Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/2, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến thăm, chúc Tết cộng đồng các dân tộc Việt Nam và dự Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Chào mừng sự kiện “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, Ban tổ chức đã tổ chức chương trình Bài ca mừng Đảng, mừng Xuân. Cũng tại đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chúc Tết đồng bào dân tộc và tặng quà cho người có uy tín trong cộng đồng (nhân sĩ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân,…).

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết “Hôm nay, trong tiết đầu xuân mới, tôi rất vui mừng găp mặt các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, chức sắc tôn giáo, người uy tín tiêu biểu đại diện các dân tộc, vùng miền và đồng bào ta ở nước ngoài về quê hương ăn Tết tại “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam trong Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ Quốc””.

 Chủ tịch nước Trần Đại Quang với đồng bào các dân tộc sáng 4/2

Chủ tịch nước chia sẻ: “Tôi được biết, mặc dù đường xá xa xôi, nhưng bà con rất phấn khởi về Làng, vừa để giới thiệu những thành tích trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng bản làng, vừa để gặp gỡ, giao lưu với các dân tộc anh em, chia sẻ niềm vui, chúc nhau một năm mới ấm no, hạnh phúc, đồng thời giới thiệu về những lễ hội, phong tục độc đáo của dân tộc mình, như tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, răn dạy con cháu, cầu mong sự yên vui, phát triển đến gia đình, bản làng…

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực và những kết quả, thành tích của đồng bào các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong năm 2016 vừa qua”.

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn quan tâm vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc. Trong những năm qua, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã từng bước khắc phục khó khăn, đạt được những kết quả nhất định, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn dân tộc. Hàng nghìn lượt đồng bào các dân tộc, hơn nửa triệu khách du lịch đã đến Làng năm 2016, hàng chục lễ hội sự kiện được tổ chức góp phần khẳng định sức sống trường tồn của các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và mở ra những triển vọng về phát triển văn hóa, du lịch. “Tôi đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của Bộ VHTT&DL, Ban quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam và đồng bào các dân tộc để Làng hoạt động ngày càng có hiệu quả, trở thành “Ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em”” – Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Tại buổi lễ sáng 4/2, đại diện đồng bào các dân tộc tặng quà, chúc Tết lãnh đạo Nhà nước và cùng tham gia các hoạt động chào xuân. Nhân dịp này, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tái hiện các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc như Lễ Xên bản (cúng bản) của dân tộc Thái, Tết Nào Pê Chầu của dân tộc Mông (Điện Biên).

Đặc biệt, trong chương trình Hội Xuân sẽ có hội chọi dê đầu xuân do người dân huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) thực hiện. Không chỉ là hoạt động giải trí đầu xuân, hội chọi dê còn gửi gắm quan niệm về sự sinh sôi nảy nở và sự trường tồn giống nòi. Làng dân tộc Thái cũng tổ chức lễ hội trồng cây đầu Xuân - Sắc Ban Tây Bắc. Tại không gian các nhà dân tộc (Tày, Mường, Ê Đê, Thái), du khách và đồng bào cùng tham gia các trò chơi dân gian ngày xuân dân tộc như nhảy sạp, đi cà kheo, bắn cung, đi cầu kiều,…và thưởng thức ẩm thực, các loại món ngày Tết như bánh chưng, xôi nếp ba màu, gà, lợn quay,…

Các hoạt động Mừng Đảng, mừng Xuân Đinh Dậu (2017) được tổ chức nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam và góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Theo đó, có khoảng 190 người là đại diện già làng, trưởng bản tiêu biểu, nhân sĩ trí thức, nghệ nhân của 16 cộng đồng dân tộc của 16 tỉnh đại diện cho các dân tộc, vùng miền của cả nước: dân tộc Hà Nhì (Lai Châu), Pu Péo (Hà Giang), Ơ Đu (Nghệ An), Mạ (Lâm Đồng), Chăm (An Giang), dân tộc Dao (Tp. Hà Nội), Tày (Thái Nguyên), Mường (Hòa Bình), Khơ Mú (Sơn La), Thái (Nghệ An), Giẻ Triêng (Kon Tum), Ba Na (Gia Lai), Ê Đê (Đắk Lắk), Chăm (Bình Thuận), Khmer (Sóc Trăng), Tà Ôi (Thừa Thiên Huế); sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc tham dự.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần