Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh: Phối hợp chặt chẽ ngay từ khâu đầu tiên của quy trình xây dựng nghị quyết

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Các ban của HĐND Thành phố , Sở Tư pháp và các sở ngành chuyên môn của Thành phố cần phối hợp chặt chẽ ngay từ bước đầu tiên của quy trình xây dựng các nghị quyết quy phạm pháp luật của TP, sau đó chủ động giám sát khảo sát hoặc tiếp xúc cử tri chuyên đề, để các nghị quyết thực sự chất lượng, đảm bảo quy trình..."- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nêu rõ.

Chiều nay (12/1), Thường trực HĐND-UBND-UB MTTQ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị “Triển khai kế hoạch xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật (QPPL) của HĐND TP năm 2021 và các năm tiếp theo”.

Dự và chủ trì Hội nghị có: Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Xuân Dũng; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đàm Văn Huân. Cùng dự có các đồng chí Thường trực HĐND TP, ủy viên UBND TP; lãnh đạo các ban Đảng Thành ủy, các ban của HĐND TP, sở, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội TP…

 Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị

Tại đây, Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn trình bày báo cáo của UBND TP về kết quả xây dựng Nghị quyết QPPL của HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2021, xây dựng chương trình ban hành nghị quyết QPPL năm 2021 và những năm tiếp theo cho biết: Triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL và Nghị định 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật nay, ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, UBND TP đã kịp thời có Quyết định 5441/QĐ-UBND ngày 16/10/2015 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật trên địa bàn Hà Nội; chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền quận, huyện nghiêm túc thực hiện. Căn cứ kế hoạch đó, UBND các quận, huyện ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật ban hành văn bản và Nghị định 34/2016/NĐ-CP. Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 12/2020, UBND TP đã xây dựng trình HĐND TP ban hành 56 nghị quyết QPPL trong đó 20 nghị quyết quy định chính sách đặc thù của TP. 100% nghị quyết của HĐND TP được ban hành đúng thẩm quyền và đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Những nghị quyết có nội dung quan trọng về cơ chế, chính sách đều được Ban Cán sự Đảng UBND TP xin ý kiến Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ TP theo thẩm quyền; được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổ chức phản biện xã hội và góp ý. Các nghị quyết của HĐND TP khi được thông qua đã đảm bảo phù hợp quy định pháp luật và tình hình thực tiễn, đặc thù Thủ đô.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xây dựng nghị quyết thể hiện còn một số tồn tại, như: Một số sở ngành chưa chủ động rà soát văn bản QPPL của T.Ư với lĩnh vực, nội dung mình phụ trách dẫn đến việc xây dựng nghị quyết chưa kịp thời; phối hợp giữa các sở, ngành được giao xây dựng nghị quyết có lúc, có lĩnh vực chưa chặt chẽ, thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc tiến độ, nên không đảm bảo thời gian; cá biệt một số cơ chế chính sách khi đánh giá chưa bao quát hết đối tượng, phạm vi áp dụng, chưa đánh giá đầy đủ tác động của các cơ chế chính sách nên không đảm bảm chất lượng…

Từ đó, UBND TP đã xây dựng 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong công tác này thời gian tới, trong đó đáng chú ý để phát huy kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, UBND TP yêu cầu: Các sở, ngành thực hiện rà soát các văn bản quy phạm mới được T.Ư ban hành có hiệu lực thi hành trong năm 2020-2021 (Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định, Thông tư) và các nghị quyết của HĐND TP đang còn hiệu lực thi hành thuộc lĩnh vực ngành mình quản lý, từ đó chủ động đề xuất lập danh mục nghị quyết cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trong năm 2021 và những năm tiếp theo (thời gian thực hiện xong trước 20/1/2021.

 Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu

Tham luận tại Hội nghị, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà cho hay, qua quá trình triển khai, Sở Tài chính có chính sách thực hiện theo các văn bản cấp trên để căn cứ thẩm quyền xây dựng các văn bản phù hợp thực tiễn; có những chính sách do Sở chủ trì tham mưu, trình và có những chính sách do các sở khác tham mưu gửi Sở Tài chính chủ trì… Quá trình chủ trì hoặc tổng hợp, tham mưu xây dựng các văn bản QPPL cho thấy một số vướng mắc, đặc biệt cơ quan tổng hợp rất vất vả, do các sở phối hợp gửi văn bản không đồng nhất về thời gian, biểu mẫu… Trong các năm tiếp theo, Sở sẽ bám sát kế hoạch của UBND TP để chủ trì và phối hợp tham mưu xây dựng các văn bản đảm bảo tiến độ, chất lượng, tránh trường hợp bị lùi thời hạn trình văn bản về các chính sách.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đàm Văn Huân kiến nghị, về những nghị quyết về phát triển KT-XH, đề nghị HĐND và các Ban rà soát những vấn đề liên quan các quy định của Luật và nghị định - hiện đang quy định ở mức tối thiểu, cần có Nghị quyết của HĐND quy định mức chi cụ thể cho các hoạt động phát triển KT-XH trên địa bàn TP. Đồng thời, ngày 1/1/2021, Luật 63 Luật sửa đổi Luật Ban hành văn bản QPPL có hiệu lực, đề nghị UBND TP có kế hoạch triển khai.

Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân đại diện các Ban của HĐND TP đề nghị, các sở, ngành trong giai đoạn tới cần khắc phục được hạn chế về việc tuân thủ quy trình trong tham mưu xây dựng các văn bản QPPL ngay từ khâu chuẩn bị dự thảo; các Ban của HĐND TP cũng sẽ có phối hợp sớm ngay từ khâu dự thảo. Thường trực HĐND TP đã giao các Ban phối hợp Sở Tư pháp rà soát, bước đầu cho thấy tới đây có trên 30 nghị quyết vừa phải sửa đổi vừa phải ban hành theo quy định. Với 106 nghị quyết của HĐND TP ban hành qua các giai đoạn hiện còn hiệu lực, đề nghị UBND TP tiếp tục chỉ đạo các sở ngành rà soát, trên cơ sở đó xác định những nghị quyết cần đề nghị HĐND TP có ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.  

Lắng nghe các ý kiến, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đánh giá: Nhiệm kỳ qua, các sở ngành đã tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành được 56 nghị quyết phù hợp thực tiễn, trong đó 20 nghị quyết quy định được những chính sách đặc thù của TP phục vụ thực hiện các nhiệm vụ thực tiễn, tác động mạnh mẽ từ TP đến các cấp cơ sở, đóng góp chung cho phát triển của TP trong suốt nhiệm kỳ. Trong đó, HĐND TP đã rất chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm với UBND TP; Ủy ban MTTQ chủ động phối hợp trong các hoạt động giám sát, phản biện xã hội…

 Thường trực HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ TP chứng kiến ký kết Thông báo liên tịch giữa 3 cơ quan về kết luận Hội nghị 

Dù vậy, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh trong quá trình thực hiện công tác này còn một số hạn chế đã được chỉ ra, cần sớm được khắc phục, phát huy kết quả đã đạt được và đề nghị: Năm 2021, bám sát chủ đề công tác năm của TP, căn cứ chức năng nhiệm vụ, các sở, ngành được giao triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 02 của UBND TP về triển khai thi hành Luật sửa đổi bổ sung Luật Ban hành văn bản QPPL và Nghị định hướng dẫn thi hành trên địa bàn TP; thực hiện đúng, đủ quy trình thủ tục xây dựng văn bản QPPL của TP nói chung và của HĐND TP nói riêng theo quy định của Luật. Từ đó, chỉ đạo việc rà soát cập nhật các văn bản QPPL của T.Ư mới ban hành và hiệu lực năm 2021, kịp thời đề xuất xây dựng các văn bản QPPL, nghị quyết, quyết định theo thẩm quyền của TP được giao để tổng hợp, lập được danh mục nghị quyết của HĐND TP và danh mục quyết định của UBND TP, trình cơ quan có thẩm quyền. Sau khi có danh mục đó, các sở ngành cần bám sát tiến độ yêu cầu, phối hợp chặt chẽ Sở Tư pháp và các Ban HĐND TP trong thực hiện các quy trình thủ tục về hoàn thiện hồ sơ trình ban hành. 

"Các ban của HĐND TP phối hợp chặt chẽ Sở Tư pháp và các sở ngành chuyên môn ngay từ bước đầu tiên của quy trình xây dựng nghị quyết, sau đó chủ động giám sát khảo sát hoặc tiếp xúc cử tri chuyên đề, để nghị quyết của HĐND TP thực sự chất lượng, đảm bảo quy trình. Ủy ban MTTQ TP tiếp tục phối hợp UBND TP lựa chọn những nội dung cơ chế cần ban hành nghị quyết của HĐND để tổ chức phản biện xã hội và tham gia góp ý với các nghị quyết do UBND TP trình HĐND TP. Sau Hội nghị này, TP sẽ ban hành kế hoạch chi tiết gắn với lộ trình tiến độ thực hiện, thể hiện mạnh mẽ tinh thần đổi mới, kỷ cương, trách nhiệm, nhằm thực hiện công tác này khoa học hơn” - Chủ tịch UBND TP nêu rõ.

Kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định: Năm nay TP đã xác định chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển”; HĐND TP xác định chủ đề “Đổi mới, sâu sát, khoa học và hiệu quả”; Tổng Bí thư-Chủ tịch nước cũng đã nêu rõ yêu cầu ra với TP Hà Nội phải cao hơn, sâu hơn. Do đó, đề nghị các cấp, ngành thực hiện nghiêm yêu cầu đặt ra trong xây dựng văn bản QPPL, đảm bảo chất lượng trên tinh thần chủ động, sớm. Với các nghị quyết HĐND TP đã ban hành, cần rà soát ngay những quy định đã hết hiệu lực; với những cơ chế chính sách nằm rải rác nhưng cùng nội dung thì cần tham mưu, kiện toàn để đồng nhất, giúp dễ thực hiện; với những văn bản do T.Ư ban hành cũng cần rà soát để có cách thức thực hiện hiệu quả. Riêng với Nghị quyết 97 và Nghị quyết 115 của Quốc hội về đặc thù cho Hà Nội về tài chính ngân sách, cần được thực hiện tốt để TP có điều kiện, nguồn lực phát triển. "Trong đó, các sở ngành sớm xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện; nghiên cứu cách thức để có cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền được thực hiện hiệu quả. Vai trò của các tư lệnh ngành rất quan trọng, các Ban HĐND TP sẽ phối hợp triển khai. UBND TP cần chỉ đạo Sở Tư pháp và các sở ngành; HĐND TP sẽ giao các sở, ban, ngành thực hiện tốt"- Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Thường trực HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ TP chứng kiến ký kết Thông báo liên tịch giữa 3 cơ quan về kết luận “Hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng Nghị quyết quy phạm pháp luật (QPPL) của HĐND TP năm 2021 và các năm tiếp theo”.