Chưa thể chủ quan với lạm phát

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10, sau 10 tháng và bình quân 10 tháng cơ bản được kiểm soát, nhưng chưa thể lơ là, có thể tăng cao vào cuối năm nay và đầu năm tới.

CPI sau 10 tháng năm nay tăng thấp xa so với CPI của cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu khả quan để tốc độ tăng của năm nay sẽ thấp xa so với tốc độ tăng của năm trước (tăng 4,74%). CPI bình quân 10 tháng tuy cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 3,71% so với tăng 2,27%), nhưng đã có xu hướng thấp dần qua các tháng từ đầu năm đến nay và có thể còn xuống thấp nữa trong các kỳ tới (11 tháng và cả năm).
So với mục tiêu kế hoạch cả năm theo Nghị quyết của Quốc hội, CPI bình quân 10 tháng đã thấp hơn (4%). Đây là kết quả tích cực, tín hiệu khả quan để cả năm sẽ không còn thấp như 3 năm trước và có thể thấp hơn mục tiêu kế hoạch. Nói cách khác, về tư duy đã tiếp tục thực hiện “kiềm chế lạm phát theo mục tiêu”. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước (1,44% so với 1,82%).

Xét trong quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng - hai chỉ tiêu có quan hệ chặt chẽ với nhau - việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu vẫn góp phần vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cao lên qua các quý, tính chung 9 tháng đã cao hơn cùng kỳ năm trước và đang có xu hướng tiến tới mục tiêu đề ra cho cả năm 2017 (tăng 6,7%)...

Tuy nhiên, chưa thể chủ quan, thỏa mãn, lơ là với lạm phát, bởi vẫn có nhiều yếu tố tác động làm cho lạm phát cao lên, nếu chưa vào 3 tháng cuối năm nay thì cũng sẽ vào dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch.

Vấn đề đầu tiên cần cảnh báo là CPI. Mặc dù CPI sau 10 tháng thấp hơn cùng kỳ và bình quân 10 tháng còn thấp hơn kế hoạch cả năm, nhưng những yếu tố tác động đến tốc độ tăng trong 2 tháng cuối năm và đến đầu năm tới không thể coi thường. Các yếu tố tác động lớn có nhiều. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách tăng. Tăng trưởng tín dụng theo định hướng cả năm sẽ thực hiện bình quân trong 2 tháng còn lại lớn hơn nhiều so với con số tương ứng của 10 tháng đầu năm. Về tăng lương tối thiểu từ giữa năm và lượng tiền tăng thêm vào cuối năm cũng như đầu năm sẽ tác động đến sức mua có khả năng thanh toán. Trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam đã chuyển từ nhập siêu lớn trong 6 tháng đầu năm sang xuất siêu từ tháng 7 đến nay sẽ làm cho quan hệ cân đối hàng hóa theo hướng tăng giá tiêu dùng ở trong nước. Việc điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ,... để thực hiện lộ trình giá thị trường sẽ được tiếp tục...

Vấn đề thứ hai là “tiêu tiền”. Tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước vẫn còn thấp. Tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ đã rất thấp, chứng tỏ còn một số tiền lớn đọng lại Kho bạc Nhà nước, tác động “kép”: Vừa tác động tiêu cực đến tăng trưởng, giảm hiệu quả đầu tư khi Chính phủ phải trả lãi huy động ngay từ ngày đầu,...

Vấn đề thứ ba là tỷ trọng xuất khẩu do khu vực đầu tư nước ngoài đã vượt quá 72%.

Vấn đề thứ tư là tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại, nợ thuế, chuyển giá,... còn nhiều; nợ công còn cao...