Chủ tịch Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp: Chờ một chiến lược bài bản cho logistics

Khắc Kiên (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ từ 15 -16%/năm.

 Chủ tịch Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sức cạnh tranh của DN Việt chưa tốt trong đó có nguyên nhân do chi phí logistics vẫn còn ở mức cao, tương đương 20,8% GDP, trong khi các nước phát triển từ 9 - 14%. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có buổi trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) Lê Duy Hiệp xung quanh vấn đề này.
Ông có đánh giá gì về thực trạng ngành logistics Việt Nam hiện nay?

- Việt Nam có khoảng 3.000 DN hoạt động trong ngành dịch vụ logistics. Trong đó khoảng 1.300 DN, chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, tham gia tích cực vào thị trường trong nước và nước ngoài. Có khoảng 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. Các DN Việt Nam cung cấp chủ yếu các dịch vụ logistics nội địa, như dịch vụ vận tải nội địa, vận tải đa phương thức, dịch vụ cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ kho bãi, khai báo hải quan, giám định, kiểm nghiệm, bốc dỡ hàng hóa… Ngoài ra, có một số đơn vị đảm nhận một phần dịch vụ logistics quốc tế thông qua làm đại lý cho các DN nước ngoài.

Điểm yếu của các DN logistics Việt Nam là chi phí dịch vụ còn chưa cạnh tranh tốt, chất lượng cung cấp dịch vụ chưa cao. Nguyên nhân dẫn đến các điểm yếu trên là do DN bị hạn chế về quy mô, vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng CNTT cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động quốc tế. Đáng quan ngại là tuy quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết, nhưng một số DN còn cạnh tranh thiếu lành mạnh, hạ giá dịch vụ để giành hợp đồng, khiến các DN trong nước bị thiệt, còn các DN nước ngoài được hưởng lợi…

Một nguyên nhân quan trọng nữa là không có đầu mối nguồn hàng do Việt Nam chủ yếu (khoảng 91%) xuất FOB và nhập CIF, ngoài ra có hạn chế về kết cấu hạ tầng logistics và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt. Do đó, việc giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển ngành dịch vụ logistics của Việt Nam hiện nay là một yêu cầu cấp bách.

Chính phủ đã có nhiều kế hoạch hành động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics, vậy ở góc độ hiệp hội, đã có những hoạt động gì để đưa ngành dịch vụ logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của Việt Nam, thưa ông?

- Với phương châm “Kết nối và Hội nhập”, Hiệp hội tập trung vào các vấn đề chính là Phát triển E-logistics và dịch vụ 3PL, 4PL; Thúc đẩy thuê ngoài, kết nối với các hiệp hội chủ hàng chính; Đào tạo phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao và hợp tác quốc tế. Cụ thể, Hiệp hội đã phối hợp với Hiệp hội Dệt may tổ chức các Hội thảo ở Nha Trang, tháng 5/2017 và ở Hà Nội, tháng 11/2017 và với Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, tháng 11/2017 về các giải pháp giảm chi phí logistics để nâng cao sức cạnh tranh cho DN dệt may và bông sợi, qua đó tạo điều kiện cho DN hai Hiệp hội hợp tác trong hoạt động, giảm chi phi kinh doanh chung. Tháng 9/2017, Hiệp hội đã phối hợp với Tổng cục Hải quan Việt Nam tổ chức Hội thảo về lợi ích và trách nhiệm của các DN logistics trong Cơ chế một cửa quốc gia – Kiểm tra chuyên ngành – Tạo thuận lợi cho Thương mại và Đại lý Hải quan, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, để nâng cao nhận thức cho DN trong công tác Hải quan, đặc biệt là công tác đại lý hải quan...
Vậy còn việc kết nối, hợp tác quốc tế, phía Hiệp hội có những giải pháp cụ thể nào để hỗ trợ DN?

- Một số hội viên của Hiệp hội bước đầu đã tìm cách đầu tư ra nước ngoài thông qua các văn phòng đại diện ở các nước Lào, Campuchia và Myanmar, thành lập liên doanh kinh doanh ICD tại Bỉ (Vinalines Logsitics). Tuy nhiên, việc đầu tư này còn rất hạn chế.

Để hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, Hiệp hội đã tổ chức kết nối thông qua các hội thảo quốc tế tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và PhnômPênh (Campuchia), Hội thảo vận tải xuyên quốc gia (CBT) giữa Việt Nam - Trung Quốc với các nước trong khu vực ASEAN. Từ năm 2018, Hiệp hội sẽ tổ chức Hội thảo quốc tế về CBT hàng năm tại TP Đà Nẵng. Nhằm mục đích phát triển thương mại và vận tải hàng hóa quá cảnh, liên kết Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khu vực GMS và ASEAN, tháng 8/2017, Hiệp hội đã ký kết Văn bản hợp tác với các Hiệp hội Logistics Quảng Đông, Hongkong (Trung Quốc) phát triển tuyến hành lang kết nối khu vực; tháng 11/2017 đã ký Văn bản hợp tác với Liên đoàn dịch vụ Logistics Hongkong nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực logistics hiện đại như e-commerce, B2B, ngay sau khi ASEAN và Hongkong ký Hiệp định thương mại tự do.

Hiệp hội cũng đang tiến hành dự thảo văn bản hợp tác để sớm ký kết với Hiệp hội Logistics Indonesia và Hiệp hội Logistics Singapore mở đầu cho việc hợp tác khu vực của Hiệp hội AFFA, tạo điều kiện cho các DN logistics Việt Nam tìm kiếm cơ hội công việc trong khu vực.

Ông có kiến nghị gì để phát triển ngành logistics trong tương lai?

- Trong điều kiện hiện nay, để việc quản lý Nhà nước “kiến tạo” cho ngành logistics phát triển, Hiệp hội kiến nghị, cần có một cơ quan quản lý chuyên trách về lĩnh vực logistics, có thể là một cục, vụ tại một bộ. Vì logistics có mục đích là gia tăng giá trị thương mại, nên tạo điều kiện cho đại diện của DN tham gia vào quá trình quản lý hoạt động logistics. Qua đó sẽ tăng cường việc quản lý ngành dịch vụ logistics, góp phần tạo thuận lợi và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và thương mại.

Việt Nam cần đột phá cơ chế quản lý Nhà nước, bao gồm cả chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, pháp luật điều chỉnh ngành,… kiến tạo môi trường tự do kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, phù hợp cam kết hội nhập. Đi cùng với đó là việc tăng cường phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics và các DN dịch vụ logistics đầu tàu, hiện đại và chuyên nghiệp, có đủ sức cạnh tranh và phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược…

Xin cảm ơn ông!

Ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ từ 15 - 16%/năm. Theo chỉ số hoạt động LPI của Ngân hàng thế giới 2014, xếp hạng 53 và 2016 xếp hạng 64/160 nước, đứng thứ 4 trong các nước ASEAN. Tổng chi phí logistics của Việt Nam năm 2016 là 41,26 tỷ USD, tương đương 20,8% GDP, trong đó, doanh thu của 100 công ty logistics hàng đầu Việt Nam năm 2016 là 8,74 tỷ USD.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần