Chùa Thiên Mụ xứng danh “Đệ nhất cổ tự”

Phan Mỹ Hảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh thành Huế vốn là nơi quy tụ nhiều di tích thắng cảnh, nhiều ngôi chùa cổ kính nổi tiếng. Chùa Thiên Mụ là một trong những địa điểm tôn giáo lâu đời nhất và hấp dẫn nhất tại đây. Với lối kiến trúc đẹp và cổ xưa, chùa là điểm thu hút khách du lịch quanh năm.

Chùa Thiên Mụ là một trong những thắng cảnh đẹp được nhắc đến nhiều nhất tại Huế. Thiên Mụ luôn được coi là một ngôi chùa linh thiêng và là địa chỉ không thể bỏ qua của bất cứ du khách nào khi đặt chân đến đất Kinh kỳ.
“Đệ nhất cổ tự”
Chùa Thiên Mụ (còn gọi là chùa Linh Mụ) nằm ở đồi Hà Khê, trên bờ bắc sông Hương, phường Kim Long; cách trung tâm TP Huế khoảng 5km về phía Tây; được xây dựng vào năm 1601 bởi chúa Tiên Nguyễn Hoàng - vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong, chùa Thiên Mụ có thể được coi là ngôi chùa cổ nhất ở Huế.
Nhờ sự gia tăng và thời kỳ hoàng kim của Phật giáo Đàng Trong, chùa đã được xây dựng lại trong một quy mô đáng kể dưới thời Chúa Quốc - Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725). Năm 1710, Chúa Quốc cho đúc chiếc chuông Đại Hồng Chung nặng tới trên hai tấn và có khắc một bài minh trên đó.
 Chùa Thiên Mụ, Huế.
Chúa sau đó mở rộng một loạt các dự án xây dựng. Điển hình năm 1714 là giai đoạn mở rộng lớn nhất trong lịch sử của chùa, cụ thể là điện Thiên Vương, điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh, phòng Tăng, nhà Thiền... Nhiều công trình kiến trúc trong đó không còn tồn tại đến ngày nay. Chúa Quốc còn đích thân viết và khắc vào bia lớn (cao 2,6m và rộng 1,2m) nói về việc xây dựng các công trình kiến trúc ở đây. Bia được đặt trên lưng một con rùa đá rất lớn, trang trí đơn giản nhưng đẹp.
Với vẻ đẹp tự nhiên của nó và quy mô mở rộng kể từ thời điểm đó, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất ở Đàng Trong. Thông qua các sự kiện lịch sử, chùa Thiên Mụ đã được tái phục hồi nhiều lần trong suốt triều đại của các vua nhà Nguyễn. Vua Thiệu Trị, người kế vị Minh Mạng, đã dựng lên Từ Nhân Tháp vào năm 1844, mà bây giờ được gọi là tháp Phước Duyên.
Tháp cao 21m với hình dạng bát giác và có 7 tầng, mỗi tầng trong đó là dành cho một vị Phật khác nhau. Đứng trên tòa tháp du khách có thể nhìn dòng sông Hương phẳng lặng và ngắm những Du thuyền nhẹ trôi trên sông.
Chùa còn có bức tượng của một con rùa bằng đá cẩm thạch lớn, biểu tượng của sự trường thọ.
Lời nguyền sông Hương
Chuyện kể rằng khi chúa Nguyễn vẫn còn cai trị vùng Đàng Trong ngày đó, có một đôi trai gái yêu nhau rất nồng thắm. Cô gái là con trong một gia đình quan lại giàu có, xinh đẹp đem lòng yêu một chàng trai mồ côi, đói rách, nghèo khó.
Mối tình lén lút của họ bị gia đình nhà gái ngăn cấm quyết liệt, không cho hai người đến với nhau. Quá đau khổ và để chứng minh cho tình yêu “sống không ở được với nhau thì chết sẽ mãi bên nhau”, đôi trai gái cùng nhau ra bến thuyền Mụ (trước chùa Thiên Mụ) để cùng tự vẫn.
Nhưng trớ trêu thay, cùng nhảy xuống sông tự vẫn nhưng chỉ mình chàng trai vùi thân dưới dòng sông Hương còn cô gái lại dạt vào bờ và được những người sống ven sông cứu sống. Được tin báo, gia đình đưa cô gái về, ép nàng lấy một vị quan giàu có trong vùng.
Trải qua thời gian, cuộc sống nhung lụa đã khiến cô gái dần quên đi những ký ức đẹp đẽ về chàng trai năm nào. Đợi người yêu mãi không thấy, oan hồn chàng trai nằm dưới sông Hương uất hận cho số phận trắc trở của mình, đã "nhập" vào chùa Thiên Mụ và nguyền rằng, bất cứ đôi trai gái nào yêu nhau đến đây tình yêu sẽ tan vỡ rồi chia tay.
Lời nguyền được người đời truyền miệng nhau cho tới ngày nay. Cộng với những câu chuyện đồn thổi nhiều cặp nam thanh nữ tú thời hiện đại yêu nhau rồi lại chia tay mà nguyên do là cùng nhau lên chùa Thiên Mụ khiến lời nguyền “oán tình duyên” trở thành nỗi ám ảnh của nhiều cặp yêu nhau ở xứ Huế. “Đệ nhất cổ tự” vì thế có rất ít bạn trẻ tìm đến, bởi lời nguyền năm nao vẫn chưa được hóa giải.
Tuy nhiên, đông đảo du khách vẫn đến nơi này để thưởng ngoạn vẻ đẹp của cổ tự này.