Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan: Khủng hoảng là động lực để kích hoạt sự thay đổi

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Khủng hoảng là động lực để kích hoạt sự thay đổi, giúp chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn. Tôi luôn nghĩ rằng “trong nguy có cơ”- đó là cách mà Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan Nguyễn Đăng Quang và toàn hệ thống của Tập đoàn đang thực hiện để ứng phó với những khó khăn trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan Nguyễn Đăng Quang cho rằng, bán hàng online là xu thế tất yếu của tương lai và khủng hoảng do Covid-19 sẽ đẩy xu thế này phát triển nhanh hơn.
“Trong dịch Covid-19, chúng ta đang phải đối diện với một nỗi sợ rất lớn. Cũng giống như ta đá bóng, rất muốn thắng nhưng gặp trở ngại là trời mưa to. Nhưng nếu chỉ nghĩ đến trời mưa, chúng ta thua. Hay nếu rút hết về phòng vệ để không thủng lưới, chúng ta không thắng. Vì vậy, muốn chiến thắng được trận bóng này, chúng ta phải tính toán, vừa phòng thủ thật chặt, hàng công cũng sẵn sàng” - ông Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh.
Với quan điểm “trong nguy có cơ”, Masan dành nhiều ưu tiên để đối đầu với khó khăn. Đầu tiên là ổn định tâm lý, ổn định xã hội, ổn định an sinh xã hội. Đơn cử, Tổng Giám đốc Masan Consumer đã xuống cửa hàng VinMart+ và bán hàng cùng nhân viên để động viên tinh thần của họ.
Về an sinh xã hội, tại hệ thống hơn 3.200 siệu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+ ngoài thịt heo của Masan, DN này đã nhanh chóng ký xong hợp đồng với Tổng Công ty Lương thực miền Bắc để đảm bảo cung cấp đủ gạo, bình ổn giá tại tất cả các điểm bán trên 63 tỉnh thành. Giải pháp này ngay lập tức tạo ra sự ổn định đối với hai mặt hàng quan trọng là gạo và thịt, giúp người dân an tâm hơn.
Dây chuyền sản xuất nước mắm của Masan.

Ông Nguyễn Đăng Quang cho hay: “Chúng tôi đang làm việc với các DN chủ chốt của Việt Nam để đảm bảo các sản phẩm thiết yếu khác như mỳ, rau, trứng, sữa… luôn đầy đủ, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý để người tiêu dùng đến VinMart, VinMart+ lúc nào cũng có. Các nhà máy của Masan đang hoạt động tối đa công suất để đảm bảo đủ hàng cho chuỗi cung ứng này”.
Dịch bệnh nên người dân hạn chế tối đa đến nơi đông người, đấy chính là cơ hội cho bán hàng online. Hệ thống VinCommerce đã đẩy mạnh chương trình bán các gói hàng nhu yếu phẩm theo hai cách, người tiêu dùng có thể đến cửa hàng, hoặc ngồi ngay tại nhà, nhân viên sẽ giao đến.
“Khủng hoảng luôn là động lực để kích hoạt sự thay đổi, giúp chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn. Bán hàng online là xu thế tất yếu của tương lai, và tôi tin rằng khủng hoảng do Covid-19 sẽ đẩy xu thế này phát triển nhanh hơn” - ông Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh.
 
Ngoài ra, một vấn đề cần lưu ý là khi có khó khăn thì nguồn lực phải được tích lũy. Giai đoạn ngưng trệ kinh tế vừa qua đồng nghĩa với nhiều nguồn lực cũng bị ngưng đọng theo. Theo ông Quang, dễ dàng để nhìn thấy, vai trò của xuất khẩu vô cùng quan trọng. Nếu tháng trước không xuất khẩu được thanh long, tôm hùm thì cả nước có giải cứu bao nhiêu đi nữa cũng không giải quyết được vấn đề. Nhưng khi chúng ta giải quyết được vấn đề xuất khẩu, thì tất cả nông dân có tiền tức là họ khỏe hơn, DN có tiền cũng khỏe hơn, người làm có công việc cũng khỏe hơn.
Việt Nam có lợi thế rất lớn về xuất khẩu, làm thế nào để phát huy được. Khủng hoảng mới chỉ bắt đầu với kinh tế toàn cầu. Trong khi, chuỗi cung ứng toàn cầu đang thiếu hụt ở rất nhiều nơi do hơn 2 tháng nay Trung Quốc bị đình trệ.
Chủ tịch Masan cho rằng, đây chính là là cơ hội nếu chúng ta làm được, nắm bắt được. Khi chuỗi cung ứng đặt ở Trung Quốc bị ảnh hưởng, cần mở rộng để chuyển dịch, tăng cường, phát triển, đi ra cạnh tranh công bằng với thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Khủng hoảng đòi hỏi kích hoạt sự thay đổi để mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn, quyết liệt hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần