Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp đôn đốc công tác, công việc TP triển khai trong thời gian qua về bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.

Dự buổi làm việc có Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản; đại diện các sở, ngành; Công an thành phố Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã; các công ty vệ sinh môi trường...
Chủ tịch UBND TP cho biết, vừa qua, tập thể Ban Cán sự Đảng UBND TP soạn thảo báo cáo Kết quả thực hiện 2 năm Nghị quyết số 11 – NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Trong đó, đánh giá tương đối toàn diện công việc TP đã thực hiện theo sự chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết 11.
 Phiên họp đôn đốc công tác, công việc TP triển khai trong thời gian qua về bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.
Theo đó, với sự chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, HĐND TP, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể như: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước.
Bên cạnh đó, các “điểm đen” và các khu vực bức xúc về ô nhiễm môi trường cũng được rà soát, kiểm tra; tăng cường thanh, kiểm tra các công trình xây dựng; quản lý và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, khai thác khoáng sản và cải thiện, phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm...
TP cũng chỉ đạo một số hoạt động nhằm giảm ô nhiễm không khí, trong đó, chủ trương đến 2020 không còn tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn TP; thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường.
Triển khai công tác trồng cải tạo, bổ sung thay thế cây xanh trên địa bàn TP tạo không gian xanh, cảnh quan xanh tại một số tuyến đường có giải phân cách lớn và vỉa hè rộng, trồng cây tạo môi trường, tạo bóng mát trên các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn Thành phố và khu vực vùng ảnh hưởng của khu xử lý rác thải Xuân Sơn, Nam Sơn, Đồng Ké
Triển khai đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030; Phát triển giao thông vận tải theo hướng sử dụng vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần cải thiện chất lượng không khí.
Nhìn chung, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng, cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố.
UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan của Thành phố tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố, bước đầu đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường được tăng cường. Ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương đã có những chuyển biến theo hướng tích cực.
UBND TP cũng nêu rõ một số hạn chế tồn tại như việc phối hợp giữa các sở, ngành, quận huyện còn chưa chặt chẽ, 1 số đơn vị triển khai các nhiệm vụ còn chậm so với tiến độ Thành phố giao.

Để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết số 11- NQ/TU Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các sở, ngành và địa phương khẩn trương hoàn thành kế hoạch trồng thêm 600 nghìn cây xanh (bổ sung Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh)... Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 về tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch (100%).
Tăng cường quản lý tài nguyên; đẩy mạnh các dự án xử lý rác thải, chất thải rắn, nước thải; xử lý nước sông, hồ; bảo vệ môi trường. Hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020 về tỷ lệ 100% cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển hệ thống thủy lợi, các công trình phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu,...
Sở Xây dựng chủ trì cùng với các địa phương, các đơn vị có liên quan tập trung triển khai Chỉ thị 04/CT-UBND ngày 01/3/2019 của UBND Thành phố về việc tăng cường chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án cấp nước sạch trên địa bàn Thành phố trong năm 2019, đảm bảo chỉ tiêu 100% dân số của Thành phố được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh vào năm 2020.
TP cũng sẽ xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố; xử lý ô nhiễm, cải thiện và phục hồi môi trường...
Triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Sở Tài nguyên & Môi trường chịu trách nhiệm, chuẩn bị lắp các trạm quan trắc cảm biến trong quý 1/2020; các công ty thu gom rác bảo đảm việc thu gom sạch sẽ, tiết kiệm, khoa học áp dụng cơ giới hóa vào thu gom rác; Sở Xây dựng đầu tư hệ thống cân, lắp camera, biển số xe... kiểm soát chặt, theo dõi hành trình các xe chở rác...

  Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp 
Sở Xây dựng, các quận huyện tiếp tục đôn đốc việc xử lý ô nhiễm ở các ao hồ, trong đó, Sở Xây dựng thường xuyên thanh, kiểm tra; vận động người dân, các hộ kinh doanh không dùng bếp than, sử dụng loại năng lượng khác thay thế. Sở Xây dựng nghiên cứu, lấy ý kiến về quy định che chắn công trình xây dựng; bảo đảm việc đổ phế thải xây dựng đúng quy định. Giao Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các xe chở vật liệu không che chắn theo quy định.

Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông, các quận huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến tận tổ dân phố, vận động người dân không sử dụng bếp than tổ ong, vứt bỏ rác thải; vận động người dân tham gia vệ sinh tổ dân phố, thôn, làng vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần. Tuyên truyền vận động, xử lý việc đốt rác, nhất là ở các huyện ngoại thành, các làng nghề, hạn chế, tiến tới không để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ. Giao Sở NN & PTNT chủ trì đề án nhân rộng mô hình sử dụng công nghệ xử lý rơm rạ thành phân bón.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh; Sở GTVT sớm làm việc với Bộ GTVT về vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí của các loại xe, sớm có quy định về thu hồi và xử lý các xe quá hạn sử dụng....

Chủ tịch UBND TP cũng thông tin, Hà Nội đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ xây dựng phần mềm để người dân có thể phản ánh các thông tin đời sống trong đó có vấn đề rác thải, môi trường... Các thông tin này sẽ được phân loại và chuyển ngay cho chủ tịch các địa phương, các cấp có thẩm quyền xử lý.