Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu giám sát chặt người trở về từ vùng dịch nCoV

Trần Thảo - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 7/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung - Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh do virus Corona (nCoV) đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về tình hình dịch bệnh và công tác chủ động phòng, chống dịch nCoV tại Hà Nội. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chủ trì họp trực tuyến về dịch bệnh nCoV.

Hà Nội giám sát 4 trường hợp nghi nhiễm nCoV

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, tính đến 15 giờ ngày 7/2, Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp dương tính với nCoV. Tính đến nay, Hà Nội giám sát tại bệnh viện 48 trường hợp nghi ngờ nhiễm virus nCov (7 trường hợp đến từ Vũ Hán, 37 trường hợp đến từ các vùng khác của Trung Quốc, 4 trường hợp công tác tại sân bay Nội Bài).

Trong đó, 41 trường hợp đã xét nghiệm âm tính với nCoV; 7 trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm và tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ (6 trường hợp ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, 1 trường hợp ở Bệnh viện Nhi T.Ư). Tổng số trường hợp tiếp xúc gần cần được giám sát là 233. Trong đó, số đang tiếp tục giám sát là 20.

Theo đánh giá của ngành y tế, trong thời gian vừa qua, các sở ban ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đã triển khai tích cực các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, do hiện nay, dịch bệnh đã xâm nhập và có ca lây thứ phát tại Việt Nam. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh lây lan bùng phát tại cộng đồng là rất lớn nên cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian tiếp theo.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã nuôi cấy, phân lập thành công virus Corona mới. Vì vậy có khả năng xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm bệnh, đồng thời sẽ có khả năng xét nghiệm được số lượng lớn trong trường hợp cần thiết.

Phó Giám đốc Sở Y tế cũng thông tin, ngành y tế đã phối hợp với Bộ tư lệnh Thủ đô và các đơn vị liên quan lên phương án bố trí bệnh viện dã chiến khi dịch bệnh lan rộng. Dự kiến, Bệnh viện dã chiến quy mô 600 giường, huy động 400 y bác sĩ tham gia.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng tiến hành điều tra, khoanh vùng xử lý triệt để tại nhà bệnh nhân và các khu vực liên quan của 48 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Lập danh sách theo dõi sức khỏe của 233 người tiếp xúc gần. Hiện tại tình trạng sức khỏe của tất cả những người tiếp xúc gần đều ổn định; chưa có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh. Đã có 213/233 trường hợp tiếp xúc gần kết thúc giám sát, còn 20 trường hợp tiếp tục giám sát.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã chuẩn bị 2 khu vực tiếp nhận người Việt Nam ở các quốc gia có dịch trở về; kê được gần 1.000 giường, đảm bảo các vật dụng cần thiết. Tẩy trùng, phun Cloramin B trong và ngoài doanh trại. Tổ chức các khu vực cách ly riêng; phân khu các khu vực chức năng, bộ phận phục vụ. Tổ chức 2 khu vực bếp sẵn sàng bảo đảm hậu cần. Ngoài ra, còn có bố trí khu vực chung cho các gia đình.

Đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô kiến nghị, khi tiếp nhận, đề nghị TP tạo điều kiện tăng cường lực lượng cho 2 đội cơ động từ 25 - 30 người. Đồng thời đề nghị trang bị vật tư y tế như khẩu trang, quần áo bảo hộ, thuốc… khi có trường hợp nghi ngờ sốt sẽ chuyển đến bệnh viện.

Về bệnh viện dã chiến, Bộ Tư lệnh Thủ đô đang xây dựng phương án; đã có địa điểm bảo đảm các cấp độ, các phòng, ban chức năng; nếu có quyết định chính thức sẽ thực hiện các bước tiếp theo.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Sở đã tích cực triển khai công tác phòng dịch tại các trường học trên địa bàn TP. Hiện nay, đã có 41 tỉnh, thành cho học sinh nghỉ thêm. Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT thống nhất với Sở Y tế kiến nghị với Ban Chỉ đạo của TP về việc tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến hết 16/2.

Đại diện Sở Du lịch thông tin, trước tình hình dịch bệnh, Hà Nội đã không tổ chức du lịch đến vùng có dịch và số khách đã hủy tour đến Hà Nội là hơn 14,8 nghìn người. Và có hơn 14,9 nghìn khách hủy tour đi nước ngoài, trong đó có hơn 8.000 khách đến Trung Quốc... để đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại cuộc họp.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho hay, Sở cũng đã có văn bản chỉ đạo các chợ, trung tâm thương mại về việc vệ sinh, khử khuẩn, không buôn bán động vật hoang dã.

Đặc biệt về khẩu trang, theo Bộ Công Thương, hiện nay có 12 nước với trên 50 DN cung cấp nguyên liệu màng lọc, kháng khuẩn cũng như than hoạt tính cho Việt Nam để sản xuất khẩu trang cũng như nước sát khuẩn.

“Có thể sáng mai (8/2), Tập đoàn Dệt may Vinatext sẽ công bố hợp quy khẩu trang vải, với công suất 50.000 - 20.000 sản phẩm/ngày”- đại diện Sở Công Thương thông tin.

Về phía các quận, huyện, điển hình như quận Thanh Xuân, huyện Thạch Thất và quận Hà Đông đã tổ chức quyết liệt các biện pháp phòng, chống nCoV thông qua đẩy mạnh tuyên truyền, theo dõi, giám sát chặt chẽ các ca nghi ngờ mắc và phát khẩu trang miễn phí cho người dân...

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đề nghị, các quận huyện tập trung vào các biện pháp cách ly, nhất là các trường hợp từ Vũ Hán, Trung Quốc trở về. Các cá nhân nhập cảnh đi qua các tỉnh khác của Trung Quốc cần được cách ly tại nhà.

Liên quan đến vấn đề tiêu độc, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị, các quận, huyện tiêu độc, khử trùng xung quanh tại các nhà dân. Tổ chức tiêu độc đối với các cơ quan trụ trở trên địa bàn. Các điểm công cộng như bến xe, chợ, chung cư cao tầng,… cần được triển khai tiêu độc, khử trùng.

“TP hoan nghênh các quận, huyện thời gian qua đã làm tốt công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng tránh bệnh như đeo khẩu trang, cách đeo khẩu trang đúng, rửa tay… Thời gian tới, các quận huyện tiếp tục làm tốt  công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng tránh bệnh” - Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị.

Học sinh Hà Nội tiếp tục nghỉ học thêm 1 tuần

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung ghi nhận các quận huyện, sở ngành đã vận động những người đi từ vùng dịch trở về để thực hiện cách ly; hướng dẫn tiêu chuẩn khử độc tại các trụ sở cơ quan, đơn vị, trường hợp; phát miễn phí khẩu trang và bố trí các nơi để mọi người sử dụng dung dịch rửa tay.

 

Đồng thời khẳng định, các trạm y tế đã có đủ cơ sở vật chất để cách ly được khoảng 5.000 người, nếu có yêu cầu.

Nêu tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm chéo xảy ra trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TP đề nghị các đơn vị, sở, ngành tiếp tục vận động từng nhà, từng người dân để những người đi từ vùng dịch trở về phải khai báo và tiến hành cách ly. Hiện số người phải cách ly theo dõi là gần 800 người, riêng quận Hà Đông phải tìm trường hợp bỏ trốn khi đã có quyết định giám sát tại nhà.

Từ tình hình thực tiễn diễn biến phức tạp của dịch, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung - Trưởng Ban chỉ đạo đã đồng ý đề xuất của Sở GD&ĐT. Theo đó, học sinh Hà Nội tiếp tục nghỉ học thêm 1 tuần (đến hết ngày 16/2).

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị trong tuần này, các trường học tiếp tục công tác khử khuẩn, vệ sinh môi trường, đặc biệt là tại các trường Mầm non. Đồng thời vận động phụ huynh học sinh về công tác phòng ngừa lây nhiễm chéo của TP.

Chủ tịch UBND TP đề nghị tiếp tục xử lý nghiêm những đối tượng trục lợi từ việc bán khẩu trang và dung dịch nước rửa tay.

Ngoài ra, đề nghị khẩn trương thực hiện ngay công tác khử khuẩn ở thang máy tại các tòa nhà, trụ sở cơ quan; đặt nước rửa tay tại các cửa thang máy, yêu cầu người dân rửa tay trước khi vào thang máy.