Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank: Chúng tôi tự hào về Ví Việt

Đinh Nguyễn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Nguyễn Đình Thắng cho biết, ông tự hào về Ví Việt - ứng dụng ngân hàng số nổi bật trên thị trường hiện nay không phải vì “con hát, mẹ khen hay” mà vì những tiện ích, hiệu quả sản phẩm này mang lại cho người sử dụng cũng như ngân hàng.

Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, ông Thắng cũng nói nhiều đến mục tiêu phát triển ngân hàng số, mở rộng mạng lưới kinh doanh, nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng… “Muốn xây nhà cao tầng, phải xây móng vững”, đại diện LienVietPostBank nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank
LienVietPostBank vừa công bố quyết định điều chỉnh một số chỉ tiêu trong kế hoạch kinh doanh năm 2018, theo đó nhiều mục tiêu chỉ tiêu như lợi nhuận trước thuế, tổng tài sản và huy động vốn từ thị trường 1 giảm mạnh. Vì sao thưa ông?

LienVietPostBank vừa thông báo điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 giảm từ 1.800 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng; Tổng tài sản từ 190.000 tỷ đồng xuống còn 180.000 tỷ đồng; Huy động vốn thị trường 1 từ 170.000 tỷ đồng xuống còn 160.000 tỷ đồng; Dư nợ thị trường 1 từ 123.500 tỷ đồng xuống 117.557 tỷ đồng; Tỷ lệ chi trả cổ tức tối thiểu từ 12% xuống còn 10%. Một số chỉ tiêu kinh doanh cơ bản của năm 2018 vẫn được LienVietPostBank giữ nguyên, gồm vốn điều lệ tăng lên 9.875 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%.

Chúng tôi điều chỉnh chỉ tiêu Tổng tài sản, Huy động vốn và dư nợ Thị trường 1 để tương ứng với room tín dụng năm 2018 theo hạn mức của NHNN (kế hoạch đầu năm xây dựng là tăng trưởng 20% tăng trưởng tín dụng, phê duyệt của NHNN là 14%).

Ngân hàng điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận vì trong giai đoạn 2018 - 2019, LienVietPostBank xác định chiến lược là tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới vì mục tiêu trở thành Ngân hàng bán lẻ phục vụ cho mọi người dân đến tận tất cả các xã/phường, huyện/thị trên toàn quốc, đồng thời tận dụng cơ hội và kịp thời hạn cấp phép của NHNN cũng như mối quan hệ hợp tác với VietnamPost. Việc mở rộng mạng lưới sẽ làm tăng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, hạ tầng công nghệ và đặc biệt là chi phí nhân sự, quản lý…
Một trong những lợi thế của LienVietPostBank là hệ thống mạng lưới rộng khắp ở các vùng nông thôn khi “kết hôn” cùng Tiết kiệm Bưu điện (VietNamPost). Nhưng thời gian gần đây, ngân hàng lại tập trung phát triển ngân hàng số. Định hướng phát triển ngân hàng số liệu có mâu thuẫn với lơi thế là mạng lưới phủ khắp khu vực nông thôn của ngân hàng không thưa ông?
Chúng tôi chọn đầu tư vào công nghệ trong khi lợi thế là hệ thống mạng lưới rộng khắp phủ sóng khu vực nông thôn- hai mục tiêu này có vẻ mâu thuẫn nhưng thực ra lại hỗ trợ nhau.

Đầu tư vào công nghệ là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại. LienVietPostBank quyết định đầu tư xây dựng và triển khai dịch vụ Ngân hàng số nhằm bắt kịp xu hướng tất yếu trong thời đại cách mạng 4.0. Không chỉ ngân hàng mà bất cứ DN nào muốn phát triển thì hạ tầng công nghệ phải tốt, phải được nâng cấp.

Giai đoạn này chúng tôi đang cùng Bưu điện xây dựng mạng lưới để hỗ trợ người dân để thực hiện tại điểm giao dịch, giúp họ làm quen với ngân hàng số. Về sau sẽ giúp giảm nhân sự tại phòng giao dịch. Chúng tôi có nhiều chi nhánh nhưng nhiều điểm bắt buộc phải có mới dùng được ngân hàng số. Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi tiếp tục mở thêm mạng lưới trong khi đã có sẵn hệ thống Chi nhánh, PGD của VietnamPost.

Muốn xây nhà cao tầng thì nền móng phải vững. Đầu tư ngân hàng số, mở rộng mạng lưới và tăng số lượng, chất lượng nguồn nhân lực… là các “viên gạch” giúp LienVietPostBank xây nền móng vững.
Ví Việt không chỉ là ứng dụng ngân hàng số tiêu biểu của riêng LienVietPostBank mà còn được thị trường đánh giá cao. Ông có thể cho biết, đến nay hiệu quả của sản phẩm này có tương xứng với chi phí và công sức mà ngân hàng bỏ ra để phát triển?
Nói về Ví Việt, tôi khẳng định: Chúng tôi tự hào. Tự hào không phải vì tôi là cha đẻ của sản phẩm này mà tự hào vì những tiện ích mà Ví Việt mang lại cho người sử dụng. Ngoài ra, đây cũng là sản phẩm được cộng đồng công nghệ thế giới cũng như Việt Nam đánh giá cao. Và cuối cùng, nó mang lại lợi ích thực sự cho ngân hàng và cho cổ đông.

Ra đời tháng 8/2016, Ví Việt có chức năng là Ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, phương tiện thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trên smartphone hay website https://www.viviet.vn/ phục vụ cho mọi tầng lớp người dân, hộ kinh doanh cá thể, DN, tổ chức. Người dùng Ví Việt có thể thanh toán hóa đơn, mua sắm trực tuyến, trả tiền hàng hóa, dịch vụ, nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, nhận tiền, nạp tiền vào Ví Việt và rút tiền mặt… từ Ví Việt tại điểm giao dịch hay qua tài khoản thanh toán/thẻ ATM….

Về hiệu quả, đến nay, ngân hàng huy động được hơn 3.200 tỷ đồng tiết kiệm qua Ví Việt và có hơn 2,2 triệu người dùng. Đó là hiệu quả thấy rõ của sản phẩm này.

Ví Việt cũng được thế giới và Việt Nam đánh giá cao. Cuối năm 2017, Ví Việt đạt Giải thưởng APICTA 2017 do Liên minh các Tổ chức Công nghệ Thông tin và Truyền thông khu vực Châu Á – Thái Bình Dương- Oscar trong lĩnh vực CNTT. Ví Việt cũng là ứng dụng ngân hàng di động đã đạt được Giải thưởng Dự án Ngân hàng Di động Tốt nhất Việt Nam do Tạp chí -the Asian Banker.
Xin cảm ơn ông!