Chưa hết lo với trạm bơm xuống cấp

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có 267 trạm bơm tiêu và 344 trạm bơm tưới tiêu kết hợp, đóng vai trò quan trọng trong tiêu thoát nước vào mùa mưa lũ.

Tuy nhiên, việc không ít trạm bơm hiện ngày một xuống cấp nghiêm trọng đang là mối lo ngại, nhất là khi mùa mưa bão đang tới gần.

Không an toàn khi có mưa lũ lớn

Là một trong những trạm bơm tiêu lớn nhất nằm ven sông Hồng, trạm bơm Khai Thái, huyện Phú Xuyên có nhiệm vụ tiêu thoát nước cho diện tích trên 4.200ha. Dù vậy, những năm qua, công trình thủy lợi quan trọng này bắt đầu phát sinh nhiều lỗi hệ thống đáng lo ngại. Bể hút, kênh hút được thiết kế nhỏ khiến việc vận hành cùng lúc 3 tổ máy bơm khi có ngập úng gặp nhiều khó khăn. Một số đoạn thuộc kênh xả bị sụt sạt ven bờ dẫn tới nguy cơ bị tràn bờ. Đặc biệt, trong số 3 tổ máy, hiện tổ máy thứ hai hoạt động rất chập chờn. Tủ điều khiển của 3 tổ máy cũng đang trong quá trình hiệu chỉnh, chưa thể hoạt động ổn định.
 Công nhân tu sửa máy móc tại trạm bơm dã chiến Bá Giang, huyện Đan Phượng. Ảnh: Trọng Tùng

Trong khi đó, một công trình thủy lợi lớn khác hiện cũng đang gặp phải tình trạng hư hỏng nặng là trạm bơm dã chiến Bá Giang, huyện Đan Phượng. Với công suất thiết kế 30.000m3/giờ, ngoài phục vụ tưới cho 7.076ha vùng nông nghiệp của huyện Đan Phượng và Hoài Đức, trạm bơm còn có nhiệm vụ tiếp nguồn cho sông Đáy để hoạt động các trạm bơm tiêu thuộc quận Hà Đông, các huyện Thanh Oai và Chương Mỹ. Tuy nhiên, phần thủy công và cơ điện của công trình này hiện đều đã xuống cấp. Các hạng mục như chân khung sàn nhà máy bị han rỉ, bể xả xuất hiện vệt lún nứt. Đặc biệt, các thiết bị điện như đồng hồ đo, công tắc chuyển mạch, ampe, rơ-le các loại đều bị xuống cấp, lão hóa gây nứt vỡ…

Không chỉ có các trạm bơm Khai Thái, trạm bơm dã chiến Bá Giang, mà một loạt trạm bơm khác dọc các tuyến sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Nhuệ, sông Bùi… cũng đang gặp phải những vấn đề nhất định. Việc các trạm bơm ngày một hư hỏng, xuống cấp ảnh hưởng lớn tới hiệu năng vận hành. Bên cạnh sự xuống cấp, do được đầu tư lắp đặt từ những năm 1960 nên nhiều trang thiết bị hiện đã rơi vào tình trạng lạc hậu.

Hoàn thành tu sửa trong tháng 5

Theo ông Nguyễn Vĩnh Liên - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, các trạm bơm hiện nay được TP giao cho 5 DN thủy lợi và UBND các quận, huyện, thị xã quản lý. Trong đó, các địa phương chủ yếu phụ trách công trình nội đồng phục vụ công tác tưới tiêu phân tán, cục bộ. Trước mùa mưa bão năm 2017, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT đôn đốc, phối hợp với các DN thủy lợi, cũng như các quận, huyện, thị xã tập trung duy tu, bảo dưỡng hệ thống các công trình thủy lợi nói chung, trạm bơm nói riêng. Công việc duy tu, bảo dưỡng này hiện vẫn đang được các đơn vị quản lý tích cực triển khai, bảo đảm hoàn thành trong tháng 5 theo yêu cầu kế hoạch đã đề ra. Sở NN&PTNT cũng đã đề nghị các đơn vị quản lý công trình thủy lợi thực hiện nghiêm túc công tác trực ban, phòng chống thiên tai, nhằm ứng phó kịp thời với diễn biến mưa lũ.

Để bảo đảm an toàn phòng chống lụt bão năm 2017 trên địa bàn Hà Nội, kiến nghị Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) tiếp tục quan tâm, bố trí vốn thực hiện dự án nạo vét sông Đáy (giai đoạn 2), nạo vét sông Nhuệ từ cống Liên Mạc tới đường Vành đai 4. UBND TP tiếp tục bố trí kinh phí triển khai các dự án: Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa; trạm bơm tiêu Đông Mỹ; trạm bơm Yên Thái; dự án tiếp nước cải tạo, khôi phục sông Tích. Đây là những công trình trọng điểm, có vai trò rất quan trọng trong tiêu thoát nước trên địa bàn TP, đã được các cấp phê duyệt nhưng tiến độ triển khai tương đối chậm, mà nguyên nhân chủ yếu là do nguồn kinh phí còn hạn chế.

Ông Nguyễn Huy Đăng  Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội