Chữ Việt Nam Song Song 4.0: Cấp bản quyền để làm gì?

Linh Anh - Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình nghiên cứu “Chữ Việt Nam Song Song 4.0” (CVNSS 4.0) của 2 tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình vừa được chứng nhận bản quyền số 1850/2020/QTG của Cục Bản quyền tác giả - Bộ VHTT&DL đã liên tiếp gây ra những tranh cãi không ngừng. Người sáng tạo, nhà quản lý thì đưa ra cái lý của mình, giới văn chương và công chúng không ngừng phản ứng và đặt câu hỏi cấp bản quyền cho chương trình này để làm gì.

 Tác giả bên cạnh 1 bài thơ được chuyển thể
Sáng tạo của giới trẻ?
Phần lớn những người khi tiếp cận CVNSS 4.0 của Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình đều bắt đầu bằng phản ứng trái chiều. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về lý do cấp bản quyền cho tác phẩm nhiều tranh cãi này, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng cho rằng: “Mọi người đừng nói nhiều không cẩn thận làm thui chột những sáng tạo của Việt Nam”. Phóng viên truy vấn về đánh giá chất lượng cũng quy trình cấp phép thì ông Hùng vội vàng ngắt liên lạc. Phía tác giả Kiều Trường Lâm thì cho rằng Cục Bản quyền đánh giá tác phẩm hay và có thể ứng dụng được.
Để khách quan cho những đánh giá về giá trị của tác phẩm này với chuyên ngành ngôn ngữ, phóng viên tiếp tục phỏng vấn các chuyên gia hàng đầu ở Viện Ngôn ngữ học Việt Nam nhưng đều nhận được câu trả lời không quan tâm, không muốn bình luận. Còn giới các nhà văn – những người vốn yêu sự giàu có và trong sáng của tiếng Việt thì còn phản ứng dữ dội hơn. Nhà văn Đỗ Phấn cho rằng: “Chữ viết không phải là cái áo có thể thay mới. Trong quá trình mặc áo có thể sửa chữa nhưng nếu là cái áo dị hợm thì không bao giờ là mốt”. Nhà văn Đỗ Phấn cũng nhấn mạnh, tiếng Việt có nhiều nhược điểm, phải cải tiến là điều tất nhiên. Nhưng suốt 50 năm nay, từ điển chính tả chỉ cải tiến được một điểm, đó là việc viết hoa chữ cái đầu tiên của tên người, tên riêng. Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, thay đổi một chữ thôi, muốn tất cả làm theo thì phải có pháp lệnh.
Chưa vội lo lắng
CVNSS 4.0 được tiếp nối phối hợp từ “Chữ Việt nhanh” của Trần Tư Bình. Giải thích về giá trị sản phẩm của mình, tác giả Kiều Trường Lâm cho rằng, dư luận đang hiểu sai. Theo đó, CVNSS 4.0 không phải là chữ cải tiến để thay thế chữ quốc ngữ. Đây là một ứng dụng mới trên internet, một khi người sử dụng ứng dụng thành công có thể chat không dấu và đọc được ứng dụng nhắn tin Messenger rất hiệu quả mà không cần cài đặt phần mềm gõ dấu.
Ông Lâm cho biết thêm: “Hiện nay, giới trẻ thường viết chữ quốc ngữ không dấu để nói chuyện với nhau trên tin nhắn điện thoại, internet, Messenger, Zalo nên nhiều lúc đọc không dấu sẽ gây hiểu nhầm. CVNSS 4.0 ra đời sẽ khắc phục được nhược điểm gây hiểu lầm trong chữ quốc ngữ viết không dấu”. Kiều Trường Lâm cũng thừa nhận, để công trình có thể ứng dụng thực tiễn, người dùng chấp nhận là bước thuyết phục của cá nhân ông. Hiện nay, Kiều Trường Lâm đã liên lạc với anh Bùi Đăng Bình (Viện Ngôn ngữ học, chuyên ngành lĩnh vực âm học, văn tự học và chữ viết) để phối hợp thực hiện các công đoạn tiếp theo.
Với những tuyên bố như CVNSS 4.0 có thể áp dụng giảng dạy cho học sinh lớp 2, sử dụng phổ biến trong ngôn ngữ quảng cáo… vẫn chỉ là mong muốn riêng của tác giả, không phải là chủ trương sẽ được áp dụng. Theo nhiều chuyên gia, chữ quốc ngữ lâu nay vẫn có những điều bất hợp lý nên nhiều người muốn cải tiến là điều bình thường, còn sáng tạo đó có đưa ra áp dụng được thực tiễn hay không là chuyện khác. “Trừ khi Chính phủ đưa vào đào tạo và thay thế hệ thống chữ nghĩa đang dùng thì mới cần phải lo lắng” – nhà thơ Trần Thế Kiên bày tỏ.
Chữ quốc ngữ đã quá phổ biến, đã được gắn liền với văn hóa Việt hàng thế kỷ, với hàng tỷ văn bản, trở thành một phần tâm hồn người Việt. Vì vậy, việc cải tiến chữ quốc ngữ không còn cơ hội thành công.
Nhà văn Ngô Quang Lập

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần