Chưa vơi nỗi lo thực phẩm không an toàn

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm 2020 đến nay, công tác an toàn thực phẩm (ATTP) tiếp tục được ngành NN&PTNT Hà Nội quản lý chặt chẽ. Thực tế giám sát cho thấy, vẫn còn đó nỗi lo lớn về chất lượng nông sản, thực phẩm.

Lực lượng chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở. Ảnh: Lâm Nguyễn

Tỷ lệ mẫu thực phẩm không an toàn giảm 

Thực hiện Thông tư số 86/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, ngay từ đầu năm 2020, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các địa phương tổ chức việc giám sát chất lượng ATTP nông lâm thủy sản trên toàn TP.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 124 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Qua giám sát, đã phát hiện 43 cơ sở có vi phạm và tiến hành xử phạt với tổng số tiền gần 271 triệu đồng.

Tính đến tháng 7/2020, cơ quan chức năng đã lấy 502 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản để giám sát các chỉ tiêu ATTP tại những vùng sản xuất chuyên canh tập trung và sản phẩm từ các tỉnh, TP đưa vào Hà Nội tiêu thụ. Hiện, 305/502 mẫu đã có kết quả phân tích; trong đó, phát hiện 13 mẫu vi phạm các chỉ tiêu ATTP (chiếm tỷ lệ khoảng 4,2%).

Dù tín hiệu tích cực là con số trên có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019 (4,9%), tuy nhiên, hầu hết các lĩnh vực nông nghiệp đều có sản phẩm chưa bảo đảm ATTP. Cụ thể, 5 mẫu thịt không đạt các chỉ tiêu vi sinh và kháng sinh, 1 mẫu rau củ quả tươi tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng, 5 mẫu sản phẩm thịt lợn chế biến vi phạm về chất bảo quản…

Cùng với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội, các đơn vị chuyên môn khác thuộc Sở NN&PTNT đã tiến hành lấy 449 mẫu nông lâm thủy sản để phân tích, giám sát chất lượng. Theo đó, cơ quan chức năng đã phát hiện 37 mẫu không đạt các chỉ tiêu ATTP (chiếm tỷ lệ 8,2%).

Lấy mẫu giám sát trên diện rộng

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, đối với công tác quản lý chất lượng ATTP nông lâm thủy sản, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, chồng chéo. Đơn cử như việc đánh giá chất lượng ATTP các sản phẩm nông lâm thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm từ các tỉnh, TP đưa về Hà Nội tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích. Hệ thống phân phối nêu trên thuộc quản lý của ngành công thương. Chính vì vậy, việc giám sát của ngành NN&PTNT còn hạn chế, chưa đánh giá được toàn diện nguy cơ ATTP.

Cùng với công tác quản lý giám sát, tâm lý sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận dẫn đến những hành vi vi phạm ATTP của DN, chủ cơ sở vẫn còn phổ biến. Trong khi tại nhiều địa phương trên địa bàn TP, việc kiểm tra, xử lý vi phạm vẫn rất hạn chế, chủ yếu là nhắc nhở nên tình trạng tái diễn vi phạm còn nhiều…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, đối với công tác bảo đảm ATTP, việc tăng cường giám sát thông qua lấy mẫu phân tích vẫn là một trong những giải pháp quan trọng. Chính vì vậy, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường lấy mẫu phân tích nguy cơ ATTP trên diện rộng.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, Sở sẽ chuyển mạnh sang giám sát đột xuất; tiếp tục thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại các quận, huyện, thị xã. Tiến hành xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm về ATTP để tạo sức răn đe.

Để quản lý tốt công tác ATTP trên địa bàn Hà Nội, Sở NN&PTNT đề xuất UBND TP chỉ đạo kiện toàn bộ máy ATTP từ tuyến TP đến xã, phường, thị trấn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo. Đồng thời, tiếp tục tập huấn, hướng dẫn, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác ATTP các cấp.