Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút: Nỗ lực kiến tạo đô thị vệ tinh

Trọng Tùng (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để làm rõ hơn định hướng phát triển của huyện Sóc Sơn trong giai đoạn tới, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút.

40 năm chung sức, đồng lòng
Từ một địa phương thuần nông, trải qua 40 năm xây dựng và phát triển,  Sóc Sơn đã vươn lên mạnh mẽ với nhiều thành tựu rất nổi bật. Điều gì đã mang tới những đổi thay ấn tượng đó, thưa ông?
- Với sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị, 40 năm qua, huyện Sóc Sơn đã có những bước phát triển rất đáng tự hào. Thành quả đó có được trước hết là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội, được cụ thể hóa bằng những cơ chế, chính sách đặc thù, mà quan trọng nhất là Nghị quyết số 16-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội ngày 21/5/2004. Đây là nghị quyết dành riêng cho huyện Sóc Sơn, mà không địa phương nào của Hà Nội trước và sau khi sáp nhập có được. Với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể được chỉ ra, cùng sự hỗ trợ sát sườn trong suốt quá trình triển khai, Nghị quyết số 16  đã đưa huyện Sóc Sơn dần “thay da đổi thịt”.
Trong suốt những năm qua, Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới với rất nhiều những chính sách mở cửa để phát triển kinh tế. Là địa phương nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô, huyện Sóc Sơn được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách trên nhờ lợi thế về hạ tầng, kết nối giao thương, vận chuyển liên tỉnh, nhất là khi phát triển Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Bên cạnh đó,  các thế hệ lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền huyện Sóc Sơn đã có những định hướng, quyết sách đúng đắn, bước đi phù hợp với xu thế phát triển. Đồng thời, quyết liệt trong tổ chức lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Những kết quả của ngày hôm nay cũng đến từ sự chung sức, đồng lòng của các tổ chức, DN và nhất là người dân địa phương.
Dù đã gặt hái được những kết quả rất đáng tự hào, tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng sự phát triển của huyện Sóc Sơn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?
-Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Sóc Sơn nhận thức sâu sắc rằng: Những thành tích, kết quả đạt được 40 năm qua là to lớn, đáng tự hào, song đó mới chỉ là bước đầu. Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế lớn về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, rào cản phát triển vẫn còn rất nhiều. Để không lãng phí tiềm năng, lợi thế, huyện Sóc Sơn đã xây dựng định hướng phát triển đến năm 2020 và đề ra những nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, một số giải pháp trọng tâm đang được huyện tích cực triển khai là: Hoàn thành quy hoạch và thực hiện các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn. Điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Tập trung nguồn lực, đầu tư xây dựng hạ tầng khung, ưu tiên xây dựng một số tuyến đường trục chính kết nối từ trung tâm đô thị vệ tinh Sóc Sơn với mạng lưới đường huyết mạch của Quốc gia và TP. Quy hoạch, kêu gọi đầu tư và xây dựng mới các kho chứa, trung chuyển hàng hóa tại các xã giáp ranh Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài; đầu tư trong lĩnh vực cảng, bến thủy nội địa trên tuyến sông Công, sông Cầu. Đẩy nhanh quy hoạch lại vùng sản xuất tập trung, phát triển nông nghiệp sinh thái, chất lượng cao. Hoàn thiện các quy hoạch vùng sản xuất, khai thác hiệu quả cảnh quan rừng vào phát triển du lịch sinh thái...
Hiện thực hóa đô thị vệ tinh                                                         
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, huyện Sóc Sơn sẽ trở thành một trong 5 đô thị vệ tinh của TP. Địa phương đã làm gì để đẩy nhanh mục tiêu trên?
- Xác định quy hoạch có vai trò đặc biệt trong mục tiêu phát triển đô thị vệ tinh, huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo các đơn vị liên quan lập phương án thực hiện Kế hoạch số 01/KH-UBND về triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quyết định số 2966/QĐ-UBND về Quy hoạch chung đô thị vệ tinh Sóc Sơn đến năm 2030. Đến nay, huyện đã phối hợp với Sở QH - KT, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thực hiện nhiều đồ án quy hoạch. Mới nhất là các đồ án Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Quốc lộ 2 và Tỉnh lộ 131. Trong quá trình triển khai quy hoạch, sử dụng đất, huyện thường xuyên đánh giá, kịp thời tổng hợp, báo cáo TP phê duyệt và bổ sung, điều chỉnh, bảo đảm hiệu quả kinh tế. Việc triển khai các quy hoạch được huyện thực hiện công khai, minh bạch, đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Bên cạnh quy hoạch phát triển chung của TP, huyện Sóc Sơn cũng đã chủ động xây dựng, phê duyệt và bước đầu triển khai quy hoạch 9 cơ sở giáo dục, hai khu phát triển sản xuất và 7 điểm đất xen kẹt trên địa bàn.
Sau quy hoạch, huyện Sóc Sơn đã triển khai những giải pháp cụ thể nào để từng bước định hình đô thị vệ tinh, thưa ông?
- Để có được quỹ đất phục vụ phát triển hạ tầng sau quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng được huyện Sóc Sơn tập trung cao độ. Đến nay, địa phương đã triển khai giải phóng mặt bằng hàng chục dự án và đang tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành đẩy nhanh giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án, đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Trọng tâm là các dự án Mở rộng Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Cụm công nghiệp CN3, Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Mai Đình… Đồng thời, đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm như: Đường nối khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn với đường Võ Nguyên Giáp, đường nối Quốc lộ 3 - Tổ hợp y tế 100ha - hồ Đồng Quan - Khu công nghiệp Tân Dân… Một số đồ án, quy hoạch, dự án giao thông, hạ tầng kỹ thuật trọng điểm như: Đường nối từ khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn đến đường Võ Nguyên Giáp; mở rộng, nâng cấp Đường 35; xây dựng cầu bắc qua sông Cà Lồ và mở rộng vùng hoạt động của xe buýt… cũng đang được tích cực triển khai.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa huyện trở thành đô thị vệ tinh hiện đại trong tương lai gần, theo ông, TP cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể nào?
- Suốt nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội đã đồng hành, hỗ trợ rất kịp thời để địa phương có được diện mạo như ngày hôm nay. Để huyện Sóc Sơn vững bước trên đường phát triển, trong giai đoạn tới, đề nghị TP tập trung đẩy nhanh quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh huyện Sóc Sơn. Thực tế, TP đã giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và Tập đoàn BRG tổ chức triển khai, tuy nhiên, tiến độ còn chậm so với kế hoạch. Quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng khung cho các khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ du lịch như: Tuyến đường nối từ đường Võ Nguyên Giáp qua trung tâm đô thị vệ tinh đến hồ Đồng Quan, từ Khu đô thị vệ tinh - Làng đại học; Mở rộng, chỉnh trang Quốc lộ 3, Tỉnh lộ 131 đoạn qua khu đô thị vệ tinh. Cùng với đó là nghiên cứu cơ chế, chính sách để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư vào huyện…
Xin cảm ơn ông! 
“Cùng với Hòa Lạc, huyện Sóc Sơn là nơi có khả năng phát triển nhanh để sớm trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô. Vấn đề hàng đầu hiện nay là cần tập trung đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là những tuyến đường kết nối huyện với đường Võ Nguyên Giáp. Trong quá trình kiến tạo đô thị vệ tinh, địa phương cần tăng cường cải cách hành chính, coi đây là động lực cho sự phát triển. Không gì quan trọng bằng bộ máy chính quyền hoạt động công khai, minh bạch, tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Bởi dù cho TP có kêu gọi đầu tư mà cơ sở dửng dưng, thiếu môi trường kinh doanh thông thoáng, thì cũng sẽ rất khó để có thể thu hút được DN”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải
Với những thành tựu đạt được trong 40 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Sóc Sơn đã được Đảng và Nhà nước trao tặng đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”. Cùng với đó là 3 Huân chương Lao động: Hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất. Huyện cũng đã được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.