Chủ tịch ECB cảnh báo virus corona lây lan gây bất ổn kinh tế toàn cầu

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nói rằng sự bùng phát của virus corona khởi phát từ Trung Quốc đang gia tăng sự không chắc chắn đối với kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde.
Phát biểu tại thủ đô Paris (Pháp) hôm 5/2, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhận định: "Trong khi mối đe dọa của cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung dường như đang giảm bớt, thì dịch viêm phổi do virus corona lại thêm một tầng nấc bất ổn mới". Theo tuyên bố trên, bà Lagarde đã so sánh dịch bệnh viêm phổi do virus corona tương đương với "các nguy cơ toàn cầu" như căng thẳng thương mại và các điểm nóng địa chính trị.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo ECB nhận định tác động do sự bùng phát của chủng virus corona mới (nCoV), nguyên nhân gây bệnh viêm phổi cấp khởi phát từ TP Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), chỉ trong ngắn hạn.
Chủ tịch ECB cũng trấn an rằng các chính sách nới lỏng tiền tệ của ngân hàng này chính là "một giải pháp bình ổn tự động khá hiệu quả", có thể giúp chống đỡ hiệu quả cho các nền kinh tế thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu.
ECB từ lâu đã cảnh báo rằng các rủi ro toàn cầu ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu, song gần đây đã có những nhận định lạc quan hơn khi cho rằng rủi ro dường như đang giảm.
Trước đó, hồi tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell nói rằng FED "đang theo dõi sát" tình hình dịch bệnh. Ông Powell cho biết: "Dịch bệnh rõ ràng sẽ có ảnh hưởng, ít nhất trong tương lai gần, đối với sản lượng của Trung Quốc" và sẽ tác động lên các nền kinh tế khác gắn với Trung Quốc thông qua các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại Vũ Hán từ tháng 12/2019, đã lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới và tính đến sáng ngày 5/2 khiến gần 500 người thiệt mạng và hơn 24.000 người nhiễm bệnh. Virus corona bùng phát mạnh đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, đang dấy lên mối lo ngại rằng tác động tiêu cực đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu.