Chữa bệnh mắt bằng massage, yoga: Cẩn thận rước họa

Bài, ảnh: Ngân Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay nhiều người khi mắc bệnh, đặc biệt là bệnh lý về mắt không tìm tới cơ sở y tế mà chữa theo phương pháp massage hoặc tập yoga. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, điều này rất nguy hiểm, sẽ ảnh hưởng tới thị lực của mắt.

Chữa bệnh bằng... truyền miệng!

Hiện nay trên mạng internet, mạng xã hội hay truyền miệng quảng cáo việc luyện tập mắt có thể chữa cận thị, với những lời có cánh như bỏ kính không cần phẫu thuật, massage chữa cận thị, thiền chữa cận…
 Khám mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Hà Nội.
Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Thúy (Kim Bảng, Hà Nam), con chị nhìn kém, đi khám ở bệnh viện chuyên khoa mắt, bác sỹ kết luận bé bị nhược thị, cần theo dõi và đeo kính, cứ 6 tháng đi kiểm tra lại một lần để có hướng điều trị thích hợp. Sau đó, nghe người quen mách bảo, chị tìm đến một thầy lang ở Nam Định được quảng cáo chữa bệnh không cần dùng thuốc, chỉ massage mắt trong vòng 6 tháng, mỗi tháng 10 ngày với kinh phí 9 triệu đồng là bệnh sẽ khỏi. Sau khi theo thầy lang này được một tháng, mắt con chị nhìn tốt hơn, không cần đeo kính, song đến tháng thứ 2 cháu liên tục kêu đau nhức mắt, tình trạng này kéo dài hàng tháng. Không yên tâm, chị đưa con đi đến BV và được bác sỹ kết luận, mức độ nhược thị của con chị ngày càng nặng.

Tương tự, một trường hợp khác là bé Nguyễn Tuấn Anh (Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) cũng bị cận thị, mẹ cháu là chị Trần Hà Mai đã đưa bé đến một lớp tập yoga để chữa cận thị. Sau tập luyện một thời gian, mắt của Tuấn Anh không những không giảm mà còn tăng độ cận. Gần nửa năm sau, chị đưa Tuấn Anh đi khám khi mắt đã cận nặng ở mức -1D, tương ứng thị lực 2/10. Nhiều bệnh nhân khác khi đến khám tại các BV Mắt Hà Nội, Mắt T.Ư trong tình trạng cận thị, nhược thị, loạn thị nặng bởi chữa bệnh không đúng cách.

Nên theo bác sỹ chuyên khoa

Theo bác sỹ Đặng Xuân Nguyên - Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, yoga vốn là bộ môn thể dục tốt, nhưng ứng dụng thế nào mới là điều cần quan tâm. Thời gian qua, trên facebook có nhiều nhóm quảng cáo các lớp tập yoga, dưỡng sinh để chữa điều trị bệnh mắt như tật khúc xạ, bệnh nhược thị, thậm chí cả đau mắt… Tuy nhiên, bác sỹ Nguyên khẳng định, hiện nay các bệnh, tật khúc xạ chỉ cải thiện được nếu đeo kính hoặc làm phẫu thuật tật khúc xạ chứ không thể chữa bằng các phương pháp trên. Việc cha mẹ bỏ qua các bài luyện tập nhược thị để theo đuổi những phương pháp này là rất nguy hiểm, khi quay lại viện thì tình trạng nhược thị đã quá nặng, thị lực không thể phục hồi. Chưa kể, nếu massage mắt thô bạo có thể gây chấn thương mắt. “Chỉ sử dụng các biện pháp như tập mắt, thiền, yoga hay bấm huyệt hoàn toàn không thể chữa được các bệnh lý về mắt” - bác sĩ Nguyên nói.

Còn theo bác sỹ Nguyễn Đăng Dũng - Giám đốc Bệnh viện Mắt quốc tế DND, các phương pháp như day ấn huyệt, ngồi thiền hay các bài tập mắt… thực chất chỉ là một trong những phương pháp giúp kích thích, thư giãn cơ mi mắt. Bác sỹ Dũng cho biết thêm, hiện nay phương pháp điều trị cận thị được chia làm 2 loại. Cụ thể, với trẻ em dưới 18 tuổi điều trị bằng đeo kính (kính gọng hoặc kính tiếp xúc) điều chỉnh khúc xạ; còn với người trưởng thành trên 18 tuổi, độ cận ổn định có thể điều trị bằng can thiệp phẫu thuật. Ngoài ra, gần đây có thêm phương pháp điều trị mới là đeo kính áp tròng ban đêm, kính tiếp xúc cứng có tác đụng đè ép giác mạc trung tâm, tuy nhiên phương pháp này chỉ chỉ định trường hợp cận thị có tiến triển nhanh.

Khi phát hiện các bệnh về mắt, phụ huynh cần cho trẻ điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Không nên chữa bệnh theo truyền miệng chưa được kiểm chứng khoa học, tuyệt đối không đến các cơ sở y tế chưa được cơ quan chức năng cấp phép, bởi có thể sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, tiền mất tật mang.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần