Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương: Mặt trận là nơi Nhân dân gửi gắm niềm tin

Thủy Tiên (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2019 - 2024 chính thức khai mạc, với sự tham dự của 330 đại biểu tiêu biểu, đại diện cho các tầng lớp Nhân dân Thủ đô.

 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương.
Trước thềm Đại hội, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương về những thành tựu MTTQ các cấp TP Hà Nội đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Địa chỉ tin cậy của Nhân dân
Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2019 - 2024 là một sự kiện chính trị quan trọng. Xin bà cho biết, cán bộ Mặt trận các cấp cũng như Nhân dân Thủ đô đã thể hiện trách nhiệm của mình như thế nào?
- Trong những năm qua, nhờ sự đổi mới của không khí dân chủ, Nhân dân Thủ đô nói chung luôn coi Mặt trận là hình ảnh của sự tăng cường dân chủ trong xã hội. Ở Mặt trận, người dân được tham gia đóng góp trực tiếp vào công cuộc xây dựng và phát triển TP cũng như địa phương.
Đơn cử như trong quá trình xây dựng Văn kiện Đại hội lần thứ XVII, Mặt trận đã nhận được nhiều thư góp ý trực tiếp của Nhân dân gửi cho Ban Thường trực, nhằm góp phần giúp Văn kiện hoàn chỉnh. Các ý kiến đó thể hiện tinh thần xây dựng, sự tâm huyết và chân thành của nhiều tầng lớp Nhân dân, từ những đồng chí nguyên là lãnh đạo đến các bác nông dân, thanh niên, trí thức Thủ đô… MTTQ TP đều trân trọng tiếp thu những ý kiến này. 
Bởi vậy có thể thấy, từ Đại hội cấp TP đến Đại hội các cấp cơ sở, Nhân dân đều bày tỏ sự kỳ vọng và mong đợi. Bởi Nhân dân luôn coi Mặt trận là nơi để gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, thể hiện tiếng nói của Nhân dân.

Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước có kế hoạch liên tịch giữa UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội về việc tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở 100% khu dân cư nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam hàng năm, gắn với tổng kết một năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và biểu dương các gia đình, cá nhân tiêu biểu.

Như bà vừa nói, Nhân dân coi Mặt trận như một địa chỉ tin cậy để gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình, bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?
- Điều đó được thể hiện rõ trong việc tiếp dân và giải quyết đơn thư của Mặt trận. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác tiếp dân, Mặt trận TP đã bố trí một trụ sở riêng ở địa chỉ số 55 Hàng Bài (Hà Nội), không phải là một phòng trong cơ quan của Mặt trận. Bên cạnh đó, các đơn thư của người dân đều được Mặt trận TP chuyển đến các đơn vị có thẩm quyền để xử lý. Đồng thời, Mặt trận theo dõi, đôn đốc để các đơn thư đó được giải quyết sớm nhất.

Nhân dân gửi gắm niềm tin vào Mặt trận, nhưng chính Mặt trận, thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, lại càng thêm tin tưởng vào khối đại đoàn kết toàn dân.
Qua theo dõi, tôi nhận thấy, như việc ủng hộ các Quỹ vì biển đảo, vì người nghèo do MTTQ phát động, chỉ có khoảng 10% là do các DN đóng góp, còn lại 90% là đóng góp từ Nhân dân. Vì thế “mạnh thường quân” của các cuộc vận động ấy chính là Nhân dân. Chính người dân đã tạo nên sự bền vững của các phong trào.
Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội lần thứ XVII. Ảnh: Công Hùng
Theo bà, đâu là thành công nổi bật nhất trong công tác Mặt trận của Hà Nội nhiệm kỳ qua?
- Chúng ta có thể tự hào khẳng định, trong mỗi lĩnh vực hoạt động, Mặt trận TP đều để lại những kết quả ấn tượng, nhưng có lẽ nổi bật nhất vẫn là công tác giám sát và phản biện xã hội. Bao giờ Mặt trận cũng xác định công tác giám sát và phản biện xã hội là mũi nhọn, lĩnh vực hoạt động mang tính chất then chốt để khẳng định được vai trò và vị thế của Mặt trận trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
5 năm của nhiệm kỳ qua, Mặt trận cấp của TP đã tổ chức 20 hội nghị phản biện xã hội đóng góp ý kiến, kiến nghị vào tờ trình và dự thảo nghị quyết HĐND TP, dự thảo quyết định, quy định của UBND TP. MTTQ cấp huyện cũng tổ chức được hơn 200 hội nghị phản biện xã hội; 177 cuộc đối thoại với Nhân dân…
Cùng với đó, công tác giám sát của khối Mặt trận cũng được tăng cường, nâng cao hiệu quả. MTTQ TP đã tổ chức 48 cuộc giám sát chuyên đề. MTTQ cấp huyện và các đoàn thể chính trị - xã hội đã thực hiện gần 1.200 cuộc giám sát; tham gia với các cơ quan nhà nước giám sát hơn 3.000 cuộc. Cấp xã tổ chức giám sát được 7.440 cuộc, phối hợp giám sát hơn 19.500 cuộc.
Để đạt được thành công đó, bà có thể cho biết cụ thể hơn những cách làm của MTTQ TP Hà Nội?
- Thuận lợi lớn nhất của Mặt trận TP Hà Nội là có sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Cùng với đó, Mặt trận TP cũng đã xây dựng, thực hiện một quy trình giám sát, phản biện xã hội rất chặt chẽ.
Cụ thể, từ năm 2015, MTTQ TP đã chủ động cùng với HĐND, UBND TP ký kết quy chế phối hợp. Vào tháng 12 hằng năm, MTTQ TP thống nhất với HĐND, UBND TP các nội dung phản biện của năm sau theo sự chỉ đạo của Thành ủy.
Trước khi tổ chức hội nghị phản biện, MTTQ TP tiến hành khảo sát thực tế với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học; gặp gỡ cấp ủy chính quyền cơ sở, lấy ý kiến của Nhân dân vùng được tác động bởi các nội dung của dự thảo nghị quyết… Với cách làm đó, hầu hết các chính sách lớn của HĐND, UBND TP được thông qua đã đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân.
Đặc biệt, MTTQ TP Hà Nội có một thuận lợi hơn so với các tỉnh, TP khác là đã tập hợp được các chuyên gia đầu ngành của các lĩnh vực, người có đủ trình độ, kỹ năng, uy tín để có thể khảo sát thực tiễn và phản biện dự thảo nghị quyết với chất lượng cao. Cũng bởi vậy mà chất lượng phản biện ở Hà Nội tăng dần từ cấp xã, phường đến cấp TP.
Phát huy sức trẻ trong công tác mặt trận
Thưa bà, có thể nói rằng, MTTQ TP Hà Nội đã kết thúc một nhiệm kỳ với nhiều thành tựu quan trọng, vậy điểm mới nhất của Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2019 - 2024 lần này là gì?
- Để thực hiện chủ đề “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hiệu quả”, điểm mới nhất của Đại hội lần này là tập trung vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đại hội lần này sẽ tinh giản nhân sự của Ủy ban MTTQ TP và Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP.
Song các đối tượng tham gia Ủy ban MTTQ TP sẽ mở rộng hơn theo tinh thần nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng… Ngoài ra, công tác dân tộc và tôn giáo được quan tâm hơn nên sẽ cơ cấu một Hòa thượng giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Bên cạnh đó, nhân sự của các tổ chức thành viên sẽ có sự chọn lọc trên cơ sở đánh giá chất lượng hoạt động, không phải tái cử toàn bộ.
Như vậy công tác cán bộ - một trong những khâu quan trọng trong mỗi kỳ đại hội đã được đặc biệt chú trọng trong Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP lần này. Để nhiệm vụ của mặt trận đi vào chiều sâu và chất lượng hơn, công tác này phải đổi mới như thế nào, thưa bà?
- Mặt trận TP đã có sự thay đổi lớn trong tư duy sử dụng cán bộ. Từ chỗ cán bộ mặt trận phải là những người lớn tuổi, những người có uy tín trong cộng đồng, đến nay, các bác đã sẵn sàng làm “phó”, giúp đỡ, động viên cho những người trẻ tuổi hơn hoàn thành nhiệm vụ. Điều đó cho thấy, đối với những người thực sự tâm huyết, thực sự có trách nhiệm và tình yêu với địa phương, thì vị trí “trưởng” hay “phó” không còn quan trọng. Thẳng thắn nhìn nhận có thể thấy rằng, với mức bồi dưỡng cho cán bộ mặt trận có giá trị động viên tinh thần như hiện nay, những cống hiến của các bác rất đáng trân trọng.
Xác định công tác giám sát và phản biện xã hội là “mũi nhọn”, vấn đề quan trọng nhất là mặt trận phải tập hợp được những người giỏi, những chuyên gia trong từng lĩnh vực, mà muốn tập hợp được đội ngũ này lại phụ thuộc vào trình độ của cán bộ mặt trận. Với công tác cán bộ, mặt trận nhiệm kỳ này đã lựa chọn những đồng chí đã trải qua rất nhiều lĩnh vực hoạt động chính quyền; làm tại HĐND các cấp, làm sâu về lĩnh vực giám sát phản biện.
Vậy trong nhiệm kỳ này, hoạt động của mặt trận sẽ chú trọng vào nội dung hoạt động nào, thưa bà?
- Với những người làm công tác mặt trận nói chung, đặc biệt là công tác mặt trận trên địa bàn Thủ đô Hà Nội nói riêng, phương châm đầu tiên là không bao giờ được xa rời cơ sở, nơi mà mặt trận nắm bắt tình hình, tập hợp ý kiến của Nhân dân. Vì vậy, hướng về cơ sở, sát với cơ sở luôn là nhiệm vụ quan trọng nhất. Ngoài ra, giám sát và phản biện xã hội phải được coi vừa là công cụ, vừa là giải pháp để khẳng định vai trò và vị thế của mặt trận trong hệ thống chính trị.
Mặt trận TP xác định không được để một đoàn viên, một hội viên, một người dân nào mà không được mặt trận và các tổ chức thành viên tiếp cận và tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của T.Ư, TP và địa phương.
Trong thời gian tới, MTTQ TP sẽ đẩy mạnh tuyên truyền hơn về các công tác quản lý, điều hành, thực thi chính sách để người dân nắm rõ hơn, hiểu và tạo đồng thuận trong thực hiện các chính sách. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần cải thiện Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Hà Nội.
Bên cạnh đó, MTTQ TP Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; kết hợp với các tổ chức thành viên để hiệp thương có sự thống nhất trong tổ chức thực hiện các cuộc vận động trong Nhân dân để tránh chồng chéo, nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác mặt trận.
Xin trân trọng cảm ơn bà!

Trong 5 năm qua, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội đã tổ chức 23.223 hội nghị tuyên truyền, đưa 4.893 chuyến hàng Việt đến các khu dân cư, tổ chức các hội chợ để trưng bày, triển lãm giới thiệu về hàng Việt Nam chất lượng cao. Tổ chức các hội nghị giao thương kết nối giữa DN với người tiêu dùng để nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là tổ chức 8.488 điểm bán hàng bình ổn giá trong dịp lễ, tết, tháng khuyến mại đưa tổng số điểm bán hàng bình ổn giá đến thời điểm hiện nay là 10.688 điểm.


Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp của TP trong 5 năm qua đã vận động được 268,908 tỷ đồng, hỗ trợ sửa chữa 8.148 nhà ở của hộ nghèo, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, hỗ trợ vốn sản xuất, khám chữa bệnh, hỗ trợ các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” cùng với nguồn quỹ an sinh xã hội của các tổ chức thành viên và sự chăm lo của chính quyền đã kịp thời hỗ trợ các hộ vươn lên thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,66% vào cuối năm 2013 xuống còn 1,16% cuối năm 2018…


Nhiệm kỳ qua, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” TP vận động được 188,832 tỷ đồng. Đối với hoạt động cứu trợ, mặt trận các cấp vận động ủng hộ Quỹ “Cứu trợ” của TP được 102,731 tỷ đồng, đã hỗ trợ 81,558 tỷ đồng đến các nạn nhân trên địa bàn TP và Nhân dân các địa phương trong cả nước bị thiệt hại do hỏa hoạn, thiên tai bão lũ, hạn hán, xâm ngập mặn... Với tình cảm và trách nhiệm “Vì Trường Sa thân yêu”, mặt trận các cấp, các tổ chức thành viên cũng tổ chức tuyên truyền vận động ủng hộ quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” được số tiền 104,904 tỷ đồng; đã trích 98,27 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng các Nhà văn hóa đa năng thuộc quần đảo Trường Sa.