Quy hoạch phát triển huyện Đan Phượng theo hướng đô thị, phấn đấu thành quận năm 2020

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/11, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung dẫn đầu đoàn công tác của TP làm việc với lãnh đạo huyện Đan Phượng về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm 2018.

 Chủ tịch Nguyễn Đức Chung kiểm tra việc xây dựng hạ tầng tại các khu đất dịch vụ tại xã Tân Lập và Liên Hà
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết: kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, ước thực hiện 9.605 tỷ đồng, đạt 82,97% kế hoạch năm, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Tổng thu NSNN của huyện ước đạt 458,035 tỷ đồng, đạt 84,41% kế hoạch.
Huyện tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu hoàn thành 3 xã điểm “Nông thôn mới kiểu mẫu”: Đan Phượng, Song Phượng và Liên Trung.

Tập trung thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển được 04 mô hình sản xuất hoa, rau hữu cơ, công nghệ cao ở xã Đan Phượng, Thọ Xuân, Song Phượng, Phương Đình, Liên Trung, diện tích 37 ha. Trong đó, có mô hình sản xuất rau hữu cơ của hộ bà Đặng Thị Cuối - xã Đan Phượng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khen thưởng trong số 125 mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc. Mô trình trồng hoa lan hồ điệp của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Kim Dung, HTX Đan Hoài có sản phẩm trên thị trường hoa Thủ đô và cả nước. Dự án rau sạch quy mô 20ha ở bãi giữa sông Hồng thuộc xã Liên Trung do ông Phạm Hải Đăng làm chủ đầu tư đang được triển khai.

Xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi. Bước đầu triển khai và áp dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thực phẩm cho 2 sản phẩm rau hữu cơ công nghệ cao xã Đan Phượng và Bưởi tôm vàng Đan Phượng tạo niềm tin cho người tiêu dùng; hình thành chuỗi cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch cho các trường học trong huyện.

Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên cơ sở củng cố nâng cao chất lượng các hợp tác xã nông nghiệp; thành lập thêm 03 hợp tác xã chuyên canh...
 Các đại biểu dự buổi làm việc 

Công tác quản lý đất đai tập trung vào các nhiệm vụ: Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân; xử lý đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư; giao đất ở, đất sản xuất kinh doanh dịch vụ; xử lý vi phạm đất đai.

Huyện Đan Phượng đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020). 100% thửa đất được kê khai đăng ký phục vụ tốt công tác quản lý đất đai, 10 tháng đã cấp được 742 Giấy chứng nhận QSD đất ở đối với các thửa đất đủ điều kiện. Toàn huyện đến nay tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận QSD đất ở đạt 96%, đất nông nghiệp đạt 99%. Đã hoàn thành 84% việc giao đất dịch vụ cho các hộ dân, dự kiến đến hết năm 2018 huyện Đan Phượng sẽ giao đất cho 535 hộ dân xã Tân Lập, hoàn thành 100% việc giao đất ở, đất dịch vụ. Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý đất nông nghiệp, đất công, kiên quyết không để phát sinh vi phạm mới.

Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường; thường xuyên kiểm tra các đơn vị trúng thầu thực hiện thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải trong ngày đạt 99%, đảm bảo môi trường luôn xanh - sạch - đẹp. 

Trong 10 tháng đầu năm, huyện Đan Phượng thực hiện GPMB 34 dự án, số tiền chi trả bồi thường GPMB 73,4 tỷ đồng, tổng số 468 hộ dân, diện tích thu hồi 5,6ha. Có 9 dự án mới đang triển khai theo chỉ đạo của UBND Thành phố. Các dự án còn vướng mắc công tác GPMB là 11 dự án, đến nay đang báo cáo Thành phố cho áp dụng biện pháp hành chính đối với 4 dự án.

Huyện Đan Phượng cơ bản hoàn thành phát triển mạng cung cấp nước sạch tập trung theo kế hoạch của Thành phố. Hoàn thành thêm 03 xã (Phương Đình, Thượng Mỗ, Đồng Tháp) bằng nguồn chương trình nước sạch của Công ty nước sạch Hùng Thành. Phối hợp với Công ty nước sạch Tây Hà Nội khảo sát lập dự án cung cấp nước sạch cho 8 xã còn lại của huyện. Xử lý dứt điểm việc cung cấp nước sạch cho khu đô thị Tân Tây Đô - xã Tân Lập bằng nguồn nước mặt Sông Đà.Lĩnh vực y tế, giáo dục được huyện Đan Phượng đặc biệt quan tâm. Trong đó xây dựng 3 trường chuẩn quốc gia mức độ 1 và có 1 trường chuẩn quốc gia mức độ 2 được TP công nhận. Triển khai làm điểm mô hình bác sĩ gia đình…Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được ổn định.
 Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Việt Nguyễn
Tại buổi làm việc, huyện Đan Phượng kiến nghị với TP 6 nhóm vấn đề. Trong đó, đề nghị TP giúp đỡ giải quyết những khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng của một số dự án trên địa bàn huyện, áp dụng cơ chế đặc thù đối với các hộ bị thu hồi đất diện tích dưới 30%. Đồng thời, kiến nghị TP sớm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường Tỉnh lộ 422 và Quốc lộ 32 đến dốc đê xã Liên Hà; xây dựng một số trường học; mở rộng làng nghề Liên Hà, Liên Trung và hoàn thiện Cụm công nghiệp Đan Phượng…

Xây dựng huyện Đan Phượng thành quận vào năm 2020

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đánh giá cao những kết quả đạt được trong 10 tháng đầu năm của huyện Đan Phượng. Điển hình là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,3%. Cùng với đó, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để chuyển đổi vật nuôi cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; thu ngân sách đạt 84,4%; nhiệm vụ về an sinh xã hội được quan tâm, triển khai quyết liệt và hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo. Các chỉ tiêu đáng kể như: Tỷ lệ người dân dùng nước sạch đạt 51%; thu gom rác đạt 99%; cấp “sổ đỏ” đạt 99%.

Đặc biệt, Đan Phượng đã cơ bản hoàn thành chủ trương cấp đất dịch vụ cho người dân. “Nếu làm tốt, huyện Đan Phượng sẽ là đơn vị đầu tiên hoàn thành đất dịch vụ cho người dân” – Chủ tịch UBND TP nói.

Ngoài ra, công tác an ninh quốc phòng được giữ vững, không để xảy ra vụ việc phức tạp. Công tác cải cách hành chính của huyện được thực hiện nghiêm túc, trong đó, triển khai tốt việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử của TP, tổ chức sắp xếp bộ máy, rà soát sắp xếp lại vị trí việc làm, các thủ tục hành chính và thực hiện cắt giảm thủ tục không cần thiết, triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT… Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng lưu ý việc xây dựng kế hoạch để sớm khắc phục những vướng mắc.

Chủ tịch UBND TP cho rằng huyện Đan Phượng có nhiều tiềm năng phát triển, hạ tầng cơ sở và tốc độ đô thị hóa nhanh của Đan Phượng phát triển nhanh. Chủ tịch đề nghị huyện thực hiện nghiêm túc việc lập Đề án xây dựng huyện Đan Phượng thành quận vào năm 2020. Vì thế, huyện cần thành lập Ban chỉ đạo để xây dựng đề án này và trình TP xem xét vào đầu năm 2019.

Chủ tịch đề nghị huyện thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy; tập trung nguồn lực đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của năm 2018. Đồng thời, đôn đốc cán bộ công chức chuẩn bị kỹ công tác báo cáo tổng kết, phục vụ kỳ họp HĐND cuối năm của huyện; lãnh đạo huyện chuẩn bị kỹ việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ.

 Chủ tịch Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc với huyện Đan Phượng

Huyện cần tiếp tục xây dựng kế hoạch chăm lo chính sách cho người có công, người nghèo, chuẩn bị cho dịp Tết cũng như kế hoạch vui chơi giải trí, văn hóa thể dục thể thao cho người dân.

Chủ tịch UBND TP đề nghị huyện tập trung xây dựng các chương trình kế hoạch năm 2019, trên cơ sở đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ trong năm trước bằng những giải pháp cụ thể, có rà soát lại các chỉ tiêu của Đại hội, trên cơ sở đó bổ sung các chỉ tiêu sát với thực tiễn.

Trong đó, lưu ý giảm tỷ lệ hộ nghèo; phối hợp với Sở LĐ&TBXH tạo điều kiện để các hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất; thực hiện các chính sách cho người nghèo như đào tạo nghề, miễn giảm viện phí… “Nếu huyện làm quyết liệt, tôi tin rằng năm 2019 huyện Đan Phượng có thể không còn hộ nghèo”, Chủ tịch bày tỏ.

Một trong những chỉ tiêu khác được Chủ tịch lưu ý đó là chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện, trong đó huyện sắp xếp các mô hình hợp tác xã, khuyến khích các hợp tác xã có sự liên doanh liên kết với các hộ kinh doanh, đưa kỹ thuật mới vào sản xuất nâng cao hiệu quả, chất lượng nông nghiệp. Huyện cũng cần lưu ý việc giao đất dịch vụ cho người dân; sửa chữa 9 trường học để phấn đấu đến năm 2019 đạt trường đạt chuẩn quốc gia.

Nhắc lại chủ trương trong 3 khâu đột phá của TP, có khâu đào tạo nhân lực chất lượng cao, Chủ tịch nhấn mạnh, lâu nay, chúng ta thường tư duy đào tạo nguồn nhân lực này sau khi các em học xong PTTH. Nhưng bây giờ cần tư duy lại, phải chăm lo cho các em ngay từ khi các em bắt đầu học mẫu giáo, lớp 1 cho đến lớp 12, để các em đảm bảo đủ kiến thức; đủ sức khỏe… Chúng ta phải bắt đầu từ bây giờ để 10 – 15 năm sau có một thế hệ, nguồn nhân lực có sức khỏe, trí tuệ và kiến thức hòa nhập với cuộc cách mạng khoa học bây giờ cũng như hòa nhập với thế giới”.

Chủ tịch UBND TP giao Viện Quy hoạch Hà Nội cùng Sở Quy hoạch – Kiến trúc lập quy hoạch chi tiết 1/500 toàn huyện và sớm trình TP, nhằm định hướng phát triển đô thị trong tương lai. Huyện cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công ty cung cấp nước sạch xây dựng mạng lưới cấp nước, đảm bảo 100% người dân được dùng nước sạch trong năm 2020.

Về kiến nghị đề xuất của huyện, Chủ tịch UBND TP giao Sở TNMT và Văn phòng UBND TP nghiên cứu chủ trương chính sách để tháo gỡ vướng mắc cho huyện trong công tác GPMB. TP đồng ý việc hỗ trợ huyện xây dựng trường học đạt chuẩn, giao sở KHĐT cấp đủ vốn cho huyện.

Về việc mở rộng làng nghề, TP giao cho Sở Công thương và lưu ý các làng nghề phải được xây dựng theo hướng chuyển đổi mô hình các hộ kinh doanh cá thể sang mô hình công ty, đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu và đăng ký bản quyền.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần