Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp cải thiện môi trường không khí

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trước tình trạng chất lượng không khí ở nhiều thời điểm trong ngày tại Hà Nội có chỉ số ở mức kém, tại phiên họp giao ban UBND TP Hà Nội tháng 9/2019, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung giao việc, yêu cầu các đơn vị chức năng của TP thực hiện ngay các biện pháp cải thiện môi trường không khí.

Theo số liệu quan trắc từ hệ thống trạm quan trắc của Sở TN&MT Hà Nội, những ngày gần đây, chất lượng không khí ở nhiều thời điểm trong ngày, tại Hà Nội đạt mức kém, trong đó, chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM 2.5.
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp giao ban trực tuyến công tác quý 3 và 9 tháng đầu năm 2019 của UBND TP 
Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí hiện nay như: Khí xả thải từ các phương tiện giao thông; bếp than tổ ong đang được sử dụng tại hơn 60 nghìn hộ gia đình; quá trình phá dỡ và xây dựng các công trình, quá trình chuyển vật liệu xây dựng; khói bụi ở các cơ sở sản xuất… Các huyện ngoại thành đang thời kỳ thu hoạch lúa, sau thu hoạch, người dân đốt rơm rạ khiến khói mù trời làm không khí thêm ô nhiễm…
Nhận định sơ bộ về nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng không khí ở Hà Nội trong thời gian qua có nhiều ngày ở mức kém, Tổng cục Môi trường cho rằng, xu hướng biến động của PM10 và PM2.5 tại các thành phố phía Bắc Việt Nam, trong đó có Hà Nội, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu.
Đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt, làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí.
Mặt khác, theo dõi lượng mưa trong tháng 9 các năm từ 2013 – 2019 cho thấy, năm 2019 có lượng mưa thấp nhất. Liên tiếp trong nhiều ngày (từ 21 – 30/9), toàn bộ khu vực Hà Nội không có mưa. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội cao đột biến trong những ngày qua.
Theo Tổng cục Môi trường, trong khoảng thời gian này và những ngày tiếp theo, với đặc điểm thời tiết giao mùa, ban ngày nắng khá mạnh, hanh khô, ban đêm nhiệt độ không khí mặt đất khá thấp, hiện tượng nghịch nhiệt vẫn có thể tiếp diễn, nồng độ bụi PM2.5 có thể vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại một số thời điểm trong ngày, đặc biệt vào buổi đêm và sáng sớm.
Tại phiên họp giao ban trực tuyến công tác quý 3 và 9 tháng đầu năm 2019 của UBND TP Hà Nội chiều 1/10, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu cải thiện chất lượng không khí.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, Chủ tịch cũng thẳng thắn chỉ ra các yếu tố chủ quan khiến tình trạng ô nhiễm chưa được cải thiện như việc di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm chậm so với kế hoạch; việc đánh giá tình trạng ô nhiễm và đưa ra giải pháp còn ở mức độ hạn chế; tiến độ xây dựng các trạm quan trắc còn chậm…
Chủ tịch UBND TP cho biết, trong những năm qua, TP đã hoàn thiện và lắp đặt hơn 10 trạm quan chắc chất lượng không khí và 8 quan trắc chất lượng nước. Các số liệu về chất lượng không khí từ các trạm quan trắc được thông tin hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân theo dõi.
Thời gian qua, TP cũng tổ chức thu gom rác thải theo hình thức cơ giới hóa; xử lý một phần ô nhiễm ao hồ bằng các công nghệ xử lý nước thải mới; xây dựng nhà máy xử lý rác, nước thải; đưa công nghệ mới nghiền các rác thải rắn; xây dựng các quy định thắt chặt quản lý các công trình xây dựng phải che chắn, giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường xung quanh; thường xuyên kiểm tra các xe chở vật liệu; tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn môi trường cho người dân, vận động người dân hạn chế dùng bếp than tổ ong…
Trước thực tế chất lượng không khí ở mức kém những ngày qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị chức năng, sở ngành, quận huyện của TP khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí. Trong đó, Chủ tịch UBND TP yêu Chủ tịch UBND các quận, huyện, xã, phường tuyên truyền cho đến từng tổ dân phố việc không đốt rơm rạ, rác thải bừa bãi; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô; các huyện tích cực xử lý ô nhiễm tại ao hồ; thay đổi việc thu gom rác thải hàng ngày từ thủ công sang toàn bộ bằng xe quét, hút bụi; Sở Tài nguyên & Môi trường đẩy nhanh công tác đấu thầu và triển khai các trạm quan trắc...
Chiều 29/9, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã thực hiện cuộc khảo sát về tình hình đốt rơm rạ dọc tuyến Bắc Thăng Long - Nội Bài. Kết quả cho thấy, tại một số điểm dọc đường, thuộc địa phận huyện Sóc Sơn và Đông Anh, tình trạng người dân đốt rơm rạ vẫn xảy ra. Thậm chí, vị trí đốt rơm rạ xảy ra ngay sát đường Bắc Thăng Long - Nội Bài.
Trước đó, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã có văn bản gửi UBND huyện Sóc Sơn và UBND các xã: Thanh Xuân, Quang Tiến, Phú Minh, Phú Cường, Mai Đình (thuộc huyện Sóc Sơn) đề nghị có các biện pháp tuyên truyền và ngăn chặn tình trạng người dân đốt rơm rạ tại khu vực lân cận Sân bay Nội Bài, gây nhiều khói ảnh hưởng đến tầm nhìn của phi công khi tiếp cận hạ cánh xuống sân bay, tiềm ẩn nguy hiểm, uy hiếp an toàn bay.