Chưa đầy 2 tháng ra mắt, Gapo đạt 2 triệu người dùng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mạng xã hội Gapo vừa cán mốc 2 triệu người dùng sau chưa đầy 2 tháng ra mắt. Hơn một nửa trong số này là học sinh, sinh viên.

Đại diện Gapo công bố mạng xã hội dành cho giới trẻ đã cán mốc 2 triệu người dùng sau chưa đầy hai tháng ra mắt, trong đó có trên 1 triệu người dùng thuộc nhóm tuổi học sinh trung học và sinh viên.
 Nhiều tính năng mới của mạng xã hội Gapo
Mạng xã hội được phát triển bởi Công ty CP Công nghệ Gapo (Gapo Technology JSC .,) cũng nhiều lần liên tiếp đứng số 1 về lượt tải trên App store và CH Play.
Đội ngũ Gapo vẫn đang kiện toàn bản mô tả các tiêu chí cụ thể, phương thức phát triển trang cá nhân để người dùng có thể thu lợi nhuận. Gapo hy vọng đây sẽ là bước đột phá và khơi nguồn ý tưởng khởi nghiệp cho nhiều người trẻ.
Tổng Giám đốc, Đồng sáng lập mạng xã hội Gapo cho biết Gapo đã và đang nỗ lực không ngừng để mang đến nền tảng mạng xã hội với trải nghiệm tiện ích nhất, nhiều tính năng thú vị nhất, kỳ vọng thu hút 50 triệu người dùng vào năm 2021.
Để đăng ký tài khoản định danh trên Gapo, người dùng cá nhân cần cung cấp thông tin trên Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân; người dùng là tổ chức/doanh nghiệp cần cung cấp thông tin giấy phép đăng ký kinh doanh cùng các giấy tờ liên quan đến đăng ký bản quyền thương hiệu/sở hữu trí tuệ của sản phẩm.
Sau bước đăng ký, hệ thống của Gapo sẽ tiến hành xác minh và trả kết quả cho người đăng ký sau 7 ngày. Trong trường hợp đăng ký định danh bị từ chối, người dùng có thể quay về với tài khoản thường.
Trước đó, ngày 28/8, Gapo đã ra mắt phiên bản web với tính năng tùy chỉnh giao diện theo sở thích. Người dùng khi đăng nhập phiên bản web có thể làm mới trang cá nhân của mình với những theme sinh động, nhiều màu sắc hoặc dùng chính ảnh cá nhân làm hình nền, giúp khoe cá tính và khơi gợi thêm cảm hứng sáng tạo trong thời gian online.
Ngày 8/9, Gapo đã cập nhật thêm một số tính năng hấp dẫn như tích hợp OTP - nhận OTP bằng cuộc gọi khi đăng ký Gapo, thêm biểu tượng cảm xúc tương tác bài viết (yêu thích, buồn, giận...).