Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu: Sàn chứng khoán là nơi huy động vốn lý tưởng

Mai Vân (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù nguồn trái phiếu từ các sàn chứng khoán chưa thực sự hiệu quả như mong đợi nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, đây là nơi huy động vốn lý tưởng dành cho các DN BĐS.

 Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu
Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Thưa ông, sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện lộ trình giảm nguồn vốn vay, các DN đã tìm đến kênh trái phiếu thông qua sàn chứng khoán. Ông đánh giá thế nào về lợi ích của nguồn tài chính này?
- Trước hết có thể khẳng định, lộ trình mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra hiện nay là tương đối phù hợp. Từ năm 2017, HoREA đã có 8 khuyến nghị về hành vi kinh doanh để ứng phó với lộ trình này, trong đó trọng tâm là chuyển đổi chủ sở hữu, chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần, công ty cổ phần đại chúng... đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán để huy động vốn.
Theo đó, sàn chứng khoán là nơi huy động vốn lý tưởng. Ngoài ra, HoREA cũng khuyến nghị các DN coi trọng việc phát hành trái phiếu DN. Nhưng gần đây có một số DN phát hành trái phiếu với mức lợi nhuận cao mang lại rất nhiều rủi ro.
Với việc đưa ra lộ trình này, Ngân hàng Nhà nước đã tạo áp lực lên các ngân hàng thương mại, DN BĐS và cả người mua nhà. Trong đó, người mua nhà có một lượng lớn là nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, nghĩa là đầu tư lướt sóng. Chính là nhóm đối tượng này có thể gây ra “bong bóng” cho thị trường BĐS.
Có ý kiến cho rằng hình thức ngân hàng thực hiện giảm nguồn vốn cho vay nhưng vẫn mua trái phiếu của DN BĐS chỉ là câu chuyện “bình mới – rượu cũ”. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
- Nhiều nước trên thế giới sử dụng tài chính từ nguồn vốn trung hạn và dài hạn cho phát triển BĐS như quỹ hưu trí, quỹ tín thác, quỹ bảo hiểm... chứ không phải vốn ngắn hạn. Vì vốn ngắn hạn chỉ là vốn lưu động. Nhưng ở Việt Nam, sử dụng nguồn vốn vay ngắn hạn mang lại nhiều rủi ro cho DN do lãi suất cao và thời hạn ngắn. Trong khi đó, lãi suất cao thường đi đôi với rủi ro cao và phải có tài sản thế chấp nhiều.
Ở nước ngoài, đầu tư BĐS chủ yếu huy động vốn qua sàn chứng khoán vì minh bạch, lành mạnh. Nhưng ở Việt Nam thị trường chứng khoán chủ yếu là đầu cơ, lướt sóng. Nhận thấy nguy cơ rủi ro có thể xảy ra đối với việc mua trái phiếu của các DN BĐS từ các ngân hàng thương mại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng không được mua trái phiếu của những DN dùng làm mục đích cơ cấu lại các khoản nợ. Đây được xem là động thái kịp thời của Ngân hàng Nhà nước để tránh tình trạng “lách luật” và những rủi ro có thể xảy ra.
Vậy để bảo đảm nguồn vốn ổn định cho hoạt động của các DN nói chung và DN BĐS nói riêng cần phải làm gì, thưa ông?
- Có thể khẳng định, thị trường BĐS giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế. Nếu BĐS đi lên, nền kinh tế sẽ phát triển tích cực. BĐS bị khủng hoảng giống như “con chim báo bão” của nền kinh tế. Để bảo đảm nguồn vốn cho các DN có thể đầu tư kinh doanh, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới. Đó là sử dụng nguồn vốn trung – dài hạn cho đầu tư BĐS thông qua các quỹ tín thác, quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm...
Hiện nay, ở Việt Nam đã hình thành được quỹ tín thác nhưng nguồn quỹ này chỉ có vài chục tỷ đồng. Con số này là rất thấp, quỹ tín thác phải có nhiều nghìn tỷ đồng. Vì vậy, Chính phủ nên tạo điều kiện phát triển các quỹ đầu tư để thúc đẩy BĐS phát triển ổn định, bền vững.
Xin cảm ơn ông!