Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: “Không đưa được nguồn lực đầu tư công vào vận hành là có lỗi với người dân”

Thủy Tiên - Công Thọ - P. HÙNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 9/7, phát biểu làm rõ thêm vấn đề đại biểu quan tâm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 9, HĐND TP khóa XV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề cập đến hàng loạt vấn đề trọng tâm của TP.

Thay mặt tập thể UBND TP, Chủ tịch UBND TP đã trân trọng cảm ơn các ĐB HĐND TP đã thông qua các Nghị quyết quan trọng phục vụ cho việc điều hành, phát triển của TP.
Chủ tịch UBND TP cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9 của HĐND TP, sau khi thống nhất với Thường trực HĐND TP, Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố, UBND TP đã chuẩn bị 20 báo cáo, tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình HĐND TP.
Trước kỳ họp, UBND TP đã chỉ đạo trả lời đầy đủ 326 câu hỏi, kiến nghị của cử tri, 14 câu hỏi chất vấn; Phân công các sở, ban, ngành dự 30 cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND TP để nắm tình hình cơ sở, tiếp thu và giải đáp kiến nghị của cử tri thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của ngành, cấp mình. Đồng thời, chuẩn bị tài liệu phục vụ 24 cuộc giám sát của các ban HĐND TP, 02 hội nghị phản biện xã hội của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Kỳ họp thứ 9, HĐND TP khóa XV
Tại kỳ họp này, trong thông báo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, tham gia xây dựng chính quyền TP của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP; Báo cáo thẩm tra chung của các ban thuộc HĐND TP đã nêu ra 13 nhóm vấn đề còn tồn tại trên các lĩnh vực của TP và cũng tại kỳ họp này UBND TP đã nhận được 36 ý kiến của 34 đại biểu, trong đó có 1 đại biểu tái chất vấn, đã được Phó Chủ tịch UBND TP các ủy viên UBND TP, các Chủ tịch UBND các quận, huyện trả lời trực tiếp tại Hội trường. Những nội dung ĐB nêu câu hỏi, chưa được trả lời, TP sẽ trả lời ĐB trong vòng 1 tuần.
“Thay mặt cho UBND TP, tôi xin trân trọng cảm ơn và nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các vị đại biểu. Tập thể UBND TP sẽ tiếp tục chủ động tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết tại kỳ họp này của HĐND TP, đặc biệt sẽ quyết tâm hoàn thành đến mức cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019”, Chủ tịch bày tỏ.
Hoàn thành 263/366 nhiệm vụ Thành ủy giao, đạt 72%
Với trách nhiệm là người đứng đầu UBND TP, Chủ tịch phát biểu làm rõ thêm một số nội dung mà các ĐB, cử tri, dư luận, quan tâm.
Về công tác chỉ đạo, điều hành chung, trong những năm qua và 6 tháng đầu năm 2019, UBND TP đã chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo điều hành của T.Ư, Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy và Nghị quyết của HĐND TP, các vị ĐB và các Ban của HĐND TP đã giám sát chặt chẽ các nội dung triển kahi toàn diện về KTXH, an ninh quốc phòng của TP trong thời gian vừa qua.
6 tháng, UBND TP đã nhận 5.069 văn bản của Trung ương, trong đó 1.050 văn bản giao nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 1.153 văn bản của Thành ủy, trong đó 366 nhiệm vụ có thời hạn báo cáo; 246 văn bản của HĐND TP; 25.815 văn bản tham mưu, đề xuất của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã; 1.586 hồ sơ thủ tục hành chính một cửa liên thông; Tiếp 15.005 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; Tiếp nhận và xử lý 18.771 đơn các loại; Tổng hợp, rà soát hơn 3.000 thông tin trên báo chí, thông tin đại chúng về các lĩnh vực, vấn đề của TP.
Để hoàn thành nhiệm vụ, UBND TP đã: Ban hành 15.293 văn bản hành chính nhà nước, trong đó 12 quyết định quy phạm pháp luật, 09 chỉ thị, 03 công điện, 135 kế hoạch, 3.179 quyết định hành chính,…Tổ chức 08 phiên họp Tập thể UBND TP thường kỳ để thảo luận cho ý kiến đối với 58/108 đề án theo chương trình công tác; 47 phiên họp tập thể Ban Cán sự Đảng UBND TP để thảo luận, cho ý kiến đối với 371 đề án, nội dung công tác; tổ chức 06 hội nghị giao ban tháng, quý; Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã chủ trì 402 buổi làm việc để chỉ đạo các công việc thường xuyên, đột xuất theo nhiệm vụ được phân công.
Tham dự, báo cáo tại 327 cuộc họp của Chính phủ, Thành ủy, HĐND Thành phố và các cơ quan có liên quan T.Ư; Chỉ đạo chuẩn bị tài liệu phục vụ 02 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề, 02 đoàn giám sát của đoàn Đoàn ĐBQH Thành phố; 06 đoàn giám sát của các ủy ban của Quốc hội; 58 cuộc tiếp xúc cử tri tại các đơn vị trước và sau kỳ họp quốc hội. Tổ chức 05 buổi đối thoại với công dân, công nhân lao động; 35 buổi tiếp công dân định kỳ; đi kiểm tra và chủ trì hơn 168 cuộc làm việc tại cơ sở để chỉ đạo giải quyết các công việc thuộc lĩnh vực được phân công và chỉ đạo xử lý các vụ việc nổi cộm, dư luận nhân dân quan tâm; Đã thực hiện 87 cuộc tiếp và làm việc với các đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài để mở rộng quan hệ đối ngoại, kêu gọi xúc tiến đầu tư, hợp tác về văn hóa, du lịch, giáo dục, trao đổi kinh nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ mới,....
Các cơ quan hành chính của Thành phố đã tiếp nhận và xử lý theo đúng quy định của pháp luật 18.771 đơn của công dân. Đã chỉ đạo triển khai 186 cuộc thanh tra (gồm 98 cuộc theo kế hoạch và 88 cuộc đột xuất); qua thanh tra phát hiện vi phạm 29 tỷ đồng; kiểm điểm trách nhiệm 32 tập thể và 45 cá nhân có vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 02 cuộc; đã xử phạt vi phạm hành chính 34 tỷ đồng.
Đã hoàn thành 961/1.050 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (đạt 92%); Đang tiếp tục thực hiện 89/1.050 nhiệm vụ (chiếm 8%). Hoàn thành 263/366 nhiệm vụ Thành ủy giao (đạt 72%); đang triển khai thực hiện 103/366 nhiệm vụ trong hạn (chiếm 28%). Tiếp thu và chỉ đạo xử lý tốt 31/31 sự việc do báo chí, dư luận phản ánh bức xúc. Hoàn thành đúng hạn 100% hồ sơ thủ tục hành chính cơ chế 1 cửa liên thông.
DN nợ tiền sử dụng đất đã giảm
Để làm rõ thêm câu hỏi của ĐB Hồ Thị Vân Nga và trong báo cáo của MTTQ TP về xung quanh thu hồi tiền thuê và sử dụng đất của các dự án chậm triển khai, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết: TP đã thành lập Ban chỉ đạo thu hồi nợ đọng do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng; thường xuyên ra soát lại các DN nợ đọng; Cục thuế TP thường xuyên công bố công khai các DN nợ đọng trên trang điện tử của Cục và TP và trên các báo đài.
TP và Cục thế, các sở ngành thường xuyên đối thoại với DN. Và đặc biệt, Ban cán sự Đảng TP đã xin ý kiến Bí thư Thành ủy và thường trực Thành uy và đã đồng ý thống nhất là các DN nợ đọng thuế trên địa bàn, vi phạm PCCC, trật tự xây dựng đều không cấp mới và gia hạn dự án đầu tư mới. Điều này cũng là tác động đến DN chấp hành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất. Kết quả, DN nợ tiền sử dụng đất đã giảm so với cuối năm 2015 đầu 2016.
  ĐB Hồ Vân Nga tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Tuy nhiên hiện nay vẫn còn số lượng lớn, đồng thời, thực tế liên quan đến DN nợ tiền sử dụng đất, thông qua rà soát, cũng hiện ra vi phạm trong quy trình thủ tục mà hành chính đã thực hiện như có dự án ĐB đề cập tới.
Quan điểm của TP là những DN Cục thuế tìm không thấy địa chỉ, TP sẽ công bố công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng của Hà Nội và T.Ư, giao cho cán bộ thuế trực tiếp xác minh và thậm chí chuyển danh sách cho Công an TP hỗ trợ xác minh. Sẽ công bố công khai trong một thời hạn nhất định, hết thời hạn ấy, DN không đến coi như hết hiệu lực và TP sẽ đề xuất thu hồi. Và những dự án thuộc thẩm quyền UBND TP, UBND TP sẽ họp tập thể; những dự án thuộc thẩm quyền Thường trực Thành ủy, Thường vụ Thành ủy sẽ thông báo đúng quy định, quy trình của Luật Đất đai.
Năm 2019 tiếp tục phê duyệt tinh giản biên chế đối với 109 cán bộ công chức
Liên quan đến sắp xếp bộ máy, tiếp tục phát huy những kết quả năm trước, TP đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, các công vị, DN công ích, các phòng ban quận huyện. khối trường, đơn vị công lập.
6 tháng đầu năm 2019, đã sáp nhập trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật đa ngành Sóc Sơn vào trường Đại học Thủ đô; sắp xếp lại 5 công ty thủy lợi; sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao; sắp xếp lại Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc và Quy hoạch đô thị, nông thôn trực thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc.
Trên cơ sở sắp xếp đã đạt kết quả khả quan. Sau khi sắp xếp, đã chỉ đạo đơn vị xây dựng nội quy, quy chế quy trình theo đúng chức năng nhiệm vụ; xây dựng đề án mô tả việc làm, đến nay các đơn vị đã xây dựng xong đề án này.
Đã yêu cầu các đơn vị rà soát quy trình thủ tục hành chính, xây dựng quy trình chuẩn. Trên cơ sở đó, Sở TTTT, VP UBND TP chuyển cho các đơn vị phần mềm để số hóa, trên cơ sở đó xây dựng các dịch vụ công mức độ 3,4. Đến nay, TP đã được 74% các DVCTT mức độ 3, 4, phấn đấu trong năm nay sẽ hoàn thành việc này.
Trong 3 năm vừa qua, đã đơn giản hóa 304 thủ tục. 6 tháng qua đã ban hành 08 Quyết định công bố TTHC, bãi bỏ 298 TTHC. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước, áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích.
Đã chuyển 125 đơn vị sang tự chủ chi thường xuyên, giảm 13.665 biên chế hưởng lương ngân sách. Ban hành Kế hoạch đến 2021 nâng mức tự chủ chi thường xuyên 296 đơn vị, vượt chỉ tiêu 257 đơn vị theo Nghị quyết số 19. Phê duyệt danh mục 05 đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần.
Đã tinh giản biên chế được 17 đợt với 847 người, với tổng số kinh phí là 83,861 tỷ đồng; Năm 2019 tiếp tục phê duyệt tinh giản biên chế đối với 109 CBCC.
Riêng về tuyển dụng viên chức liên quan đến giáo viên, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, trong phiên họp giao ban tháng 7/2019 vừa qua, TP đã giao Sở Nội vụ và TP đã thành lập BCĐ liên quan đến thi tuyển viên chức và công chức của các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là khối giáo viên.
Trong đó, có tình trạng đã tồn tại hơn 20 năm, có nhiều giáo viên đã ký hợp đồng trên 20 năm. Trên cơ sở xin ý kiến Bộ Nội vụ, Bộ đã có hướng dẫn về nghiệp vụ và giao thẩm quyền cho Chủ tịch TP quyết định xét tuyển khối viên chức. TP sẽ thực hiện xét tuyển với hết giáo viên đã ký hợp đồng trong thời gian vừa qua, với điều kiện: có hợp đồng, đã đóng bảo hiểm tỏng thời gian vừa qua, phải kiểm tra sức khỏe, trình độ năng lực phù hợp vị trí việc làm.
TP thu hút những ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao
Về câu hỏi của ĐB Nguyễn Hoàng về định hướng phát triển công nghiệp của TP?. Chủ tịch cho biết, theo Tổng Cục thống kê, ngành chế biến chế tạo của TP là tăng hơn so với cùng kỳ năm 2018. Trong tất cả phân tích của ngành nghề liên quan đến công nghiệp, trong 18 danh mục chỉ có 3 danh mục giảm, còn lại cơ bản tăng. Qua đó đóng góp vào tăng trưởng cao của TP.
 Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 9/7
TP chủ trương theo đúng định hướng của Chính phủ và kế hoạch của Thành ủy là thu hút những ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao. Trong quá trình DN vào, TP đều có chính sách hỗ trợ như dạy nghề, nhà ở cho công nhân, với ngành kỹ thuật cao, TP có báo cáo Thường trực, Thường vụ và báo cáo ra HĐND TP có hỗ trợ chính sách đặc thù.
Để thu hút ngành công nghiệp phụ trợ, phải có ngành công nghiệp mũi nhọn. Hiện cụm công nghiệp của Hà Nội luôn ở tình trạng cung thiếu so với nhu cầu. Năm 2019 phấn đấu có 20 cụm CN và hiện đã được 11/20, phấn đấu từ giờ đến cuối năm sẽ phê duyệt 9 cụm CN hoặc hơn, để đến năm 2020 có 40 cụm nữa tiếp tục để phục vụ các DN vừa và nhỏ. Hiện có DN đã vào sản xuất, cung ứng chíp, bảng điện tử cho rất nhiều DN của toàn cầu. “Lãnh đạo TP luôn đồng hành với các nhà đầu tư, DN sẵn sáng xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư vào các KCN” – Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.
Kiểm điểm rõ trách nhiệm liên quan đến việc điều hành đầu tư công chậm

Thông tin đến đại biểu Dương Đức Tuấn (quận Hoàn Kiếm), ĐB Hồ Vân Nga và một số đại biểu khác liên quan đến nội dung đầu tư xây dựng cơ bản 6 tháng đầu năm 2019 chậm, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung thừa nhận, tiến độ giải ngân 6 tháng đầu năm 2019 đạt 32,2%, thấp hơn so 2018 (33,5%).
Việc các dự án đầu tư công giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó TP đã kiểm điểm rõ trách nhiệm liên quan đến việc điều hành đầu tư công chậm. “TP xác định không đưa được nguồn lực đầu tư công vào vận hành, để nguồn tiền không tiêu hết là có lỗi với người dân”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nêu.
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, từ đầu 2016, UBND TP đã đề xuất sang Thường trực Thành ủy và được Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua việc nâng chính sách đền bù GPMB cho người dân khi nhận nhà tái định cư từ 3,2 triệu lên 6,8 triệu. Nhờ vậy, có nhiều dự án như dự án vành đai 2, có khu vực từ 95 - 98% người dân lấy tiền chứ không lấy nhà tái định cư.
Ngoài ra, TP được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặt hàng xây nhà ở thương mại phục vụ cho tái định cư theo hướng huy động nguồn lực xã hội vào đầu tư các dự án chứ không dùng ngân sách. Hiện nay các dự án lớn của thành phố như vành đai 3, 2, 1 và các dự án khác đều đủ nhà tái định cư.
Từ 2015 đến nay, thu ngân sách của TP đã tăng gần gấp 2 lần
Theo Chủ tịch UBND TP, những năm qua, Hà Nội đã phát huy kết quả sau 30 năm đổi mới, kinh tế TP đều tăng trưởng tốt. Trong 4 năm từ 2015 đến nay, thu ngân sách của TP đã tăng gần gấp 2 lần trong đó trên 90 % là thu nội địa chứng tỏ hướng đi đúng đắn bền vững.
Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, TP cũng đã đầu tư thích đáng để đảm bảo an sinh xã hội như xây dựng, sửa chữa cho người nghèo, người có công. Các thiết chế thể thao văn hóa được quan tâm. Đến năm 2020, TP sẽ dành hơn 1.300 tỷ đồng đầu tư xây dựng, đảm bảo tất cả các xã đều có nhà văn hóa…
Về bảo tồn và phát triển văn hóa, toàn TP có 5.922 di tích, trong đó tổng số lượt di tích được tu bổ, tôn tạo là 319 lượt. Tổng kinh phí: 1.782,983 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa: 462 tỷ đồng. Hoàn thành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 1.793 di sản và xuất bản Atlat theo 6 loại hình; Có 83 Nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Tổ chức thành công 122 sự kiện văn hóa tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Giới thiệu, quảng bá ẩm thực Hà Nội tới các phóng viên quốc tế trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều tại Hà Nội (tháng 2/2019). Xây dựng Hồ sơ trình UNESCO để Hà Nội tham gia Mạng lưới Các thành phố Sáng tạo của UNESCO năm 2019.
Các thiết chế thể thao văn hóa được quan tâm.Hiện nay cấp TP có 24 thiết chế văn hóa thể thao. Cấp quận huyện đã thành lập trung tâm văn hóa thể. Có 23/30 quận, huyện, thị xã đã có sân vận động; 18/30 quận, huyện có bể bơi; 4/30 quận huyện có nhà thi đấu.
 Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tiếp thu, giải trình cuối phiên chất vấn
Ở cấp xã, phường, có 130/584 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa thể thao = 22%. trong đó có 07 địa phương chưa có TTVH là: Ba Đình; Đống Đa; Hoàng Mai; Mê Linh; Mỹ Đức; Thanh Oai, Ứng Hoà. Theo kế hoạch 188/KH – UBND, đến năm 2020, TP sẽ đầu tư xây dựng thêm 69 nhà văn hóa xã với kinh phí dự kiến 1.380 tỷ đồng. 100% các xã thuộc huyện đã có quy hoạch xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao xã.
Về Nhà văn hoá thôn, tổ dân phố: Có 2.342/2.528 = 92% thôn, làng có nhà văn hóa. Dự kiến đến năm 2020 thành phố sẽ đảm bảo 100% thôn, làng có nhà văn hoá; 1.734/5.452 = 31,8% tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng.
Về xây dựng huyện nông thôn mới: Đã có 04 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; Đã trình 02 huyện (Gia Lâm, Quốc Oai) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018;. Có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch trước 02 năm so với mục tiêu đề ra) và 03 xã của huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018.
Về nâng cao đời sống nông dân, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 46,5 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 1,81%; Thực hiện dồn điền đổi thửa được 79.454,3ha. Đã cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền đổi thửa, với số lượng 617.964/622.861 (đạt 99,21%). Chuyển đổi được 40.035,3 ha sau dồn điền đổi thửa sang các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao;
Có 132 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp CNC chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; Có 134 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Về công tác giải quyết việc làm, Chủ tịch UBND TP cho biết, đã tổ chức 487 phiên giao dịch việc làm, giới thiệu việc làm cho 71.956 lao động. Đưa vào hoạt động 08 điểm và 05 sàn giao dịch việc làm vệ tinh. Kết quả giải quyết việc làm 6 tháng đầu 2019: 95.033 người (61,7%);
Về Ưu đãi người có công, đã thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: gần 800.000 người. Từ năm 2017, không còn hộ nghèo người có công theo chuẩn nghèo đa chiều; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được nhận chăm sóc, phụng dưỡng; Đã hoàn thành hỗ trợ xây sửa 7.182 nhà cho người có công.
Về trợ giúp xã hội, đã có 189.143 đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng/năm; Có 2.600 đối tượng bảo trợ xã hội không nơi nương tựa đang được chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên. Đã giải quyết cơ bản tình trạng người lang thang xin ăn, tâm thần lang thang. Chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng: từ năm 2010 (tỷ lệ 6%) lên 60% năm 2019.
“Ngoài phát triển kinh tế, TP đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển văn hóa nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh” – Chủ tịch nói. Khẳng định TP không đánh đổi để phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND TP cho biết, Hà Nội đã đầu tư các công nghệ mới để làm sạch sông hồ, giảm thiểu ô nhiễm không khí cũng như xử lý rác thải.
Xây dựng và phát triển Thành phố thông minh
Về chương trình ứng dụng CNTT, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết: Toàn TP có 83 DN CNTT đang cung cấp 170 hệ thống thông tin phần mềm ứng dụng khác nhau ở các cơ quan, với tổng chi từ 2016 đến nay là 1471 tỷ đồng.
Đến nay, đã hoàn thành kết nối mạng WAN đến 584/584 xã, phường, thị trấn. Duy trì, mở rộng Trung tâm dữ liệu của Thành phố. Phát triển cơ sở hạ tầng CNTT đến cấp huyện và cấp xã phục vụ yêu cầu giải quyết công việc và triển khai DVC TT. Triển khai hiệu quả hệ thống hệ thống họp trực tuyến của Thành phố (kết nối các sở, ban, ngành và cấp huyện), trong năm 2019, tiếp tục mở rộng đến 584/584 xã, phường, thị trấn.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo, đã giao các quận huyện thực hiện đề án triển khai đồng bộ hệ thống camera, để phục vụ giám sát ANTT và giao thông trên địa bàn Thành phố theo hướng quản lý, điều hành tập trung.
Về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành, đã tập trung triển khai và hoàn thành 03/06 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi là Quản lý doanh nghiệp, bảo hiểm, dân cư. TP đang đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu về đất đai. Đây là năm thứ 4 thực hiện tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, có 95% gia đình đăng ký (gần 300.000 học sinh), giảm tiêu cực trong tuyển sinh.
Hiện nay TP đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các hệ thống thông thông tin trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, tài chính, xây dựng, giải quyết khiếu nại tố cáo,…Triển khai thí điểm thành công một số ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực như: cung cấp thông tin về hệ thống quan trắc môi trường không khí, hệ thống quan trắc chất lượng nước Hồ Tây, hệ thống quan trắc lượng mưa và bản đồ úng ngập trên Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố; Triển khai hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm bằng các thiết bị di động thông minh.
Các lĩnh vực hiệp quản như: bảo hiểm, ngân hàng, thuế, hải quan tiếp tục được Thành phố chỉ đạo triển khai kết nối đồng bộ với các hệ thống thông tin chuyên ngành khác với các bộ, ban, ngành.
Về Ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động điều hành nội bộ, TP tiếp tục duy trì hoạt động, nâng cấp đối với phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên môi trường mạng; kết nối Trục liên thông văn bản điện tử Quốc gia; công khai tiến độ giải quyết hồ sơ, chuyển nhận văn bản trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Đang duy trì hoạt động Hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của Thành phố kết nối Cổng dịch vụ công Thành phố, từng bước kết nối các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đã hoàn thành triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch tại Quận Long Biên và sẽ triển khai ra các quận huyện…
Tính đến 30/6/2019: 1.272/1.796 TTHC đã triển khai DVCTT mức độ 3, 4 (đạt 72%), trong đó 1.074 DVCTT mức độ 3 và 198 DVCTT mức độ 4; 212.120/1.399.041 hồ sơ thực hiện giải quyết trực tuyến (đạt 15%) và tỷ lệ thực hiện giải quyết hồ sơ điện tử trên hệ thống đạt 100%. Phấn đấu từ nay đến cuối năm 2019, đạt 100% TTHC triển khai thực hiện DVC TT mức độ 3, 4.
Đã tổ chức 647 lớp đào tạo, tập huấn trực tiếp cho 17.800 CBCCVC về Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT. Tổ chức 12 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về thương mại điện tử cho UBND các quận, huyện, thị xã và gần 1000 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Tham gia “Dự án các Thành phố Thế giới” (World Cities) của Liên minh Châu Âu (EU) để xây dựng và phát triển Thành phố thông minh. CP đã cho TP là một trong 3 TP xây dựng TP thông minh.
Một trong những nội dung được mọi người quan tâm là hệ thống này được bảo mật thế nào? Liệu có lộ, lột các dữ liệu không? Về vấn đề này, Chủ tịch cho biết: Một số dự án số hóa dữ liệu cũng được TP tổ chức đấu thầu. Việc thuê dịch vụ CNTT là đúng với tinh thần với các Nghị quyết của Chính phủ bởi nếu đầu tư bộ máy để vận hành hệ thống này rất tốn kém, không hiệu quả.
UBND TP cũng đã hợp đồng với Ban Cơ yếu Chính phủ làm công tác bảo mật. Máy tính muốn truy cập dữ liệu phải kết nối với hệ thống theo các vị trí IP, GPS theo địa chỉ cụ thể. Bên cạnh đó, tài khoản người dùng được cấp theo yêu cầu theo đúng vị trí việc làm, được phân quyền theo từng cấp độ.
Tất cả dữ liệu đều được mã hóa, không thể khôi phục, sử dụng ở máy tính khác. Đặc biệt tất cả các máy chủ kết nối với máy chủ giám sát của Ban Cơ yếu Chính phủ, mọi hoạt động đều có thể truy vết…
Mỗi người dân hãy trang bị kiến thức PCCC cho chính mình
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, những năm qua, HĐND TP liên tiếp chất vấn về PCCC. Tuy nhiên, hằng năm vẫn xảy ra các vụ cháy nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn.
Theo Chủ tịch UBND TP, có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân từ chủ quan ý thức người dân, chủ DN vẫn coi thường công tác PCCC. Chủ tịch dẫn chứng, vụ cháy nghiêm trọng tháng 4/2019 vừa qua, chủ nhà khóa kín cửa, khi có cháy, nạn nhân chạy ra đến cửa nhưng không mở được, nạn nhân tử vong ngay tại cửa. Hoặc ngay ở nhà riêng, nhà ống, người dân, chủ cửa hàng chưa quan tâm đến cầu thang, cửa thoát hiểm, chỉ có một cầu thang, không có cầu thang thoát hiểm.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền là quan trọng nhưng chưa hiệu quả, chưa nâng cao được ý thức cho người dân. Chủ tịch UBND TP cho rằng cần phải đưa kỹ năng PCCC được dạy ngay từ phổ thông, khi lớn lên các cháu thành thạo ứng phó trong mọi trường hợp. Bởi nhiều trường hợp, nếu nạn nhân chỉ cần hiểu biết kỹ năng PCCC là có thể cứu sống được bản thân.
Bên cangh đó, nhiều cơ sở hạ tầng của DN đến nay đã hết thời hạn nhưng việc giám sát thay hệ thống PCCC chưa được quan tâm. Hơn nữa, nhiều tòa nhà chung cư cũ được xây dựng từ lâu, trước khi Luật PCCC ra đời, nên không có thệ thống PCCC.
Chủ tịch UBND TP mong mỗi người dân, gia đình trang bị kiến thức PCCC cho chính bản thân mình và người thân. Đồng thời, kiểm tra công trình của gia đình hoặc đang quản lý; thường xuyên kiểm tra thiết bị PCCC, nếu chưa có phải lắp đặt, nếu hết hạn phải thay mới. Cùng với đó, các đơn vị chức năng thẩm định chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, tuyên truyền về PCCC với các hình thức tuyên truyền hiệu quả.
Cũng trong phát biểu giải trình, làm rõ thêm vấn đề đại biểu quan tâm, Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung nêu trong quá trình điều hành, TP vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Chỉ tiêu tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ; chỉ số giá tăng cao hơn cùng kỳ; bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trên địa bàn; chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 tăng 2 bậc nhưng vẫn nằm trong nhóm thấp; việc ùn tắc giao thông; các hành vi thiếu văn hóa nơi công cộng; uống rượu bia khi tham gia giao thông…