Chưa thể chủ quan

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu dùng (CPI) sau 5 năm tăng thấp và được kiểm soát theo mục tiêu, trong 2 tháng đầu năm 2019 đã phát ra những tín hiệu vui; đồng thời cũng chưa thể chủ quan, thỏa mãn. CPI sau 2 tháng năm 2019 không bị giảm (thiểu phát) như cùng kỳ 2015, nhưng tăng thấp hơn cùng kỳ các năm 2014, 2016, 2017, 2018. Giá một số dịch vụ do Nhà nước quyết định đã không tăng trong 2 tháng đầu năm, thậm chí giá xăng dầu còn giảm ngay trong tháng đầu năm.

Ảnh: Thanh Vũ
Theo yếu tố tác động, cung hàng hóa tăng cao, một mặt do sản xuất tiếp tục tăng khá, một mặt do các chủ thể kinh doanh trên thị trường có sự chuẩn bị hàng hóa khá dồi dào, nắm bắt được nhu cầu của thị trường cộng với bàn tay vô hình của thị trường, mặt khác nữa do nhập siêu nửa đầu tháng 2 khá cao (hơn 1 tỷ USD) và tính chung 2 tháng là 80 triệu USD. Một yếu tố quan trọng là tâm lý về cơ bản ổn định khi giá vàng trong nước tăng thấp hơn giá vàng thế giới, giá USD sau 2 tháng giảm (0,49%). 
Bên cạnh những kết quả tích cực và là tín hiệu khả quan, nhưng chưa thể thỏa mãn bởi có những yếu tố tác động. Trong quan hệ cung- cầu, tăng trưởng kinh tế năm 2019 theo mục tiêu thấp hơn số thực hiện năm trước, làm cho cung tăng thấp hơn cầu. Theo quy luật cung- cầu, khi cung tăng thấp hơn cầu thì giá cả sẽ tăng. Giá cả nhiều dịch vụ đã được hoãn tăng hoặc tăng thấp trong năm trước, năm nay sẽ tăng bù lại hoặc tăng theo lộ trình giá thị trường; việc tăng giá này nếu được thực hiện đồng loạt, diễn ra trong cùng một thời gian, ở nhiều địa phương và nếu không được cân nhắc về liều lượng... thì lạm phát sẽ tăng lên.

Yếu tố này nếu cộng hưởng với yếu tố tâm lý thì sẽ làm cho lạm phát tăng cao hơn so với dự kiến. Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc loại cao trên thế giới khi đã vượt quá mốc 130%...

Diễn biến trên thị trường thế giới còn phức tạp, bất định và khó lường. Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung hiện rất khó dự đoán khả năng tiến triển về phạm vi, thời gian, liều lượng và mức độ ảnh hưởng tới Việt Nam. Các Hiệp định Thương mại tự do sẽ được thực hiện hoặc ký kết ra sao và tác động đến xuất/nhập khẩu của Việt Nam thế nào? Giá dầu, giá vàng trên thế giới có xu hướng tăng và rất khó dự đoán. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới chu kỳ 10 năm 1 lần được dự báo có xảy ra hay không và nếu xảy ra thì sẽ như thế nào?... Những điểm đó xảy ra sẽ tác động đến Việt Nam không nhỏ, do độ mở của nền kinh tế Việt Nam thuộc TOP đầu của thế giới...

Bên cạnh những yếu tố làm tăng, cũng có những yếu tố làm giảm, thậm chí có thể dẫn đến thiểu phát. Giá lương thực có thể sẽ bị giảm, do xuất khẩu gặp khó khăn về lượng, về giá, về thị trường. Xuất khẩu một số loại nông sản cũng gặp khó khăn, trong khi sản xuất trong nước cung đã vượt cầu. Thiểu phát lại là cơ hội để mua ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối; là cơ hội để tăng đầu tư phát triển.