Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, GS Nguyễn Mại: Chưa đáng lo M&A có tính chất thâu tóm

Trâm Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có sự gia tăng mạnh về lượt mua cổ phần và góp vốn vào DN Việt Nam của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài trong thời gian diễn ra dịch Covid-19. Đây là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài - GS Nguyễn Mại. Ông Mại cũng cho rằng chưa có hiện tượng ồ ạt thâu tóm DN trong nước của NĐT nước ngoài.

Khó khăn của người này, cơ hội đầu tư của người khác
Có nhiều ý kiến lo ngại cho thị trường nội địa khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp lại xuất hiện những DN nước ngoài thông qua các thương vụ M&A (hoạt động mua bán - sáp nhập) để chiếm lĩnh thị trường. Ông đánh giá sao về vấn đề này?
- M&A trở thành một kênh đầu tư hiệu quả nhất. Việc DN nước ngoài chuyển dịch dần từ đầu tư mới sang M&A là hệ quả hiển nhiên của sức phát triển kinh tế nội tại. Thay vì xây dựng mới, các DN này đã lựa chọn việc góp vốn, mua cổ phần, vừa tận dụng được cơ sở hạ tầng có sẵn của các DN góp vốn, lại hưởng được những cơ chế, chính sách ưu đãi. Đơn cử như nếu có tiền đầu tư vào một dự án mới, DN nước ngoài phải qua các khâu thủ tục và phải mất khoảng 2 - 3 năm mới bắt đầu hoạt động có hàng để bán.
 Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, GS Nguyễn Mại.
Có 2 loại DN qua M&A. Cụ thể như nhiều DN sắp "chết", nhất là đợt dịch Covid-19 vừa qua, DN rất yếu, nếu NĐT bơm vốn vào sau đó họ rút ra để hưởng lãi cũng là tốt. Thứ hai là những DN đang tốt được bơm vốn vào, thay đổi quản trị lại càng tốt hơn, 2 bên cùng có lãi. Từ 2017, M&A là xu hướng tốt, phải kể đến thương vụ giữa Sabeco và nhà đầu tư Thái gần 5,2 tỷ USD.
Vingroup bán hơn 6% cổ phần cho nhà đầu tư Hàn Quốc và nhận về 1 tỷ USD năm ngoái. 4 tháng đầu năm, DN nước ngoài đang dần tăng mạnh đầu tư vào các DN nội (tăng 32,9%) hơn là đăng ký mới (giảm 9,1%).
Tuy nhiên, hoạt động này chỉ bằng 34,7% so với cùng kỳ và quy mô của mỗi lượt góp vốn, mua cổ phần cũng rất nhỏ, khoảng 770.000 USD. Trong 4 tháng đầu năm, Hàn Quốc đứng đầu, Nhật Bản đứng thứ hai và Trung Quốc đứng thứ ba (chỉ vài trăm triệu USD) và như vậy với một thị trường trăm triệu dân như Việt Nam đang tăng trưởng và thị trường chứng khoán vốn hóa đã tăng thêm mấy trăm tỷ đồng. Tất nhiên phải cảnh giác nhưng chưa đáng lo lắm.
Cái đáng lo nhất, mà theo Bộ Công Thương điều tra xử lý là núp bóng dưới danh nghĩa DN Việt Nam xin các dự án đầu tư rất lớn 3 - 4 tỷ USD sau đó trở thành NĐT vốn Trung Quốc mà ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng mới đang ngại. Hoặc tình trạng lập xóm, lập phường, mua đất mới đáng ngại.
Không thể một mình một chợ
Có ý kiến đề nghị tạm dừng các hoạt động M&A trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quan điểm của ông thế nào? 
- Tôi xin nói một câu chuyện, Apple đã âm thầm sản xuất đến 30% tai nghe tại Việt Nam thay vì Trung Quốc. Đây là đáp số cho làn sóng dịch chuyển đầu tư rời Trung Quốc mà Việt Nam bắt buộc phải nắm bắt và tăng tốc đón đầu hơn thế nữa. Thế nên, đầu tư mới hay M&A đều là xu thế phát triển và cần cởi mở để đón nhận. Chúng ta đang mong chờ các NĐT mới trước làn sóng chuyển dịch đầu tư, làm sao có thể bảo tạm ngưng M&A được, mà ngưng bằng cách nào? Làm sao mà lại một mình một chợ?
Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, nhiều DN rơi vào tình trạng khó khăn thì sẽ cần gọi vốn đầu tư hoặc sự hỗ trợ bên ngoài để "cứu nguy". Do đó, không thể tước đi quyền giao dịch của họ trong tình hình khó khăn này. Cơ chế thị trường hiện nay làm sao mà không để cho những DN sắp trên trong tình hình dịch bệnh mà lại tìm được NĐT nước ngoài để vực dậy, NĐT nước ngoài cũng có lợi vì mua với giá thấp và cả 2 đều có lợi. DN yếu, thiếu vốn, việc được đàm phán mua lại là điều quá tốt thay vì gồng mình chống đỡ để rồi đóng cửa giải tán.
Nhìn từ thương vụ Sabeco có lý do để lo ngại thương hiệu Việt bị thâu tóm bởi ông chủ ngoại?
- Việc người Thái mua lại Sabeco đây là thương vụ thành công mang về gần 5,2 tỷ USD cho Nhà nước. Thế nhưng với Bia Sài Gòn vẫn còn vì sản xuất 2 chai nhà nước đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 1 chai và Bia Sài Gòn sau đó được quảng bá tại các sân bóng của Anh. Rồi nhiều DN bán cho nước ngoài, sau đó họ mở thêm các cơ sở kinh doanh và có lãi.
Có người nói không nên để DN Thái thâu tóm Sabeco, nhưng nên hiểu rằng, hiện Việt Nam đã mở cửa hội nhập, nên không có lý do gì chúng ta không cho các DN của các nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia... vào Việt Nam. Và ngược lại các DN lớn của Việt Nam hoàn toàn có thể tiến ra nước ngoài.
Xem xét chọn lọc các dự án
Kinh nghiệm các nước họ ứng xử với vấn đề M&A thế nào, thưa ông?
- Mới đây, Nhật Bản đã lên một danh sách các công ty trong nước phải chịu kiểm soát nghiêm ngặt đối với sở hữu nước ngoài. Theo đó, hơn 500 DN, trong tổng số hơn 3.800 DN của nước này bắt buộc phải tuân thủ các quy định khắt khe hơn về đầu tư nước ngoài.
Thay vì 10% như trước đây, các NĐT nước ngoài chỉ cần mua từ 1% cổ phần trở lên tại các DN Nhật Bản thuộc 12 lĩnh vực quy định đã phải chịu sàng lọc về nguyên tắc mới được phép sở hữu cổ phần. Điều này đưa ra nhằm hạn chế ảnh hưởng của các công ty nước ngoài đối với những ngành công nghiệp trọng yếu, trong đó có quốc phòng, cũng như ngăn chặn nguy cơ rò rỉ thông tin mật và những ngành công nghệ chính bị “chảy máu”.
Tuy vậy, ở các nước như Đức, Nhật Bản..., việc các chính phủ đưa ra biện pháp ngăn chặn nguy cơ thâu tóm DN trong thời gian khủng hoảng kinh tế nhằm để bảo vệ các ngành kinh tế quan trọng, DN trọng điểm hoặc có liên quan đến an ninh quốc gia... chứ không phải áp dụng với tất cả các DN và lĩnh vực kinh doanh.
Tại Việt Nam, Chính phủ có thể can thiệp vào các dự án chủ chốt liên quan đến quốc phòng - an ninh trật tự, an toàn xã hội trong các lĩnh vực ngân hàng, dầu khí, hàng không, năng lượng… trong quá trình mua cổ phần, góp vốn của NĐT ngoại. Hoặc với bất động sản, kiểm tra khoanh vùng các dự án nghỉ dưỡng, bất động sản lớn với hàng trăm hécta ở các khu du lịch ven biển, các vị trí trọng yếu ở nhiều tỉnh thành có liên quan về an ninh quốc phòng.
Đặc biệt, nếu các dự án lớn lại giao cho những DN có quy mô vốn nhỏ thì phải xem xét nguồn gốc vốn từ đâu để thực hiện. Còn riêng với những DN chỉ làm dự án dân sinh, cho dù có vốn nước ngoài tham gia thì tôi thấy cũng bình thường.
Vậy, Việt Nam cần hành động gì trong thời gian tới?
- Hiện tượng M&A trong thời gian tới còn diễn ra mạnh mẽ hơn, nhất là khi Việt Nam vẫn đang trong quá trình cổ phần hóa. Chúng ta nói nhiều tới cách thức chọn lọc việc thu hút FDI bền vững thì đây cũng là lúc cần xem xét khi thực hiện các thương vụ.
Không chỉ M&A đâu mà các dự án đầu tư mới sắp tới ta có Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị. Câu chuyện hiện nay đầu tư nước ngoài đang trở thành khu vực đóng góp nhiều cho nền kinh tế nhưng có nhiều vấn đề như chất lượng đầu tư, những vấn đề thay đổi định hướng đầu tư và xây dựng quyền lựa chọn dự án và NĐT phải được thực thi một cách nghiêm chỉnh.
4 tháng đầu năm, có 1 dự án lớn nhất là 4 tỷ USD ở Cần Thơ, nếu trừ dự án đó đi thì còn lại các dự án khác chia ra mỗi dự án chỉ 2,4 triệu USD thôi, rất nhỏ. Việt Nam có khả năng thừa số vốn đó, tại sao lại không lựa chọn DN Việt Nam mà lại để cho DN nước ngoài. Đó là cái đáng sợ nhất. Thứ hai, định hướng mới về công nghệ hiện đại, bigdata, trí tuệ nhân tạo làm gì có trong 4 tháng đầu năm? Rõ ràng đây là cần chú ý với các địa phương nếu như có năng lực và định hướng của tỉnh đó.
Nghị quyết 50 Bộ Chính trị nêu rất rõ về số lượng và tiêu chí chất lượng các dự án, đồng thời đẩy mạnh phân công, phân cấp, ủy quyền và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan. Nếu anh không làm được định hướng này (hiện nay nằm ở quyền của các UBND tỉnh và ban quản lý các khu kinh tế công nghiệp), nếu không thay đổi thì đất nước còn chịu trận.
Xin cảm ơn ông!
Đầu tư mới hay M&A đều là xu thế phát triển và cần cởi mở để đón nhận. Chúng ta đang mong chờ các NĐT mới trước làn sóng chuyển dịch đầu tư, làm sao có thể bảo tạm ngưng M&A được, mà ngưng bằng cách nào? Làm sao mà lại một mình một chợ?