Chủ tịch HĐND TP Hà Nội: Tạo sự chuyển biến quản lý nhà nước về môi trường

Linh Chi - Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Thường trực HĐND TP sẽ xem xét, biểu quyết, thông qua kết luận phiên giải trình và tổ chức giám sát việc tổ chức thực hiện tạo sự chuyển biến về công tác quản lý nhà nước về môi trường của chính quyền TP trong thời gian tới.

Sáng 12/9 tại trụ sở HĐND-UBND TP Hà Nội đã khai mạc Phiên họp tháng 9/2017 của Thường trực HĐND TP, do Phó Bí thư Thành ủy-Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì.
  Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại phiên giải trình
Phiên họp này gắn với hoạt động giải trình trong công tác quản lý Nhà nước về thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế và quản lý hồ nước khu vực nội thành trên địa bàn TP Hà Nội.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Thực hiện Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Nghị quyết 24/2016/NQ-HĐND, ngày 8/12/2016 của HĐND TP về chương trình giám sát năm 2017 của HĐND TP, Thường trực HĐND TP tổ chức phiên họp này gắn với hoạt động giải trình đầu tiên nhiệm kỳ khóa XV HĐND TP.

Trong phiên họp lần này, Thường trực HĐND TP lựa chọn lĩnh vực môi trường, trong đó tập trung vào các vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế và việc quản lý hồ nước khu vực nội thành trên địa bàn Hà Nội để yêu cầu UBND TP và các cơ quan liên quan giải trình. Đây là lĩnh vực HĐND TP đã có nhiều nghị quyết, tổ chức các cuộc giám sát và chất vấn tại kỳ họp HĐND. TP cũng đã có nhiều có gắng trong triển khai thực hiện và bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực, TP sáng, xanh, sạch đẹp hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, hạn chế về môi trường. Đó là công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng: Một bộ phận Nhân dân thiếu ý thức, xả rác thải không đúng quy định nhưng chưa được chính quyền quan tâm xử lý vi phạm; tình trạng thiếu trạm trung chuyển rác, rác thải thu gom chờ vận chuyển phải tập kết trên đường gây ùn ứ, gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và mỹ quan đô thị; công nghệ xử lý rác hiện nay còn lạc hậu, không đảm bảo công suất…

Việc xử lý chất thải rắn xây dựng chủ yếu theo hình thức chôn lấp, một số bãi chôn lấp phế thải hiện nay đang trong tình trạng đầy, quá tải và chuẩn bị đóng bãi, tình trạng chất thải xây dựng không những đổ trộm mà còn đổ công khai gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhân dân…

Thứ hai, về công tác phân loại, thu gom và xử lý chất thải y tế: Việc thực hiện quy trình phân loại, thu gom và xử lý chất thải y tế tại một số bệnh viện, cơ sở y tế, đơn vị thực hiện xử lý chất thải rắn y tế còn chưa nghiêm túc; đa số các bệnh viện, cơ sở y tế của cả T.W và TP, hệ thống xử lý nước thải đã xuống cấp, chất lượng nước thải không đảm bảo yêu cầu… Thứ ba, về công tác quản lý hồ nước: Hiện khu vực nội thành còn rất nhiều hồ nước bị ô nhiễm, công tác quản lý tại một số địa bàn các quận chưa chặt chẽ, để xảy ra tình trạng lấn chiếm, đổ chất thải vào các hồ…
 Toàn cảnh phiên họp
“Tại phiên giải trình này cần làm rõ, xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức liên quan và người dân TP trong việc thực hiện các nội dung trên, đồng thời đề xuất lộ trình khắc phục những hạn chế đó. Để đánh giá thực trạng công tác quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn TP, Thường trực HĐND TP đã giao UBND TP và các cơ quan chuyên môn, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng báo cáo kết quả thực hiện; đồng thời giao các Ban của HĐND TP tổ chức khảo sát thực trạng việc triển khai thực hiện các nội dung trong kế hoạch, trên cơ sở tổng hợp từ báo cáo của UBND TP, 3 sở (Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Y tế) và 29/30 quận, huyện, thị xã”, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

Để đảm bảo chất lượng của phiên giải trình; để đông đảo cử tri cùng tham gia phiên giải trình hiệu quả từ truyền hình trực tiếp, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ: Thường trực HĐND TP đề nghị các đại biểu HĐND, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện bám sát nội dung, chương trình của phiên họp.

Trong đó, đối tượng giải trình là các thành viên UBND TP và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã. Đề nghị các đại biểu HĐND TP tập trung hỏi thẳng, nêu rõ đơn vị cần giải trình các nội dung mà Thường trực HĐND đã lựa chọn, không hỏi những lĩnh vực khác.

Đối với các đơn vị được mời giải trình, cần giải trình rõ vấn đề do Thường trực HĐND TP yêu cầu và đại biểu HĐND TP hỏi, trong đó làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, lộ trình khắc phục những tồn tại, các đề xuất, kiến nghị với Thường trực HĐND TP. Những câu hỏi của đại biểu HĐND ngoài nội dung do Thường trực HĐND TP lựa chọn, các đơn vị không trả lời trực tiếp tại phiên họp và trả lời đại biểu bằng văn bản sau.

Căn cứ kết quả giải trình của các sở, ngành, quận, huyện và phương hướng, lộ trình, giải pháp, Thường trực HĐND TP sẽ xem xét, biểu quyết, thông qua kết luận phiên giải trình và tổ chức giám sát việc tổ chức thực hiện tạo sự chuyển biến về công tác quản lý nhà nước về môi trường của chính quyền TP trong thời gian tới hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, môi trường được cải thiện, phát triển bền vững và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cử tri và nhân dân Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần