Chủ tịch Quốc hội "chấm điểm" phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV được đánh giá diễn ra sôi nổi, thẳng thắn. Bộ trưởng đã nắm rất chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, khúc triết, đưa ra nhiều giải pháp có lộ trình thực hiện rõ ràng.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung (ngày 5/6) có 51 đại biểu đặt câu hỏi, 18 đại biểu tranh luận. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, cũng như 2 phiên chất vấn trước, phiên chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung diễn ra sôi nổi, tranh luận thẳng thắn, nhiều đại biểu đăng ký chất vấn và đã đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Mặc dù đây là lần đầu tiên Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng Bộ trưởng đã nắm rất chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, khúc triết và đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, có lộ trình cụ thể để thực hiện.

Theo Chủ tịch Quốc hội, lao động việc làm và trẻ em là những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân và xã hội, nên luôn được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân.

Thời gian qua, công tác của Bộ LĐTB&XH đã có nhiều chuyển biến tích cực, như thị trường việc làm, chất lượng đào tạo nghề có bước phát triển, số lượng người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài tăng, công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em được chú trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn không ít những tồn tại, hạn chế, bất cập như nhiều đại biểu đã nêu câu hỏi chất vấn. Chúng ta cần phải có những giải pháp thiết thực để tạo sự chuyển biến tích cực trong cả trước mắt và lâu dài. Đây là lĩnh vực có nội dung rộng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, một số nội dung cần tiếp tục làm rõ nên đã có nhiều đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận.

Với những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thời gian tới cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, tích cực truyền thông, đề cao trách nhiệm giáo dục của gia đình, của nhà trường, của cộng đồng đối với trẻ em về các kiến thức, kỹ năng phòng ngừa các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Kịp thời phát hiện, tố giác, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, xây dựng đề án huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Thực hiện tốt phối hợp liên ngành về thực hiện quyền trẻ em, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Quốc gia quyền trẻ em.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần