Chủ tịch VCCI: Nhà nước cần rút khỏi một số dịch vụ công trong giáo dục nghề nghiệp

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/11, bên lề hội nghị về hợp tác DN và nhà trường trong lĩnh vực đào tạo và tuyển dụng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, để phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng như DN tham gia vào hoạt động này rất cần có sự hợp tác theo hình thức công - tư (PPP).

 TS Vũ Tiến Lộc

Ông có nhận xét gì về vai trò của DN tham gia vào hoạt động GDNN trong thời gian qua?
Trước hết, việc đào tạo nguồn lao động có chất lượng cao, đặc biệt là lao động có tay nghề cao là trách nhiệm chung của cả nhà trường và DN. Các DN cần trở thành nhà đầu tư, định hướng nền giáo dục dạy nghề; tham gia vào quá trình xây dựng nội dung chương trình dạy nghề cũng như tạo ra những cơ sở cho học sinh, sinh viên học nghề có thể đến thực tập. Các hiệp hội DN cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cấp chứng chỉ và xác nhận trình độ nghề nghiệp cho học viên và cũng là nơi giải quyết đầu ra cho lao động GDNN. Như vậy, trong tất cả các khâu của hoạt động GDNN đều có vai trò của DN.

Đào tạo nghề không phải chỉ là trách nhiệm của các trường mà còn là của chính DN. Chỉ khi nào chúng ta thực hiện xã hội hóa (XHH) mạnh mẽ lĩnh vực dạy nghề và thúc đẩy được sự tham gia của khu vực tư nhân với tư cách là chìa khóa cho sự phát triển thì lúc đó mới có cơ hội để cải thiện nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời gian tới.

Nhưng về phía đại diện Tổng cục GDNN cho rằng hầu như các DN vẫn đứng ngoài hoạt động đào tạo của trường nghề?

Chúng ta cần phải thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, đó là đẩy mạnh XHH các dịch vụ công. Nhà nước không làm những việc mà người dân và DN thực hiện được. Trong trường trường hợp này phải đẩy mạnh XHH lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp. Nhà nước tạo ra khung khổ pháp luật, xây dựng những chính sách khuyến khích. Thậm chí Nhà nước có thể cùng đầu tư, hợp tác với khu vực tư nhân để xây dựng các cơ sở đào tạo. Chỉ khi nào huy động được nguồn lực tài chính cũng như trí tuệ của toàn dân vào sự nghiệp dạy nghề, lúc đó chúng ta mới có nền GDNN mạnh.

Tôi muốn nhấn mạnh đến công thức hợp tác công - tư (PPP) rất có hiệu quả để thúc đẩy công tác GDNN, nhất là ở giai đoạn đầu tiên của quá trình XHH GDNN hiện nay.
 Học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN Hà Nội tham gia kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2018
Ông có ý kiến gì khi hiện nay các hiệp hội DN đang đứng ngoài hoạt động đào tạo nghề?

Tôi nghĩ đường lối của Đảng đã có, pháp luật đã quy định về trách nhiệm của khu vực DN và tư nhân trong đào tạo nghề nghiệp. Vấn đề ở đây là cần thay đổi thái độ, nhận thức của các cơ quan nhà nước, các cơ sở đào tạo nghề công để hiểu rằng việc tăng cường hợp tác với khu vực tư, với xã hội và thúc đẩy XHH sẽ là giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ công tác dạy nghề trong thời gian tới.

Như vậy Nhà nước cần rút ra khỏi một số lĩnh vực dịch vụ công trong lĩnh vực đào tạo nghề mà DN, người dân và các hiệp hội DN có thể làm được. Ví dụ như tổ chức đào tạo nghề nghiệp trong một số lĩnh vực chuyên ngành cụ thể, cơ quan Nhà nước không cần tham gia mà để các hiệp hội với cơ sở GDNN triển khai. Hay, Nhà nước để cho các hiệp hội DN phối hợp với cơ sở dạy nghề tổ chức các kỳ thi sát hạch, chứng nhận các văn bằng dạy nghề. Rồi, Nhà nước tạo điều kiện cho các hiệp hội DN tham gia vào việc định hướng và xây dựng nội dung chương trình đào tạo nghề…

Cơ quan Nhà nước rút dần khỏi những việc có tính chất kỹ thuật như thế đối với vấn đề dạy nghề để tạo điều kiện kiện thúc đẩy cho khu vực kinh tế tư nhân được tham gia. Trong trường hợp này, Nhà nước chỉ giữ vai trò định hướng, quy định các khung khổ pháp luật, cơ chế khuyến khích. Hãy để sự nghiệp dạy nghề là sự nghiệp của toàn dân.

Xin cảm ơn ông!