Chưa hết lo với thực phẩm Tết

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đang cận kề, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) lại trở nên nóng hơn bao giờ hết. Thực tế công tác thanh, kiểm tra thời gian qua cho thấy, nỗi lo mất ATTP vẫn còn hiện hữu.

Đăng ký sản xuất một đằng, kinh doanh một kiểu
Thực hiện Kế hoạch số 252/KH-UBND của UBND TP về việc đảm bảo ATTP dịp Tết và Lễ hội Xuân năm 2018, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức đoàn thanh tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết quả thanh tra trong vòng một tháng qua cho thấy, có 1/4 cơ sở vi phạm quy định về bảo đảm các tiêu chí ATTP. Quá trình kiểm tra đột xuất đối với 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm dịp Tết cũng phát hiện hơn 2,4 tấn thực phẩm không bảo đảm quy định về ATTP. Trong đó, có 923kg hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; 231kg sản phẩm hết hạn sử dụng; 1.038kg nông sản đã sơ chế, đóng gói, nhưng không có tem, nhãn mác và 270kg sản phẩm có tem, nhãn mác nhưng nội dung thông tin không đầy đủ. Đoàn kiểm tra đã niêm phong toàn bộ số thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng để tiêu hủy theo quy định. Đồng thời, lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 67 triệu đồng.  
 Lực lượng chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm dịp lễ, Tết tại một cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Đáng chú ý, quá trình kiểm tra đột xuất còn phát hiện tình trạng xin cấp giấy chứng nhận một đằng, nhưng sản xuất, kinh doanh một nẻo. Cụ thể, 2 cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho hoạt động sơ chế, đóng gói thịt gia súc, gia cầm nhưng thời điểm bị kiểm tra, cơ sở này lại sơ chế, kinh doanh cả các mặt hàng thủy sản. Một cơ sở đủ hồ sơ pháp lý cho sản xuất, chế biến nem chua, giò sống, tuy nhiên, thời điểm được kiểm tra lại bị phát hiện đang sản xuất xúc xích (?!)    
Duy trì thanh, kiểm tra đột xuất
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang, việc bảo đảm ATTP hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP hiện nay vẫn chủ yếu diễn ra nhỏ lẻ, phân tán. Nhiều cơ sở không đăng ký kinh doanh, hoặc chỉ kinh doanh theo thời vụ. Số lượng cơ sở áp dụng các chương trình quản lý chất lượng thực phẩm tiên tiến như: GMP, SSOP, HACCP còn ít. Công nghệ sản xuất, chế biến còn sơ sài, lạc hậu… Ông Giang cũng cho rằng, chính quyền các cấp chưa quyết liệt trong quản lý sản xuất thực phẩm và nhất là hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm. Chính những hạn chế nêu trên khiến vấn đề ATTP hiện vẫn rất nóng, dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt từ UBND TP, sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc của nhiều sở, ban ngành.
Xác định công tác bảo đảm ATTP là hoạt động ưu tiên trong giai đoạn lễ, Tết sắp tới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc chủ động phối hợp với các Sở: Công Thương, Y tế tăng cường kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở có nguy cơ mất ATTP cao, các mặt hàng thực phẩm được tiêu thụ nhiều dịp lễ, Tết như: Thịt, giò, chả, thủy sản, rau củ quả… Duy trì lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch hàng hóa vào TP, nhất là đối với sản phẩm động vật. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí nêu tên những cơ sở vi phạm để người dân nhận biết, không sử dụng. Bên cạnh đó, thông tin tuyên truyền tới các hộ sản xuất, kinh doanh tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật, đồng thời nâng cao nhận thức, kiến thức của người dân đối với sử dụng thực phẩm an toàn.