Năm 2017, Hội đồng đã tổ chức các phiên họp mở rộng, chuyên đề cũng như một số phiên họp thường trực Hội đồng để giúp cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội giải quyết các vấn đề liên quan đến di sản.
Cụ thể là công tác mở rộng khai quật khảo cổ học tại khu vực Thành cổ Hà Nội; công tác bàn giao tiếp nhận di vật; hoạt động nghiên cứu, trưng bày triển lãm, tổ chức chương trình tại Khu di sản; biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản của khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long; triển khai quy hoạch chi tiết, các dự án bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Thành cổ Hà Nội, Thành Cổ Loa và giải phóng mặt bằng.Đáng chú ý, thực hiện khuyến nghị của UNESCO và chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, Hội đồng nhất trí chủ trương mở rộng khai quật khảo cổ học. Trung tâm đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò với tổng diện tích 982m2 ở phía Đông nền Điện Kính Thiên. Kết quả khai quật đã phát lộ một dòng chảy nhân tạo lớn theo chiều Bắc - Nam cuối thời Lê Trung Hưng; nền gạch, móng cột, cống thoát nước, dải diềm hoa chanh… có niên đại từ thời Lý và nhiều di vật thuộc nhiều thời kỳ Đại La đến thời Nguyễn.Tại hội nghị, một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất đó là việc quản lý di sản và khu di tích. GS. Lê Văn Lan cho rằng việc tập trung quản lý khu di tích Hoàng Thành Thăng Long vẫn còn vướng mắc ở nhiều khâu và chậm chạp. “Ta chưa thu hồi đủ diện tích mà đã đưa vào hồ sơ để UNESCO xem xét. Bên cạnh đó, các di vật vẫn còn phân tán và chưa biết được các số phận cụ thể của chúng ra sao. Nếu không gỡ được ở khâu này thì mọi việc khác sẽ vướng theo”, GS. Lê Văn Lan chỉ rõ. Đồng quan điểm trên, GS Phan Huy Lê nhấn mạnh cần sớm thống nhất cách thức quản lý di sản, không thể để kéo dài hơn.
Chủ tịch UBND TP chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng Tư vấn khoa học nghiên cứu, bảo tồn Khu di dích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội. |