Chưa đồng ý tăng thuế môi trường với xăng, dầu

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/7, tại Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã xem xét Dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Trước nhiều ý kiến chưa thống nhất, UBTV Quốc hội chưa đồng tình thông qua Nghị quyết này.

 Ghi thông số kỹ thuật tại cửa hàng xăng dầu Hào Nam. Ảnh: Thanh Hải
Đề nghị tăng ở nhiều mặt hàng xăng, dầu
Báo cáo Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Giá bán lẻ xăng, dầu ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới, trong ASEAN và châu Á. Các nghiên cứu cho thấy, mức thuế BVMT đối với một số hàng hóa đang ở mức thấp so với mức độ tác động đến môi trường khi sử dụng của các hàng hóa này.

Về việc điều chỉnh mức thuế BVMT, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay: Đối với xăng dầu Chính phủ đề nghị điều chỉnh mức thuế BVMT cụ thể là: Xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Đối với than đá Chính phủ đề nghị tăng mức thuế BVMT đối với than antraxit từ 20.000 đồng/tấn lên 30.000 đồng/tấn; than nâu, than mỡ, than đá khác tăng từ 10.000 đồng/tấn lên 15.000 đồng/tấn…

Theo Bộ trưởng Tài chính, việc điều chỉnh này để nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường. Các phương án điều chỉnh mức thuế BVMT này sẽ tác động đến CPI bình quân năm 2018 là khoảng 0,11 - 0,15%, nhưng sẽ góp phần tăng thu ngân sách khoảng 15.189,2 tỷ đồng/năm, từ đó sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho BVMT.

Lo tăng thuế sẽ gây lạm phát

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong quá trình thẩm tra, đối với mặt hàng xăng, có ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29%, dần tiệm cận mức Quốc hội giao 4% và để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống của người dân, đề nghị cân nhắc việc tăng thuế suất thuế BVMT đối với xăng.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cân nhắc khi áp dụng tăng kịch trần với xăng, dầu cũng như thời điểm tăng thuế, vì điều này liên quan đến CPI. Xăng, dầu, tác động đến người dân, tương tự với mặt hàng than đá, sẽ tác động đến điện và có thể làm giá điện tăng lên.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị dành thêm thời gian bàn vấn đề này vì "việc chúng ta thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là mặt hàng thiết yếu đã là không đúng rồi, giờ lại tăng thuế BVMT thì cần cân nhắc bàn kỹ thêm".

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, có 2 mốc thời gian có thể cân nhắc là 1/8 hoặc 1/10 để tránh thời điểm tháng 9 bắt đầu năm học mới. Phương án để sang 1/1/2019 là không nên bởi đây là thời điểm Tết cũng sắp tới.

Trước các ý kiến còn khác nhau trong các thành viên của UBTV Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã quyết định Thường vụ Quốc hội sẽ không biểu quyết thông qua Nghị quyết tại phiên họp này. “Chúng ta có thể tăng thu thêm vài ngàn tỷ trong mấy tháng cuối năm nhưng chưa biết tình hình sẽ diễn biến như thế nào" - Chủ tịch Quốc hội nói. Đồng thời lưu ý, xăng dầu là mặt hàng do Nhà nước kiểm soát, tuy nhiên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu của các DN còn nhiều thất thoát lãng phí. Không điều chỉnh tăng giá bán ra một cách cơ học như trong thời gian qua.

Cùng ngày, UBTV Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện một số quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật BVMT liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư.

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu đối với người dân, việc tăng thuế đối với các mặt hàng này sẽ dẫn đến tăng giá. Do đó, khi tăng thuế cần phải tính toán kỹ lưỡng và đề nghị cần phải chọn thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần