Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn: Cử tri đề nghị Trung ương quyết liệt hơn trong kiểm tra, rà soát công tác cán bộ

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 21/5, trình Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: Tổng hợp cho thấy có 3.463 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Trong đó, có 1.004 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 2.459 ý kiến, kiến nghị của Nhân dân được phản ánh qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Cử tri đánh giá cao Chính phủ đã xử lý “trúng” vấn đề phức tạp
Theo ông Trần Thanh Mẫn, cử tri và Nhân dân cả nước phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò điều hành, quản lý của Nhà nước. Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; văn hóa - xã hội, khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được quan tâm, bảo đảm, đặc biệt là việc chăm lo Tết Nguyên đán cho Nhân dân. Cải cách thủ tục hành chính có bước tiến bộ…. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực được đẩy mạnh và bước đầu đạt được những kết quả cụ thể, tích cực, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ...
Cử tri và Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao những đổi mới của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Đặc biệt, cử tri và Nhân dân đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; nâng cao chất lượng tập hợp và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề lớn của đất nước và những vấn đề mà đông đảo cử tri, Nhân dân quan tâm.
 Cử tri đề nghị Trung ương quyết liệt hơn trong kiểm tra, rà soát công tác cán bộ
Cử tri và Nhân dân vui mừng nhận thấy sự khẩn trương, nghiêm túc của Chính phủ trong việc chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, chủ động, sáng tạo, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng và Quốc hội; chăm lo tốt hơn đời sống Nhân dân; xử lý “trúng” những vấn đề phức tạp, “điểm nóng” gây bức xúc trong xã hội; nỗ lực và quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Mẫn, cử tri và Nhân dân vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng về một số vấn đề như việc cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao; tình trạng thua lỗ, thất thoát ở nhiều doanh nghiệp, dự án của Nhà nước. Một số nơi kỷ luật, kỷ cương bị buông lỏng. Tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy, nổ, sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội, tình trạng tội phạm, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em …diễn biến phức tạp, gây nhiều lo lắng, bất an trong Nhân dân.
Xử lý tham nhũng không còn “vùng cấm”
Trong báo cáo tổng hợp, ông Trần Thanh Mẫn cũng thông tin đến Quốc hội các kiến nghị cụ thể của cử tri với các lĩnh vực. Trong đó về phòng chống tham nhũng, cử tri và Nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm, không có “vùng cấm”, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ đương chức hay cán bộ đã nghỉ hưu. Cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Cử tri và Nhân dân phản ánh tình trạng lãng phí vẫn xảy ra trong một số lĩnh vực như khai thác tài nguyên, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, trong quản lý đất công; nhiều “dự án treo”, công trình, dự án lớn chưa đảm bảo chất lượng, chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả. Một số ngành, cơ quan, địa phương và đảng viên, cán bộ, công chức chưa thực hiện nghiêm các quy định về văn minh trong tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc sử dụng ngân sách, tài sản công; nâng cao trách nhiệm, ý thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trong công tác bảo đảm an ninh mạng, cử tri cho rằng, quản lý công nghệ thông tin còn bộc lộ hạn chế, sơ hở để tội phạm công nghệ cao lợi dụng, thể hiện rõ nhất là vụ đánh bạc qua mạng internet, liên quan đến nhiều đối tượng ở nhiều địa phương, thu giữ hàng ngàn tỷ đồng. Cử tri và Nhân dân bất bình trước hành vi của một số cán bộ công an, kể cả cán bộ cấp cao thiếu tinh thần trách nhiệm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiếp tay cho tội phạm. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các bộ, ngành chức năng tiếp tục tăng cường hơn công tác quản lý thông tin, bảo đảm an ninh mạng, khẩn trương rà soát, chấn chỉnh để chấm dứt tình trạng này.
Cử tri và Nhân dân lo lắng, bất an trước tình trạng cháy, nổ xảy ra liên tiếp ở các khu chung cư, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất và hộ gia đình, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách để kiềm chế, phòng ngừa, tuy nhiên thực tế vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy, nổ. Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống cháy, nổ; rà soát, kiểm tra những cơ sở, dự án, khu chung cư, nhà cao tầng về phòng cháy, chữa cháy; làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, chủ các cơ sở, doanh nghiệp, ban quản trị, ban quản lý các khu chung cư, nhà cao tầng, nhất là của các cơ quan quản lý về công tác phòng, chống cháy, nổ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch phù hợp, quản lý chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, giám sát việc thực hiện các dự án, công trình xây dựng, xử lý nghiêm đối với các trường hợp chung cư xây dựng sai phép, sai quy hoạch, tránh tình trạng “việc đã rồi” mới giải quyết, khắc phục hậu quả.
Theo ông Trần Thanh Mẫu, cử tri và Nhân dân ủng hộ quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc rà soát, phát hiện và thu hồi các quyết định bổ nhiệm cán bộ sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn, đồng thời kỷ luật nghiêm đối với nhiều cán bộ vi phạm. Tuy nhiên, việc làm trái các quy định về công tác cán bộ, thực hiện bổ nhiệm sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn còn tồn tại ở một số ngành, địa phương. Cử tri và Nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo quyết liệt hơn đối với việc kiểm tra, rà soát công tác cán bộ trong cả nước; xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, công khai để Nhân dân biết và giám sát.
Cử tri và Nhân dân hoan nghênh Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy (khóa XII) đã thông qua các Nghị quyết quan trọng, nhất là Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết này để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong giai đoạn tới; chú trọng việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm các sai phạm.
6 nhóm kiến nghị của T.Ư MTTQ Việt Nam
Theo ông Trần Thanh Mẫn, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm giải quyết những vấn đề mà cử tri và Nhân dân đã phản ánh, kiến nghị. Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng gửi tới Quốc hội, Chính phủ 6 kiến nghị sau:
Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương thể chế hóa và chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, nhất là các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5, 6, 7 (Khóa XII) về phát triển kinh tế, tổ chức và cán bộ, về cải cách chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, để các Nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống như mong đợi của cử tri và Nhân dân.
Đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới công tác tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội theo hướng tăng cường tiếp xúc thường xuyên, tiếp xúc chuyên đề, theo đối tượng và trực tiếp ở cơ sở để đông đảo cử tri có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc và thể hiện tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của mình.
Thứ hai, đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách, cơ chế và chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tăng cường quan tâm tới nông nghiệp, nông dân và nông thôn; hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân; quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh; mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản;  khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư cho nông nghiệp sạch, công nghệ cao; phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách hành chính, giảm thủ tục, giảm thời gian giải quyết, đơn giản hóa thủ tục hành chính đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở, ở mọi cấp, ngành, cơ quan, đơn vị. Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần sớm hoàn thành bộ tiêu chuẩn đánh giá mức độ cải cách hành chính; thực hiện công khai, minh bạch, tăng khả năng tiếp cận của người dân và doanh nghiệp; xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ từ tư duy đến hành động.  
Thứ tư, đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật kiên quyết xử lý nghiêm những người có hành vi tham nhũng, lãng phí; tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, chính quyền các cấp.
Thứ năm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương nghiêm túc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch và tổ chức quản lý, thực hiện nghiêm các quy hoạch đô thị, cấp phép xây dựng; kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm thời gian qua. Đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan hữu quan tăng cường kiểm tra chất lượng và công tác quản lý các dự án khu chung cư, nhà cao tầng; tăng cường phòng, chống cháy, nổ, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng; làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các vi phạm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý để xảy ra cháy, nổ.
Thứ sáu, về tình trạng khai thác cát, sỏi không phép, trái phép, chặt phá rừng, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ và Quốc hội, trong đó đã 6 lần báo cáo liên tục tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIII, khóa XIV từ năm 2013 đến năm 2017, nhưng hiện nay tình trạng này vẫn chưa được chấm dứt. Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch một lần nữa đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và có giải pháp mạnh mẽ hơn, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương còn để xảy ra vi phạm; xử lý nghiêm, kiên quyết hơn đối với những cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, bao che cho các đối tượng vi phạm.