Chủ tịch nước yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và không để ai bị bỏ lại phía sau

Việt Hùng - Mạnh Dũng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 30/7/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục có cuộc làm việc với tỉnh Bình Dương. Tại cuộc họp, Chủ tịch nước yêu cầu Bình Dương cần phải thực hiện nghiêm ngặt hơn công tác phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16. Đồng thời chỉ đạo tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân, không để ai thiếu đói và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Huy động toàn bộ lực lượng chống dịch
Tại cuộc họp, báo cáo với Chủ tịch nước, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, vừa qua tỉnh đã đạt được kết quả khả quan trong công tác phòng, chống dịch. 
 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương báo cáo công tác phòng, chống dịch với Chủ tịch nước 
“Toàn tỉnh hiện có 12 máy RT-PCR với năng lực xét nghiệm 10 nghìn mẫu đơn/ngày (tương đương 100 nghìn mẫu gộp/ngày); Trung tâm xét nghiệm tại thị xã Bến Cát (Công ty Việt Á hỗ trợ) với trên 150 nghìn mẫu gộp/ngày; đồng thời tiếp nhận thêm trung tâm xét nghiệm của Tổng hội Y học Việt Nam với năng lực 10 nghìn mẫu đơn/ngày. Qua 12 ngày xét nghiệm diện rộng cho 978.647 trên tổng số 2,5 triệu dân, chiếm gần 40% tổng dân số; đã phát hiện 10.728 người nghi mắc (tỷ lệ 1,1%) đang gửi đi xét nghiệm khẳng định PCR” - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết.
Cũng theo ông Võ Văn Minh, tỉnh đã huy động toàn bộ lực lượng chi viện từ những trường y khoa và các tỉnh, thành tham gia với 3.500 người (đã tiếp nhận 25 đoàn, 10 đội xét nghiệm của Viện Y học dự phòng quân đội, 4 chuyên gia của Bộ Y tế). Đã tổ chức tiêm phòng vaccine trong 4 đợt cho 76.629 người, và đang tiếp tục triển khai đợt 5 theo sự phân bổ của Bộ Y tế.
“Toàn tỉnh hiện có 1.100 khu vực phong tỏa với 107.867 người, 126 điểm cách ly tập trung với 18.969 người và 2.533 trường hợp F1 cách ly tại nhà. Bình Dương đang nâng lên 50 nghìn giường và tiếp tục mở rộng lên 100 nghìn giường tại các khu cách ly tập trung khi cần thiết. Về năng lực điều trị, tỉnh hiện tại có 16 khu điều trị với số giường đáp ứng cho 17.240 người, đang xây dựng kế hoạch điều trị lên 20 nghìn giường. Công tác điều trị được xây dựng theo mô hình điều trị 3 cấp để giảm tải cho các cơ sở điều trị uy tín” - ông Võ Văn Minh thông tin tiếp. 
Ông Võ Văn Minh cũng cho biết thêm: “Đến nay số doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 địa điểm” là 3.662 doanh nghiệp cả trong và ngoài khu công nghiệp với số 393.344 lao động. Tỉnh cũng đã bố trí hơn 237 tỷ đồng cho các địa phương để tổ chức triển khai chăm lo cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19”.
  Quang cảnh cuộc làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với tỉnh Bình Dương
Cần thực hiện nghiêm hơn nữa Chỉ thị 16
Sau khi nghe báo cáo, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bình Dương là nơi kết nối giao thương, có nhiều doanh nghiệp, nhà máy, số lượng công nhân lớn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh. Chính vì vậy mà Bình Dương phải hết sức đề cao cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao những biện pháp phòng, chống dịch của tỉnh và nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch. Đồng thời biểu dương Becamex IDC là đơn vị đi đầu trong việc triển khai các bệnh viện dã chiến phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Chủ tịch nước thống nhất quan điểm “chống dịch như chống giặc”, đồng thời đề nghị Bình Dương cần nghiên cứu áp dụng các chính sách hiệu quả của TP Hồ Chí Minh để giảm tải áp lực cho đội ngũ y tế… Thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 một cách nghiêm ngặt hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa. Huy động hệ thống bệnh viện tư nhân, bác sĩ về hưu tham gia công tác điều trị.
Chủ tịch nước yêu cầu tỉnh tiếp tục triển khai giải pháp giảm thấp nhất số ca nhiễm và ca tử vong. Tăng cường sàng lọc, xét nghiệm, mở rộng khu điều trị, đẩy mạnh tiêm vaccine. Các ca nặng phải được cấp cứu điều trị kịp thời, nhằm giảm số bệnh nhân tử vong. Ngoài ra thực hiện thật tốt phương án giữ vững “vùng xanh”, khoanh chặt “vùng đỏ”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước đề nghị Bình Dương tăng cường phát huy vai trò của Tổ Covid-19 cộng đồng, Tổ an toàn Covid-19 để giám sát, phát hiện ca bệnh. Truyền thông đúng, đủ, minh bạch, để nhân dân tuân thủ nghiêm túc quy định phòng, chống dịch.
Chủ tịch nước cũng lưu ý, tỉnh cần nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ cũng như chính sách đặc thù của địa phương, huy động các tổ chức, cá nhân cùng chung tay hỗ trợ, không được để người dân thiếu đói, không để ai bị bỏ lại phía sau. 
“Bình Dương là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, Trung ương tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương sẽ đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng chống dịch. Chủ động có phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cảm ơn sự quan tâm và chỉ đạo của Chủ tịch nước. Đồng thời nghiêm túc tiếp thu ý kiến mà Chủ tịch nước đã nêu ra.
Ông Nguyễn Văn Lợi cũng cam kết đảm bảo năng lực đáp ứng cho công tác phòng, chống dịch; công tác điều trị bệnh; duy trì sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội. Thần tốc hơn nữa trong công tác xét nghiệm diện rộng; trả kết quả xét nghiệm nhanh không quá 12 giờ. Sớm phát hiện “bóc” ngay F0 ra khỏi cộng đồng.
Tỉnh cũng đang đầu tư thêm khu cách ly tập trung, các địa phương trưng dụng tất cả trường học làm khu điều trị, cách ly tại địa phương. Ngoài ra, tỉnh cũng khẩn trương mua sắm vật tư, thiết bị, test, sinh phẩm… đảm bảo đủ yêu cầu ứng phó khẩn cấp; đầu tư thêm 60 máy thở, mặt nạ thở oxy, máy đo nồng độ oxy, SP02… phục vụ điều trị.
Thực hiện kết nối lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố, đảm bảo cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, ổn định giá cả các mặt hàng thị trường. Đảm bảo an sinh xã hội, triển khai kịp thời, hiệu quả đúng đối tượng… Ngoài ra, tỉnh đề nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ lực lượng, trang thiết bị, theo phương án cho 20 nghìn giường thì phải cần bổ sung thêm 1.486 bác sĩ và 4.014 điều dưỡng/kỹ thuật viên và trang thiết bị y tế.