Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Phải phòng chống dịch quyết liệt hơn nữa

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan điểm, chủ trương phòng dịch của Thành phố lấy phòng dịch là chính, cố gắng mức thấp nhất các ca nhiễm mới, không để dịch bùng phát. “Chúng ta đã làm quyết liệt rồi, nhưng phải quyết liệt hơn nữa”, Chủ tịch nói.

Sáng 6/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban kiểm điểm công tác quý 1 năm 2020 và giao ban Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của TP Hà Nội (phiên thứ 30).

Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu; các Phó Chủ tịch UBND thành phố: Nguyễn Quốc Hùng, Lê Hồng Sơn; Ngô Văn Quý, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản và lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo 30 quận, huyện, thị xã qua hình thức họp trực tuyến.

Một trường hợp dương tính sau 23 ngày đến khám tại BV Bạch Mai

Tại phiên họp, báo cáo về nội dung phòng chống dịch COVID-19 của Thành phố, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tính đến 23h00 ngày 05/4/2020, tại Việt Nam có 241 trường hợp mắc COVID-19 tại 27 tỉnh, thành phố. Một số tỉnh, thành phố có nhiều ca mắc: Hà Nội (96); TP. Hồ Chí Minh (53); Vĩnh Phúc (15); Ninh Bình (11).
 Hội nghị trực tuyến giao ban kiểm điểm công tác quý 1 năm 2020 và giao ban Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của TP Hà Nội (phiên thứ 30).
Đến nay đã có 90 trường hợp được điều trị khỏi bệnh và xuất viện, 151 trường hợp đang được cách ly theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện, chưa có trường hợp tử vong.

Tại Hà Nội, theo kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến 23h00’ ngày 05/4/2020, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 96 trường hợp xác định dương tính COVID-19. Số ca mắc bệnh tại Hà Nội trong những ngày qua tăng trong xu hướng chung của cả nước. Các ca mắc cơ bản vẫn là những người đi từ nước ngoài về (53 trường hợp chiếm 55,2% số ca mắc). Tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều ca mắc tại cộng đồng và lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế (BV Bệnh nhiệt đới TW cơ sở 2, BV Bạch Mai). Đáng lưu ý là tình hình dịch tại Bệnh viện Bạch Mai có diễn biến phức tạp. Trong thời gian tới có thể có nhiều trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng.

Tại phiên họp, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) cho biết, thời gian Thành phố làm tốt công tác rà soát, xét nghiệm những người ở vùng dịch nước ngoài lẫn như trong nước. Đặc biệt, qua rà soát đã phát hiện một ca dương tính ở xã Mê Linh huyện Mê Linh, từng đến khám tại BV Bạch Mai ngày 12/3/2020.

Được biết, trường hợp công dân Q.Q.T tại huyện Mê Linh đến khám điều trị ngoại trú tại Khoa Dị ứng miễn dịch, BV Bạch Mai, từ ngày 12/3. Hiện bệnh nhân đã được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Các trường hợp tiếp xúc F1 đang được lấy mẫu xét nghiệm và tổ chức đưa đến khu tập trung của Thành phố.

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị 
Về trường hợp này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đây là trường hợp đã đến BV Bạch Mai sau 23 ngày mới dương tính.

Ngoài ra, Chủ tịch cũng cho biết thêm một trường hợp có kết quả dương tính sau khi từ chuyến bay ngày 25/3, đi Moscow về Hà Nội đang cách ly tại khu ký túc xá trường Đại học FPT. Trường hợp này xét nghiệm lần đầu âm tính, nhưng lẫy mẫu xét nghiệm lần 2 ngày 5/4 cho kết quả dương tính.

Có thể kéo dài thêm thời hạn cách ly

Tại hội nghị các quận huyện, thị xã đã báo cáo Chủ tịch UBND TP về các biện pháp phòng chống dịch, trong đó, trọng tâm là thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục rà soát các trường hợp liên quan đến ổ dịch tại bệnh viện Bạch Mai. Theo đó, đa số người dân ủng hộ và chấp hành việc cách ly xã hội để phòng dịch.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhắc lại tình hình diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh của các nước trên thế giới. Đồng thời nêu quan điểm, chủ trương phòng dịch là chính, cố gắng mức thấp nhất các ca nhiễm mới, không để dịch bùng phát. “Chúng ta đã làm quyết liệt rồi, nhưng phải quyết liệt hơn nữa”, Chủ tịch nói.
Theo Chủ tịch, hiện tại Hà Nội đang có ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất cả nước, từ ngày 6/3 đến nay có 96 ca, chia làm 3 nhóm: Nhóm từ nước ngoài nhập cảnh về được cách ly ngay sân bay, hiện kiểm soát được; nhóm lây nhiễm chéo trong bệnh viện và ngoài xã hội có 17 ca; nhóm lây nhiễm liên quan đến BV Bạch Mai có 36 ca.
Hiện nay, về các giải pháp phòng chống, trên thế giới, một số nước chần chừ, không quyết liệt trong công tác phòng chống dịch, dẫn tới hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe sụp đổ, gánh chịu hậu quả của đại dịch, nhiều người nhiễm bệnh và tử vong. 

Nhóm thứ 2, các nước chống dịch quyết liệt như chúng ta đang chọn, giúp kiềm chế được lây nhiễm, giảm gánh nặng lên y tế; giúp có điều kiện thời gian để chuẩn bị điều kiện chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân... 

“Việc chống dịch quyết liệt giúp chúng ta có thời gian chuẩn bị, học hỏi thêm từ bài học chống dịch từ các nước, không có nghĩa là được chủ quan, chần chừ trong phòng chống dịch”, Chủ tịch nhấn mạnh. 

Dịch bệnh đã tác động rất nhiều đến đời sống xã hội và hoạt động sản xuất kinh tế xã hội, nhiều nhà kinh tế lo ngại khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế lớn. Thế giới chưa sản xuất được vaccine phòng bệnh. Nước ta, Chính phủ đang đưa ra gói hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay.

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị 
Trước nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao, Chủ tịch yêu cầu các đơn vị của Thành phố không được lơ là, phải thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát.

Nhắc lại biện pháp giãn cách xã hội là tối ưu, hiệu quả nhất lúc này, Chủ tịch yêu cầu tất cả các đơn vị và nhân dân thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 31-CT/TU của Thành ủy Hà Nội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19...

Chủ tịch yêu cầu các quận huyện đôn đốc các phòng y tế; tổ chức cách ly tại nhà nghiêm túc; xác minh nhanh và cách ly ngay lập tức trường hợp F1, F2, tổ chức xét nghiệm ngay F1 và trường hợp nghi ngờ. Rà soát, cách ly ngay trường hợp liên quan đến BV Bạch Mai vì đây là ổ dịch tiềm tàng nguy cơ lớn nhất.

“Có những bệnh nhân COVID-19 vào Bệnh viện Bạch Mai khám chữa bệnh bị lây, có trường hợp khám từ 22/3, hoặc 12/3 bây giờ mới phát bệnh. Vậy trên địa bàn gần 20.000 người liên quan đến Bệnh viện từ 10-25/3, cho nên cần cách ly nghiêm túc các trường hợp này, có lẽ nên kéo dài thời hạn cách ly, không chỉ dừng ở 14 ngày”, Chủ tịch nói.

Chủ tịch dẫn chứng, trường hợp ở Mê Linh 23 ngày mới phát bệnh, nên Chủ tịch yêu cầu các quận huyện đề nghị với người cách ly rồi, nay ở thêm 14 ngày nữa.

Nhắc lại biện pháp giãn cách xã hội là tối ưu, hiệu quả nhất lúc này, Chủ tịch yêu cầu tất cả các đơn vị và nhân dân thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 31-CT/TU của Thành ủy Hà Nội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19...

Liên quan đến vướng mắc mà các quận huyện phản ánh, Chủ tịch UBND TP nêu rõ theo hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, lực lượng chức năng các chốt phòng dịch phải tạo điều kiện để tất cả xe chở vật liệu xây dựng đi lại trong thời gian này. Chính quyền địa phương không ngăn cấm các công trình xây dựng nhỏ lẻ, dưới 10 công nhân và thi công vào ban đêm, đảm bảo các điều kiện phòng dịch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần