Chùa chiền vắng vẻ ngày Tết Nguyên tiêu

Vĩnh Quang - Nhật Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quan niệm dân gian, “cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng”, nhưng cuối tuần vừa qua, chùa chiền vắng vẻ. Số lượng người dân đi lễ giảm chỉ còn 1/3 so với mọi năm. Các chùa khuyến cáo người dân không nhất thiết đến chùa ngày lễ lớn mới tỏ lòng thành kính.

Người dân đi lễ tại chùa Quán Sứ. Ảnh: Quang Linh
Dừng tổ chức cỗ bàn
Tại Hà Nội, sau một ngày dừng đóng cửa để diệt khuẩn, khử trùng các không gian di tích, các cơ sở, đặc biệt là nơi thực hành tín ngưỡng tâm linh như: Phủ Tây Hồ, đền Ngọc Sơn… mở cửa trở lại để đón tiếp người dân đi lễ đón Tết Nguyên tiêu. Bởi vì, theo quan niệm của người Việt, ngày rằm tháng Giêng, còn có tên gọi khác là Tết Thượng nguyên, Tết Nguyên tiêu, phật tử và du khách khắp mọi nơi sẽ đến các chùa làm lễ, với mong ước cầu an, cầu sức khỏe và may mắn cho gia đình. Tuy nhiên, sáng ngày rằm tháng Giêng Xuân Canh Tý (8/2 dương lịch), các đền, chùa không quá đông đúc, thậm chí còn vắng vẻ, yên ắng lạ thường. Nguyên nhân là do dịch bệnh virus corona hiện đang bùng phát khiến người dân e ngại, hạn chế tới chỗ đông người hơn. Bên cạnh đó, thời tiết tại Hà Nội trong những ngày qua mưa và lạnh, nên lượt du khách giảm rõ rệt.
Vào ngày 14 và 15 tháng Giêng (tức 7 và 8/2), tại chùa Quán Sứ lác đác một vài phật tử cao tuổi đến thắp hương vái phật. Tại Phủ Tây Hồ, nếu như mọi năm tấp nập từ những ngày đầu tiên của tháng Giêng cho đến qua rằm, nhưng theo Trưởng Tiểu Ban quản lý di tích Phủ Tây Hồ Trương Ngọc Hồi: Năm nay, đến khoảng 14 giờ ngày 15 tháng Giêng số lượng người đi lễ mới có phần đông đúc, nhưng cũng chỉ bằng 1/3 lượng người so với mọi năm. Đa phần mọi người nhanh chóng sắp lễ, cầu an, ít du khách thong dong vãn cảnh Phủ như mọi năm. Bà Minh Hằng, chủ cơ sở có 20 năm kinh doanh hàng ăn tại Phủ Tây Hồ cho biết: “Hàng quán ế ẩm, một ngày chỉ đón được 50 - 70 khách hàng, trong khi thời gian cao điểm mọi năm khoảng 400 - 500 khách. Mặc dù cửa hàng đã sắp xếp nước rửa tay khô, tráng nóng bát đĩa nhưng sau lễ, người dân vẫn hạn chế dừng chân ăn uống. Chúng tôi thất thu trong kinh doanh, chỉ mong sớm hết dịch bệnh để mọi sinh hoạt trở lại bình thường”.
Tại chùa Tứ Kỳ (Hoàng Mai, Hà Nội), hàng năm vào dịp Tết Nguyên tiêu, nhà chùa thường tổ chức vài trăm mâm cỗ để đón phật tử và du khách khắp nơi tới làm lễ. Tuy nhiên, năm nay do dịch cúm nCoV, chùa Tứ Kỳ đã dừng việc chuẩn bị cỗ. Thay vào đó, nhà chùa gói 2.000 chiếc bánh chưng, vừa để mời du khách, vừa để tặng cho các bệnh nhân của Bệnh viện K Tân Triều.
Nhiều biện pháp phòng bệnh
Thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng tâm linh là nhu cầu của người dân trong dịp lễ Tết. Tuy nhiên, trong thời gian dịch nCoV diễn biến phức tạp nên các chùa rất quan tâm đến việc tuyên truyền để người dân có các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tại Phủ Tây Hồ, nước rửa tay khô được bố trí ngay cổng vào Phủ và ở sân di tích. Ban quản lý cũng thường xuyên phát loa cập nhật các khuyến cáo của Bộ Y tế để người dân hiểu được cách phòng tránh, bảo vệ sức khỏe cho mình và những người xung quanh. Chùa Quán Sứ tổ chức các nhóm tình nguyện phát khẩu trang miễn phí cho người dân khi đến lễ chùa. Các cơ sở thờ tự cũng khuyến cáo người dân không tụ tập đông người. Trước đó, phát biểu với truyền thông, Thượng tọa Thích Thanh Phong, chủ trì chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), khuyến cáo: “Lễ phật từ tâm, phật tử không nhất thiết đến chùa vào những ngày lễ lớn mới tỏ được lòng thành. Trong khi dịch bệnh đang hoành hành, phật tử không nên chen chúc đến chùa để lễ bái, tránh đến nơi đông người”.
Đi lễ chùa trong dịp đầu năm là nét đẹp tâm linh của dân tộc, nhất là lễ phật vào rằm tháng Giêng, với mong muốn một năm vạn sự như ý. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, các chùa vừa đưa ra các biện pháp chống dịch bệnh, vừa tuyên truyền, ngưng toàn bộ hoạt động lớn là cần thiết, thể hiện sự đồng hành của phật giáo với xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần