Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017: Gấp rút điều chỉnh dạy - ôn tập cho học sinh

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Bộ GD&ĐT công bố Quy chế thi THPT quốc gia 2017, nhiều trường THPT của Hà Nội đã khẩn trương điều chỉnh kế hoạch dạy học, hướng dẫn học sinh (HS) cách học, ôn tập khoa học nhất giúp các em tự tin bước vào kỳ thi sắp tới.

Bài thi tổ hợp - áp lực cho học sinh?
Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức thi trắc nghiệm, đặc biệt việc thí sinh (TS) sẽ phải làm 3 môn khác nhau trong một bài thi Khoa học Tự nhiên (KHTN) hoặc Khoa học Xã hội (KHXH) khiến không ít HS và phụ huynh lo lắng.
Theo Quy chế thi THPT quốc gia năm nay, để xét công nhận tốt nghiệp TS là HS THPT thi 4 bài (Toán, Văn, Ngoại ngữ và một bài tổ hợp tự chọn). Ngoài ra, để tăng cơ hội xét tuyển ĐH, TS có thể thi cả 2 bài tổ hợp, khi đó điểm bài thi nào cao hơn được tính điểm xét tốt nghiệp. Chỉ những TS đã tốt nghiệp (TS tự do) mới được quyền lựa chọn dự thi từng môn thành phần của bài thi tổ hợp. Còn TS chưa tốt nghiệp, ngoài bài thi tổ hợp xét tốt nghiệp, bắt buộc phải thi hết cả 3 môn thành phần của bài tổ hợp thứ hai...

Học sinh khối 12 trường THPT Việt Đức trong giờ ôn tập.        Ảnh: Công Hùng

Chia sẻ về những quy định mới trong kỳ thi THPT quốc gia, một HS trường THPT Quang Trung (quận Đống Đa) cho biết, với quy định HS phổ thông có quyền thi cả 2 bài thi tổ hợp, rất nhiều bạn muốn lựa chọn thi cả hai để cơ hội trúng tuyển cao hơn. “Tuy nhiên, không phải bạn nào cũng sẽ lấy đủ kết quả của tất cả các môn thi để xét tuyển mà có khi chỉ cần điểm của 1 hoặc 2 môn. Dù Bộ GD&ĐT có cơ chế mở, nhưng em cảm thấy thực sự bị áp lực, HS chúng em sẽ mệt mỏi khi phải học thêm nhiều môn để làm cho đủ cả bài thi tổ hợp”.
Cũng lo lắng cho mùa thi sắp tới, Tuấn Anh, HS trường THPT Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) cho rằng, HS sẽ rất vất vả trong việc học, ôn tập, vì ngoài ôn tập 3 môn thi bắt buộc, HS vẫn phải ôn luyện 6 môn trong bài thi tổ hợp: “Theo em, thay vì bắt HS thi đủ cả tổ hợp gồm 3 môn, Bộ GD&ĐT nên linh động cho HS được phép lựa chọn, thi môn có nhu cầu lấy điểm, như thế sẽ giảm áp lực học hành, thi cử”.
Chia sẻ vấn đề trên, một giáo viên trường THPT trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho rằng, Bộ GD&ĐT đưa bài thi tổ hợp năm nay nhằm khắc phục sự đánh giá thiếu toàn diện so với kiểu thi theo khối. Tuy nhiên, việc áp dụng bài thi tổ hợp ngay trong năm nay sẽ khiến không ít HS bỡ ngỡ, lo lắng. Theo tôi, trước khi áp dụng một điều gì mới, cần phải có thời gian, lộ trình phù hợp. Ví dụ: Đưa ra hình thức thi trắc nghiệm, nhất là bài thi tổ hợp, trước hết phải cho HS học, tập dượt trước 1 - 2 năm, sau đó mới áp dụng, như thế mới mang lại hiệu quả.
Học - ôn cuốn chiếu
Với thời gian không còn nhiều như hiện nay thì việc dạy học và cho HS ôn tập cuốn chiếu được giáo viên (GV) các bộ môn cho là phù hợp và đang gấp rút áp dụng.
Thầy Nguyễn Văn Đức - GV bộ môn Toán trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên) cho biết, kỳ thi năm nay đổi mới hoàn toàn, HS sẽ nhiều áp lực hơn, nhất là với các bài thi tổ hợp, HS phải làm 50 phút/môn, rất mệt. Do đó, việc dạy học, ôn tập cuốn chiếu là thích hợp nhất: Để giảm bớt áp lực cho HS, thời điểm này, tôi cho HS vừa học kiến thức theo chương trình khung của Bộ GD&ĐT vừa cho ôn tập lý thuyết, làm bài tập theo hình thức cuốn chiếu. Bên cạnh đó mở rộng thêm các dạng đề, đề nâng cao theo hình thức trắc nghiệm... Quan trọng nhất mà tôi yêu cầu HS là phải học kỹ lý thuyết, dàn trải đều các chương trong sách giáo khoa không bỏ phần nào, học đến đâu chắc đến đó.
Cũng đưa ra cách dạy, học nhằm giảm áp lực cho HS, một GV bộ môn Giáo dục công dân trường THPT Phan Huy Chú cho biết, sau mỗi bài học mới đều cho HS ôn tập ngay theo nhóm câu hỏi trắc nghiệm. Học đến đâu cho HS ôn ngay đến đó, khi kết thúc chương trình, HS sẽ có một bộ câu hỏi trắc nghiệm với phần trả lời đầy đủ, chỉ cần rà soát, ôn tập lại.
Qua trao đổi, lãnh đạo một số trường THPT trên địa bàn Hà Nội cho biết, thời điểm này, các trường đã lên kế hoạch, điều chỉnh dạy học để dành thêm thời gian cho HS ôn tập. Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) thông tin, ngay sau khi kết thúc học kỳ 1, trường đã gấp rút, điều chỉnh kế hoạch dạy – học, tăng tiết đối với các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cho HS lớp 12. Với 6 môn (3 môn tổ hợp) phải ôn tập, thời gian không còn dài, nên việc vừa học vừa ôn tập theo hình thức cuốn chiếu là giải pháp tốt nhất, nhưng yêu cầu GV phải tuân thủ nội dung chương trình theo quy định. Bên cạnh đó, trường sẽ tổ chức cho HS ôn tập theo nguyện vọng; tư vấn, định hướng môn thi theo năng lực, sở trường cho các em.
Trước những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã yêu cầu các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập cho HS lớp 12; chủ động có phương án ôn tập cho HS theo hình thức vừa học vừa ôn tập, nhất là đối với các môn lần đầu tiên thi như Giáo dục công dân, các môn lần đầu tiên thi trắc nghiệm. Đặc biệt, các nhà trường phải rà soát, phân loại trình độ HS và có thể tổ chức ôn tập theo điều kiện, nguyện vọng của HS. Trong đó chú trọng ôn tập, tổ chức tập dượt kiểm tra cả hình thức tự luận và trắc nghiệm theo hướng ra đề thi của Bộ GD&ĐT.