Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu: Căn hộ cao cấp khó tạo đột phá

Gia Việt (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ và không có xu hướng cụ thể. Căn hộ cao cấp khó có khả năng tạo nên đột phá cả về nguồn cung lẫn thanh khoản, nếu có cũng chỉ ở những dự án có vị trí đắc địa và với những chủ dầu tư uy tín" - đó là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu về xu hướng của thị trường căn hộ trong những tháng cuối năm 2017.

Theo ông, từ nay đến cuối năm 2017 và nửa đầu năm 2018, phân khúc căn hộ cao cấp liệu có cải thiện được vị thế, và tạo nên những bước đột phá về thanh khoản hay không?

- Đúng như dự báo của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), phân khúc căn hộ cao cấp đã có sự chững lại sau nửa đầu năm 2016, đồng thời tiếp tục xu thế này cho đến hết 10 tháng đầu năm 2017.

Trong những tháng cuối năm 2017, theo dự báo của các công ty nghiên cứu thị trường và một số chuyên gia về bất động sản, thị trường sẽ đón nhận thêm các sản phẩm mới cao cấp hơn, diện tích lớn hơn và sẽ có thêm dự án siêu sang, đồng thời kỳ vọng sức mua cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, căn hộ cao cấp khó có khả năng tạo nên đột phá cả về nguồn cung lẫn thanh khoản, đặc biệt là ở những căn hộ diện tích lớn, nếu có cũng chỉ ở những dự án có vị trí đắc địa, chủ dầu tư uy tín với sản phẩm diện tích trung bình, có từ 2 phòng ngủ trở lại.

Theo nhận định của một số chuyên gia, trước áp lực của tình trạng quá tải giao thông ngày càng nghiêm trọng, TP Hồ Chí Minh sẽ siết chặt việc cấp phép các dự án cao tầng tại khu vực trung tâm, do đó, sẽ có một làn sóng nhà đầu tư địa ốc đổ bộ ra vùng ven. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

- Theo tôi, quan điểm “do áp lực của tình trạng quá tải giao thông nên TP Hồ Chí Minh buộc phải siết chặt việc cấp phép các dự án cao tầng tại khu vực trung tâm, dẫn đến một làn sóng nhà đầu tư địa ốc đổ bộ ra vùng ven” là chưa đúng và chưa đủ.

Bởi thứ nhất, việc UBND TP Hồ Chí Minh siết chặt việc cấp phép các dự án cao tầng tại các khu trung tâm (nếu có – tôi xin nhắc lại là nếu có) nhằm giảm tải áp lực lên hạ tầng giao thông là đúng, là cần thiết. Tuy nhiên, không phải vì thế mà UBND TP sẽ “trói chặt” các DN. Mà vấn đề là DN “giải bài toán” hạ tầng như thế nào. Tôi lấy ví dụ, với Phú Mỹ Hưng. Để đầu tư một khu đô thị lớn như Phú Mỹ Hưng, DN đã chủ động đầu tư tuyến đường Nguyễn Văn Linh, dài 17km. Theo tôi được biết, đến nay đã 25 năm rồi, DN vẫn chưa bàn giao, vẫn chịu trách nhiệm duy tu bảo dưỡng.

Trong thực tế, còn nhiều DN khác nữa cũng đã làm rất tốt trong việc “giải bài toán” hạ tầng. Đại Quang Minh với Khu đô thị Sala cũng có thể coi là một ví dụ điển hình. Họ sẵn sàng ký cam kết, ký quỹ với UBND TP và triển khai đầu tư phát triển hạ tầng rất bài bản. Qua đó cũng thể hiện trách nhiệm xã hội của DN với cộng cộng đồng rất cao. Cứ như vậy thì TP làm sao phải siết?!

Thứ hai, theo tôi, không phải vì TP siết chặt việc cấp phép những dự án cao tầng tại các khu trung tâm nên buộc nhà đầu tư phải dạt ra vùng ven. Ngược lại, tôi cho rằng, việc “dạt ra vùng ven” là một chiến lược, một hướng đi đúng đắn của các DN. Cần nhớ rằng, TP Hồ Chí Minh là TP đa trung tâm. Ngoài trung tâm hành chính quận 1, mỗi quận, huyện đều là những trung tâm với tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu nhà ở là rất lớn. Chính vì vậy, việc “dạt ra vùng ven” là một cơ hội cho các ông chủ đầu tư địa ốc. Định vị dòng sản phẩm phù hợp, DN sẽ thành công.

Xin cảm ơn ông!