Chưa nhìn cùng một hướng

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với việc xử lý sai phạm để xảy ra loạt vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng, mới đây ngành đường sắt đã công bố "gói" giải pháp cấp bách nhằm tăng cường công tác giám sát quá trình làm việc của cán bộ, nhân viên trong ngành.

Đó là lắp camera theo dõi tại nơi làm việc và cấm nhân viên trong ngành dùng điện thoại di động thông minh (smartphone) khi làm việc tại một số vị trí quan trọng như trực ghi yết hầu, trực ban, lái máy, gác máy...
Lý giải về quy định trên, ngành đường sắt cho biết mục đích nhằm tránh tình trạng nhân viên mải mê với smartphone mà mất tập trung khi làm việc. Thoạt nghe có vẻ hợp lý, bởi so với điện thoại thông thường mà chúng ta quen gọi là “điện thoại cục gạch”, smartphone có thêm rất nhiều tiện ích và ứng dụng phục vụ cho việc giải trí trong thời nhàn rỗi đợi tàu đến. Tuy nhiên, nó lại cho thấy một vấn đề rất lớn đang tồn tại trong ngành đường sắt, đó là sự thiếu niềm tin giữa bộ phận lãnh đạo và nhân viên cấp cơ sở.

Tại sao lại nói như vậy? Ngay khi xảy ra loạt vụ TNGT đường sắt trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT từng có phát ngôn “gây bão” khi cho rằng, nhân viên trực gác chắn có ảnh hưởng tới an nguy của cả đường tàu nhưng "với mức lương thấp như hiện nay thì làm sao họ trách nhiệm được". Đây không phải phát ngôn của một cán bộ nào trong ngành đường sắt mà do chính người đứng đầu Bộ GTVT đưa ra. Tức là bản thân cơ quan cấp trên của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - VNR cũng thừa nhận, một bộ phận cán bộ ngành đường sắt đang làm việc không hết trách nhiệm vì mức lương trả cho họ không tương xứng. Có ý kiến cho rằng, ông Thể đang tìm cách đổ lỗi cho cơ chế (tiền lương) là tác nhân gây ra TNGT đường sắt. Song, không ít người lại nhận định, với phát ngôn ấy thì rõ ngay cả vị Tư lệnh ngành giao thông cũng đang thiếu niềm tin vào sự phát triển, đi lên của ngành đường sắt.

Còn nhớ, một chuyên gia giao thông từng chỉ ra cái vòng luẩn quẩn mà VNR đang vấp phải. Đó là thị phần giảm sút dẫn đến doanh thu hao hụt, doanh thu hao hụt dẫn đến chất lượng dịch vụ kém, tai nạn xảy ra. Cứ thế, cái vòng luẩn quẩn này sẽ bóp nghẹt ngành đường sắt, nếu họ không chịu quyết tâm thoát ra. Và nay, việc cấm nhân viên dùng smartphone và cả việc lắp camera theo dõi quy trình làm việc của nhân viên, có thể hiểu là giải pháp mang tính ngắn hạn của VNR nhưng nó cũng cho thấy, cơ quan này đang bất lực trước những vấn đề của chính mình. Vẫn biết cải thiện cơ chế tiền lương trong điều kiện khó khăn của VNR như hiện nay là điều không dễ làm. Tuy nhiên, việc quá tập trung vào giải pháp cứng rắn với nhân viên cấp dưới hoàn toàn có thể phản tác dụng.

Thiển nghĩ, muốn thoát khỏi vòng luẩn quẩn hiện nay, đòi hỏi phải có sự đổi mới một cách toàn diện của cả ngành đường sắt. Mà công cuộc đổi mới toàn diện cần có sự đồng lòng, nhất trí trên tinh thần chia sẻ từ trên xuống dưới của tất cả cán bộ, nhân viên trong ngành. Những con người ấy, phải có đôi mắt cùng hướng về một phía chứ không phải hướng vào nhau để soi mói, bắt lỗi, xử phạt nhau.