Chưa rõ sản phẩm du lịch

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định chung được nhiều ý kiến nhận định khi Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận về những điểm còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự án Luật Du lịch (sửa đổi), chiều 14/3.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, qua Dự Luật, sản phẩm du lịch chưa rõ, cứ quy định chung chung. Ngay du lịch gắn với văn hóa như thế nào? kinh tế gắn văn hóa như thế nào? là vấn đề phải bàn chứ nếu không sẽ lạm dụng, như vừa qua vấn đề lễ hội cũng phải chấn chỉnh lại.
  Phiên họp thứ 8 của Ủy ban thường vụ Quốc hội
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, ngành du lịch còn manh mún do chưa làm đồng bộ. Do đó làm sao có chính sách để thu tiền cho đất nước. Cho rằng đất nước phát triển phải nhờ doanh nghiệp, tuy nhiên theo ông Việt, cơ chế hiện nay đang ràng buộc, trói buộc, nhiêu khê DN quá lớn. Đồng thời đề nghị cần phân cấp phân quyền, giao quyền cho doanh nghiệp để họ thực hiện. Còn Tổng cục du lịch, hay chính quyền địa phương chỉ giám sát xem họ thực hiện có đúng quy định hay không.

“Mấy hôm nay mạng xã hội xôn xao câu chuyện có ông đại diện nước ngoài nói chưa nơi nào có cảnh đẹp như Việt Nam. Ở đây có câu chuyện ngược đời là thế giới cảnh kém nhưng họ vun tạo thành cảnh đẹp, mà ta cảnh đẹp lại phá đi, bê tông hóa đi, vậy là làm ngược. Do đó chính sách đặc thù phát triển du lịch phải đổi mới tư duy. Cứ thấy khó thì cấm là không nên. Ở Việt Nam có 2 điểm rất quan trọng thu hút được du lịch.

Quan trọng thứ nhất là chúng ta ổn định về mặt chính trị nên du khách đến rất yên tâm; thứ hai là kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, nhiều nơi chúng ta có thế mạnh mạo hiểm. Nhiều người nước ngoài nói hấp dẫn nhưng chưa khai thác được. Cho nên cần ưu tiên để tạo đột phá cho phát triển du lịch đất nước , như vậy mới thu được ngoại tệ”, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nêu quan điểm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đọc Dự Luật cảm thấy mới quan tâm đến vấn đề du lịch đô thị, chưa gắn với du lịch miền núi, nông thôn, gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, và xây dựng nông thôn mới của từng địa phương. “Nước ta có nhiều cảnh đẹp được ví như người con gái đẹp ngủ trong rừng chưa ai đánh thức. Vừa qua bộ phim “King Kong đảo đầu lâu” mới chỉ đánh thức một phần thôi, còn nhiều cô gái đẹp như thế chưa ai đánh thức. Đã đẹp thì phải thưởng thức, nhưng họ đến chỉ một lần là do vấn đề hạ tầng du lịch và dịch vụ cho du lịch rất yếu và kém”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Đưa ra dẫn chứng “cả thế giới phải bay đến Nhật Bản để xem hoa anh đào”, trong khi ở Tây Bắc nước ta có hoa ban mọc trắng rừng rất đẹp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, ngành du lịch cần phải xúc tiến làm sao để nước ta phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm tới, cho nên chính sách rất quan trọng để du lịch phát triển bền vững và mũi nhọn. Đi theo đó là sự đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.

“Người dân có thể đầu tư để khai thác du lịch như kiểu Homestay vì khách du lịch nước ngoài rất thích đến sinh hoạt ăn uống cùng với bà con. Còn Nhà nước thì đầu tư đường vào bản. Trồng hoa, môi trường sạch đẹp, thực phẩm sạch thì khách sẽ đến thôi. Do đó cần hướng tới du lịch nông thôn, gắn với chương trình nông thôn mới của địa phương với các sản phẩm độc đáo ở địa phương để làm sao Luật ra đời phải đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, Chủ tịch Quốc hội gợi ý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần