Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: "Chúng ta biết ơn hàng triệu người dân, du khách trong phòng chống dịch Covid-19"

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/7, phát biểu tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói: “Cho phép UBND TP bày tỏ sự biết ơn hết sức sâu sắc đến với hàng triệu người dân và du khách của chúng ta đã trải qua những tháng ngày hết sức vất vả, chịu đựng rất nhiều bất tiện do giãn cách và cách ly xã hội đem lại…”.

Bài học về sự đồng lòng
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, trên mặt trận phòng chống dịch Covid-19, Đà Nẵng đạt được những thành quả rất quan trọng, mặc dù hiện nay dịch chưa kết thúc hẳn ở Việt Nam. Đà Nẵng hiện vẫn sẵn sàng các biện pháp ứng phó trong những tình huống chung và diễn biến bất ngờ.
Về kết quả phòng chống dịch, ông Thơ bày tỏ: “Nhân diễn đàn này, cho phép UBND TP được bày tỏ sự biết ơn hết sức sâu sắc đến với hàng triệu người dân và du khách của chúng ta đã trải qua những tháng ngày hết sức vất vả, chịu đựng rất nhiều bất tiện do giãn cách và cách ly xã hội đem lại”.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Q.HẢI 
Theo ông Thơ, chúng ta đã nhận được sự hợp tác hết sức tuyệt vời của hàng triệu người dân và du khách. Họ đã đồng lòng, ủng hộ, vào cuộc trong việc thực hiện rất tốt các chủ trương, chính sách và biện pháp của TP Đà Nẵng. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để chúng ta góp phần chiến thắng đại dịch Covid-19.
“Qua diễn đàn này, xin gửi những lời cảm ơn, chia sẻ và động viên hết sâu sắc đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ chiến sỹ của tất cả các ngành, các cấp… Họ là những người luôn luôn ở tuyến đầu, không quản ngại gian khổ, khó khăn, rất dũng cảm, sẵn sàng xông pha để thực hiện tốt trên mọi mặt trận, mọi nhiệm vụ, góp phần làm nên kết quả tốt đẹp của công tác phòng chống Covid-19”, Chủ tịch Đà Nẵng chia sẻ thêm.
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh thêm: Qua kết quả phòng chống Covid-19, TP đã gửi đi thông điệp hết sức mạnh mẽ, đó là sự đồng lòng, sự vào cuộc của người dân, du khách; sự gắn bó và phối hợp thật tốt, nhịp nhàng giữa người dân, chính quyền, các lực lượng. Chúng ta rút ra nhiều bài học hết sức đáng giá từ phong trào này, đó là nhận  thức, quán triệt về sự nguy hiểm của dịch bệnh, và sự đoàn kết nhất trí trong toàn bộ hệ thống chính trị. Đó là sự kiên định, sáng tạo, sẵn sàng vượt khó. Đó còn là sự chuẩn bị đầy đủ, chu đáo cẩn trọng các phương án có thể để đề phòng tốt nhất trong mọi tình huống.
Các y bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng vui mừng trong ngày bệnh nhân thứ 6 (cuối cùng) mắc Covid-19 phát hiện trên địa bàn được điều trị khỏi và ra viện. Ảnh: Q.HẢI
“Từ kết quả phòng chống dịch Covid-19, chúng ta cũng có thể biến thành những phong trào rộng lớn hơn trên những mặt trận khác để tạo ra các phong trào cách mạng sôi nổi hơn, để chúng ta có cách tốt hơn nhằm xây dựng và phát triển TP”, ông Thơ nói.
Đà Nẵng tái cấu trúc lại nền kinh tế
Dịch Covid-19 đã tác động rất nặng nề đến kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam. Đối với Đà Nẵng, GRDP 6 tháng đầu năm 2020 giảm 3,61%. Đây là lần sau 23 năm kể từ ngày trở thành TP trực thuộc trung ương, kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm.
Về vấn đề này, ông Thơ đồng ý với các đại biểu khi cho rằng nguyên nhân chủ yếu do ngành dịch vụ chiếm đến 64% trong cơ cấu nền kinh tế Đà Nẵng. “Kinh tế lệ thuộc 64% cơ cấu dịch vụ. Trong dịch vụ chủ yếu du lịch, mà du lịch chủ yếu khách ngoại tỉnh và nước ngoài. Nền kinh tế có cơ cấu lệ thuộc, hướng ngoại thì rõ ràng bị tổn thương nhiều nhất là điều tất yếu. Có thể tìm thấy những tỉnh thành có đặc điểm giống Đà Nẵng, ví dụ như Khánh Hòa âm tới 12%”, ông Thơ nói.
Cũng theo Chủ tịch Đà Nẵng, ngoài Covid-19, nền kinh tế còn bị ảnh hưởng bởi những chính sách vĩ mô. Đơn cử như Quảng Nam lệ thuộc vào công nghiệp sản xuất, trong đó có sản xuất ô tô, chiếm tỷ trọng rất lớn, gần như áp đảo trong cơ cấu tăng trưởng và thu ngân sách. Chỉ cần xe không bán được vì nhiều lý do thì cũng khiến nền kinh tế tỉnh này bị tổn thương rất nghiêm trọng. Vì thế, với cơ cấu kinh tế như vậy thì sự giảm sút của kinh tế Đà Nẵng là số đo rất khách quan.
 Dịch vụ cảng biển là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng. Ảnh: Q.HẢI 
Trước đó, nhiều ý kiến đại biểu đặt ra câu hỏi liệu Đà Nẵng có nên tính đến việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế trong chiến lược phát triển theo hướng giảm tỷ trọng ngành dịch vụ để tránh bớt rủi ro.
Về vấn đề này, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ bày tỏ: “Tôi cho rằng qua đại dịch Covid, không những Việt Nam mà toàn thế giới đang sẵn sàng tính toán lại việc phân bố chuỗi cung ứng toàn cầu để nhằm tránh rủi ro, tránh phụ thuộc vào một số nước. Việt Nam cũng đứng trước những cơ hội và thách thức tương tự, cũng sẽ tính toán rồi bố trí và cân đối lại sự phát triển của nền kinh tế để phát triển bền vững và sẵn sàng có thể ứng chịu được những cuộc khủng hoảng như Covid-19”.
Với TP Đà Nẵng, ông Thơ cho biết UBND đang đặt vấn đề nghiên cứu điều chỉnh chính sách và chiến lược phát triển của mình, trong đó có tái cấu trúc lại nền kinh tế. Không chỉ dựa vào dịch vụ mà tập trung phát triển nền kinh tế theo 3 trụ cột (du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển) và 5 mũi nhọn (Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp…).  
Tuy nhiên, ông Thơ nhấn mạnh “không thể bỏ trứng vào một giỏ”, mà trong từng thời điểm, giai đoạn, thời cơ, những ngành nào có thuận lợi thì khai thác phát triển. Hiện Đà Nẵng đã có những chiến lược rất mạnh mẽ để đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ…
“Chúng ta cũng phải tín toán lại để có thể ứng chịu được những cuộc khủng hoảng như Covid-19. Đà Nẵng sẽ tái cấu trúc lại, không chỉ dịch vụ mà chú trọng đến 3 trụ cột tập trung phát triển”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho hay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần