Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Xử lý nghiêm sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực

Công Thọ - Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Chúng tôi kiên quyết thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và xử lý nghiêm vi phạm của nhà số 8B Lê Trực”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tham gia giải trình thêm các vấn đề liên quan.

Trả lời về việc xử lý nhà số 8B Lê Trực, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, TP Hà Nội sẽ thực hiện rất nghiêm túc theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ trong việc xử lý sai phạm. Hiện nay đã hạ được toàn bộ tầng 19.

Về việc hạ tiếp các tầng tiếp theo, Chủ tịch cho hay, theo quy hoạch dự án cũng như về mặt kiến trúc, lên tầng 14 đến 18 đều xây dựng theo lối giật cấp, do vậy, cần phải có phương án đảm bảo cho việc phá dỡ an toàn.

Hiện nay chủ đầu tư cùng UBND TP Hà Nội trình Bộ Xây dựng thẩm định phương án kỹ thuật. Được biết, Bộ Xây dựng đang mời một số nhà khoa học thẩm định về mặt kỹ thuật phương án.

Chủ tịch nói: “Do đặt vấn đề an toàn nên thời gian vừa qua việc xử lý sai phạm toà nhà bị chậm. Thời gian tới, TP Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ thẩm định kỹ thuật liên quan đến cắt ngọn có bảo đảm an toàn hay không, trên cơ sở đó công bố công khai cho dư luận biết”.
  Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giải trình thêm các vấn đề liên quan. tại phiên chất vấn
Trước đó, trả lời đại biểu về xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đánh giá, Hà Nội đã rất quyết liệt xử lý. Đến nay đang xử lý khâu giật cấp. Song đây là vấn đề lớn về giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn cho tòa nhà. Bộ Xây dựng đang phối hợp với Hà Nội, huy động chuyên gia để thẩm định các phương án kỹ thuật, trong tháng 8 tới sẽ có kết quả, trả lời cho Hà Nội.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp với các địa phương tổng điều tra, rà soát nhà đô thị, sửa đổi quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở đô thị để bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ; nghiên cứu các mô hình mới, giải pháp mới, căn cơ hơn, hiệu quả hơn, kiên quyết để xử lý các chung cư cũ nát (toàn quốc có khoảng 6000 chung cư cũ, trong đó có hơn 1000 chung cư thuộc diện nguy hiểm);...

Cũng tại phiên chất vấn, trả lời làm rõ thêm câu hỏi về vi phạm quy hoạch chi tiết của các khu đô thị, chung cư, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội những năm qua, việc các chủ đầu tư cố vi phạm liên quan đến quy hoạch chi tiết đã được xây dựng trong những năm vừa qua là có thật.

Theo Chủ tịch, công tác phê duyệt kế hoạch chi tiết đều được các cơ quan tham mưu cho UBND TP hà Nội và UBND TP Hà Nội trình trên cơ sở phê duyệt của Bộ Xây dựng, có thể nói toàn bộ quá trình phê duyệt đúng theo quy hoạch phân khu, quy hoạch chung. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có một số chủ đầu tư vi phạm quy định về mật độ xây dựng, chiều cao...

Trách nhiệm này thuộc về TP Hà Nội trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thiếu kiểm tra, giám sát. Thứ 2, Chủ đầu tư thiếu ý thức, cố tình vi phạm.

Để khắc phục, thời gian qua UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng, thanh tra Chính phủ, chuyên ngành thanh tra, kiểm tra; giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương - nơi có khu đô thị; giao trách nghiệm cho lực lượng thanh tra chuyên ngành của Sở Xây dựng và lãnh đạo Sở Xây dựng; Thường trực Thành ủy thường xuyên lãnh đạo, giao Ủy ban kiểm tra Thành ủy, thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm tra giám sát trách nhiệm của các đồng chí cấp ủy chính quyền địa phương.

Chủ tịch thông tin thêm, từ đầu năm 2016 đến nay, các đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kiểm tra, xử lý trách nhiệm của cán bộ thuộc Thành ủy quản lý lên đến 18 trường hợp.

Để khắc phục tình trạng này, TP Hà Nội có đề xuất cho thí điểm chuyển lực lượng thanh tra xây dựng của Sở Xây dựng trực tiếp giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các quận, huyện quản lý. Về vấn dề này, Hà Nội và Bộ Nội sẽ đề xuất với Thủ tướng thời gian tới.

Chấm dứt nhà siêu mỏng, siêu méo

Về chỉnh trang đô thị, khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, vấn đề này được UBND TP Hà Nội, HĐND TP Hà Nội và đặc biệt là Thường trực Thành ủy quan tâm trong nhiều năm vừa qua.

Từ những năm 2011 - 2012 TP đã rà soát, liên tục đưa ra chất vấn tại HĐND TP, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, vấn đề này được đưa ra chất vấn tại 2 kỳ họp của HĐND TP đối với lãnh đạo Sở Xây dựng, các quận huyện...

Trước thời điểm 2015 toàn thành phố có trên 300 trường hợp siêu mỏng, siêu méo, hiện xử lý còn 132 trường hợp.

Việc xử lý tập trung vào giải pháp, thứ nhất khắc phục các nhà siêu mỏng, siêu méo đã tồn tại trước tháng 12/2016. Theo đó, những nhà diện tích dưới 30m2 thành phố kiên quyết thu hồi hoặc khuyến khích cho các chủ hộ giáp ranh hợp khối.

Với những công trình xây dựng giao thông mới, khi quy hoạch, phê duyệt dự án, TP giao Sở Tài Nguyên & Môi trường, các Ban quản lý dự án trong quá trình khảo sát các ô, thửa đất của người dân xác định luôn ô đất nào dưới 30m để ra quyết định thu hồi phục vụ trồng cây xanh, lát vỉa hè. Với những trường hợp ô đất dưới 30m nhưng tự người dân thỏa thuận được với các hộ xung quanh sẽ được tạo điều kiện hợp thửa, hợp khối. Trong thời gian tới, Hà Nội tập trung giải quyết để chấm dứt tình trạng này.

Hà Nội sẽ có 25 hồ ở khu vực nội thành

Về vấn đề ngập lụt, trong thời gian qua, sau cơn mưa lớn có tình trạng ngập lụt, ùn tắc giao thông gây bức xúc cho người dân. Thành phố Hà Nội đã nhận thức được vấn đề này.

Về giải pháp, Chủ tịch cho biết từ năm 2002 TP Hà Nội được xây dựng 2 dự án giai đoạn thoát nước bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản. Hiện nay giai đoạn 1 đã hoàn thành, giai đoạn 2 cũng cơ bản hoàn thành.

  Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý tại phiên chất vấn 

Tuy nhiên, dù có hoàn thành cả giai đoạn 1 và 2 thì đối với các quận nội thành Hà Nội cũ và một phần quận Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Tây Hồ chỉ chịu được lượng mưa 120mm, nếu trên lượng này vẫn ngập lụt cục bộ.

Với toàn bộ vùng phía Tây của Hà Nội (quận Hà Đông, Cầu Giấy) Hà Nội đã xây dựng dự án làm cống Liên Mạc và nạo vét đối với sông Tô Lịch, sông Nhuệ sau khi hoàn thành sẽ khắc phục được vấn đề ngập lụt tại phía Tây.

Song song với các giải pháp này, Hà Nội đã đưa ra kế hoạch giai đoạn 2016-2020 tiến hành đào và bổ sung thêm 25 hồ ở khu vực nội thành. Trong đó có những hồ rất lớn như Hồ Công viên CV1 tại khu vực Cầu Giấy rộng 32ha trong đó 19ha mặt hồ. Từ nay đến năm 2020 với 25 hồ được đào mới thì sẽ giảm áp lực ngập lụt khi mưa lớn tại Hà Nội.

Hà Nội cũng đang tập trung xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải của sông Tô Lịch, hiện nay dự án xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270m3/ngày/đêm cũng sẽ giúp giảm ngập úng cục bộ trong các quận nội thành.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, đây là vấn đề nan giải và lâu dài, Hà Nội đang đưa ra nhiều giải pháp.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đang nạo vét 128 hồ quận nội thành, trong đó có Hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm. Hồ Tây hiện đang có dự án nạo vét 1,5 triệu m3 bùn nếu xong dự án này vào tháng 2/2018 thì sẽ tăng thêm khoảng hơn 1 triệu m3 nước.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, đô thị Hà Nội vẫn còn nhếch nhác. Hà Nội đang triển khai 6 giải pháp cụ thể để khắc phục, gồm: Hạ ngầm hệ thống điện và cáp viễn thông, với cơ chế mới từ sau hội nghị xúc tiến đầu tư tháng 12/2016 đã kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân đầu tư, và hiện Viettel, FPT, VNPT và MobiPhone, đã đăng ký đầu tư và hạ ngầm toàn bộ các tuyến liên quan đến cáp viễn thông và đường dây điện (cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Trong năm 2016, TP đã hạ được 19 tuyến, từ đầu năm 2017 đến nay hạ được 72 tuyến.

Thứ hai, chỉnh trang lại toàn bộ hệ thống chiếu sáng, trong đó sẽ thay thế bằng đèn tiết kiệm điện, kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân thay thế bằng hệ thống đèn LED cho Hà Nội, sẽ giúp giảm được 2/3 điện năng đang phải dùng cho hệ thống chiếu sáng công cộng. Thứ ba, TP sẽ trồng mới, bổ sung cho hệ thống cây xanh trên toàn TP. Thứ tư, sẽ chỉnh trang lại mặt tiền các tuyến phố, gồm các biển hiệu, biển quảng cáo. Vừa qua TP đã chỉnh trang xong các biển quảng cáo, nhưng còn bài toán nan giải nhất là biển hiệu của các gia đình. Vì vậy, TP đã làm mẫu tại tuyến Lê Trọng Tấn, trên cơ sở đó, đã quán triệt đến các quận huyện. Vừa qua TP cũng chỉnh trang thí điểm các tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, liên quan đến 157 nhà và 8 cơ quan, tới đây sẽ nhân rộng.

Sau khi làm xong những việc trên, Hà Nội mới tiến hành lát lại vỉa hè, để khắc phục trình trạng vừa làm xong lại đào lên lấp xuống. Tôi xin cam đoan từ giữa 2016 đến nay, TP đã cơ bản khắc phục tình trạng đào vỉa hè.

Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị đào chôn lấp cáp viễn thông, cáp điện lực tiến hành vào ban đêm, để không ảnh hưởng đến giao thông và vệ sinh môi trường. Sau những công việc này, TP cũng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, sắp xếp lại vỉa hè, bãi đỗ xe, cơ giới hóa toàn bộ công tác thu gom rác thải, đặt các thùng rác công cộng... Trong quá trình này đều báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Tài Nguyên & Môi trường, phối hợp với Bộ Công Thương. Với các biện pháp quyết liệt như vậy, cũng xác định là quá trình lâu dài chứ không thể ngày một ngay hai, hy vọng thời gian tới, TP Hà Nội sẽ dần dần được chỉnh trang đồng bộ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần