to lớn vô cùng của “Luật Nhân Quả”, nên chắc chắn những kẻ giả tu, ngoài bị sự trừng trị của luật pháp, sự răn đe, giáo huấn và xử phạt của Giáo hội, sẽ bị trừng phạt bởi chính Luật Nhân Quả.

Ông có thể cho biết tâm nguyện khác của ông trong câu chuyện này?

Mỗi chúng ta, mỗi con người sống trên đời, chắc chắn sẽ không khỏi vướng bận bởi cơm áo gạo tiền; không khỏi bị dục vọng khống chế, không khỏi bị danh lợi câu thúc; không khỏi bị chức quyền quyến rũ, và nhiều thứ u mê khác trong cuộc sống. Xin hãy dù rất khó khăn, cũng phải đứng vững trước sóng gió, mạnh mẽ trước hiểm nguy, an định trước cám dỗ, kiên gan trước thực tại. Để tuyệt đối không gục ngã, tuyệt đối không phạm sai lầm, tuyệt đối không nói không làm không nghĩ đến việc trái đạo: hãy bình tâm vững trí sống cho tốt lành, hành thiện tích đức, làm việc chân chính tránh xa ma quỷ si mê…

Tu đâu cũng không bằng TU TÂM. TÂM DỮ thì PHƯỚC DỮ, TÂM THIỆN thì PHƯỚC LÀNH! Mỗi chúng ta hãy, bằng nỗ lực tinh thần của bản thân, tin tưởng Phật Pháp quyết không để loài GIẢ TU lấn át!

Xin cảm ơn ông. Lần sau, chúng ta sẽ trao đổi tiếp về đề tài Phật pháp và luật pháp đầy ý nghĩa hướng đạo tốt đẹp trong cuộc sống hôm nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần