“Chưa vui” vì chi phí không chính thức

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/1/2019, Tổng cục Hải quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Báo cáo mức độ hài lòng của DN về thực hiện các thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu năm 2018. Bên cạnh các chỉ tiêu nhận được nhiều sự hài lòng như tiếp cận thông tin, việc thực hiện thủ tục hải quan… thì vẫn có nhiều kết quả khiến DN cảm thấy “chưa vui”, nhất là các chi phí không chính thức.

 Làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Hải Linh
Bộ Công Thương “đội sổ” vòi vĩnh doanh nghiệp

Cuộc khảo sát của VCCI được thực hiện trong thời gian từ tháng 1/2017 đến tháng 5/2018 với 3.061 DN. Các tiêu chí đánh giá gồm mức độ tiếp cận thông tin; đánh giá về việc thực hiện thủ tục hải quan; về sự phục vụ của công chức hải quan; thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành; về Cổng thông tin Một cửa quốc gia; chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu.
Có 15% DN khẳng định sẽ bị phân biệt đối xử nếu không trả chi phí chính thức ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tỷ lệ này dù giảm so với năm 2015 là 31%, song số DN gặp phải chủ yếu là làm thủ tục xuất nhập khẩu".

Báo cáo của VCCI và Tổng cục Hải quan
Theo công bố có 56% DN nói họ không chi trả chi phí ngoài quy định, có 18% thừa nhận là có chi trả chi phí ngoài quy định. Nhóm DN hoạt động trong lĩnh vực logistics và dịch vụ có tỷ lệ phải chi trả tiền phi chính thức lớn nhất với 28%. Các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu lại có tỷ lệ chi trả thấp từ 17 - 21%. Tỷ lệ DN bị vòi vĩnh tiền ngoài quy định nằm chủ yếu ở thủ tục thông quan hải quan, trong đó lớn nhất là kiểm tra thực tế hàng hóa (87,5%) và kiểm tra hồ sơ (83%).

Theo khảo sát, các DN cho biết các thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại các bộ, ngành có chi phí ngoài quy định cao. Bộ Công Thương với tỷ lệ 50,9% số DN cho biết phải chi trả chi phí ngoài quy định. Bộ NN&PTNT đứng vị trí thứ 2 với tỷ lệ 34%; Bộ GTVT thứ ba với 29,72%, Bộ TN&MT với 23,11% DN được khảo sát có trả lời hạng mục này cho biết phải chi phí ngoài quy định trong thực hiện các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Không ban hành thêm văn bản gây khó cho doanh nghiệp

Phía DN, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị không ban hành thêm văn bản gây khó cho DN. “Hải quan rất cầu thị, có vướng mắc là tổ chức thảo luận giải quyết. Thế nhưng, giá không có những thủ tục đó thì tốt hơn, DN không phải lo lắng" - ông Cẩm cho biết. Vị đại diện này đề nghị trước khi ban hành các văn bản cần sự tính toán xem xét kỹ lưỡng.

Đại diện Tổng cục Hải quan, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường thừa nhận, nhiều chỉ số cải thiện nhưng một số cấu phần, chỉ tiêu vẫn phải xem xét, nhìn rõ thực trạng. Ông thừa nhận, cán bộ, công chức một số nơi chưa thực hiện nghiêm quy định. Ông Cường cho biết thêm, khi đã đánh giá mức độ hài lòng của người dân, DN, Tổng cục Hải quan đặc biệt quan tâm đến vấn đề chống sách nhiễu, phiền hà, tiêu cực. Không chỉ cải cách bên ngoài mà còn phải đẩy mạnh cải cách nội bộ, làm tốt công tác quản trị ngành. “Hiện nay, ngành hải quan đang triển khai một loạt các giải pháp như quy định về thanh tra, kiểm tra công vụ trong đó định danh 300 hành vi, tạm gọi là hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, làm cơ sở giám sát trong ngành”- ông Cường cho biết.

Bên cạnh đó, hoạt động cải cách còn thể hiện bằng việc giảm kiểm tra bằng thủ công, đẩy mạnh trang bị máy móc kỹ thuật vào hoạt động thủ tục hải quan như: Trang bị hệ thống máy soi container, áp dụng hệ thống quản lý hải quan tự động, tại một số đơn vị hải quan lớn Tổng cục Hải quan đã trang bị hệ thống camera giám sát từ tổng cục đến cục, chi cục… qua đó góp phần chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực. Ngành hải quan là đơn vị đầu tiên trong Bộ Tài chính đã mô tả 183 vị trí việc làm, trên cơ sở đó rà soát đánh giá thực trạng trình độ chuyên môn của cán bộ để sắp xếp bộ máy phù hợp yêu cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần