Chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc cho giai đoạn vận động bầu cử

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bám sát tiến độ theo quy định của Luật, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đang chủ trì phối hợp với UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch và chuẩn bị chu đáo việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để công tác vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật.

Phát huy dân chủ

Như nhiều ý kiến nhận định, đến thời điểm hiện tại, tất cả các công việc liên quan đến cuộc bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đều đã được thực hiện rất bài bản, đúng thời gian, từ chuẩn bị, ban hành văn bản, hướng dẫn, đến việc triển khai của các cấp, các địa phương. Tinh thần dân chủ, trách nhiệm thể hiện rõ tại Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 vừa qua. Đây là hội nghị có ý nghĩa then chốt trong quy trình 5 bước giới thiệu người ứng cử; bảo đảm chất lượng của ứng cử viên.
 Quang cảnh Hội nghị hiệp thương lần thứ ba về công tác bầu đại biểu Quốc hội khóa XV. Ảnh: Chiến Công 
Các đại biểu dự hội nghị đã nghe báo cáo về tình hình, kết quả lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với từng ứng cử viên; hồ sơ của từng ứng viên đều được trao đổi, tranh luận thẳng thắn, biểu quyết. Sự chọn lọc kỹ lưỡng, dân chủ và theo đúng quy định của pháp luật là cơ sở quan trọng để lựa chọn được những ứng cử viên đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, đặc biệt là về năng lực, phẩm chất để đưa vào bầu cử vào ngày 23/5 tới.

Trước đó, hội nghị lấy ý kiến và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú là phép thử đầu tiên đối với người ứng cử ĐB Quốc hội, ĐB HĐND các cấp. Đây cũng là một trong những dịp rất quan trọng để các ứng cử viên có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, từ đó để phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ nếu được bầu và gắn bó mật thiết, thực sự là những người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Tại các hội nghị lấy ý kiến, đã có những ứng viên đạt thấp hơn 50% tín nhiệm của cử tri, thậm chí là rất thấp. Điều này cho thấy các cuộc lấy ý kiến cử tri đã diễn ra rất nghiêm túc, không hề hình thức.

Đảm bảo dân chủ, công khai

Hiện công tác chuẩn bị cho hội nghị tiếp xúc cử tri để những người ứng cử vận động bầu cử đang được gấp rút chuẩn bị. Tinh thần chung là hội nghị bảo đảm công khai, dân chủ, bình đẳng và xây dựng trong vận động bầu cử, tạo không khí trao đổi thẳng thắn cởi mở giữa người ứng cử với cử tri và ngược lại.

Theo quy định, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phối hợp với UBND ở đơn vị bầu cử cùng cấp tổ chức hội nghị cho những người ứng cử ĐB Quốc hội tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Còn Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện chủ trì phối hợp với UBND cùng cấp tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị cho những người ứng cử ĐB HĐND TP, ĐB HĐND cấp mình tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Tương tự, Ban Thường trực MTTQ cấp xã phối hợp UBND cùng cấp tổ chức hội nghị TXCT cho những người ứng cử ĐB HĐND cấp mình vận động bầu cử.
Tại các hội nghị này, chủ tọa phải thực hiện các bước: tuyên bố lý do, giới thiệu ĐB, giới thiệu thư ký hội nghị; tiếp đó, đại diện Ban Thương trực MTTQ cấp tổ chức giới thiệu và đọc tiểu sử của từng ứng cử viên. Sau đó, từng ứng cử viên trình bày chương trình hành động của mình, nếu được bầu làm ĐB Quốc hội, hay ĐB HĐND… Trên cơ sở chương trình hành động của ứng cử viên, cử tri sẽ trao đổi, chất vấn, đề nghị làm rõ những vấn đề cùng quan tâm.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng lưu ý, trước khi tiến hành hội nghị vận động bầu cử, Ban Thường trực MTTQ Việt Nam cùng cấp, Ủy ban bầu cử, UBND cùng cấp tổ chức gặp mặt các ứng cử viên. Tại đó, Ủy ban bầu cử công bố danh sách các ứng cử viên về các đơn vị bầu cử; nghe MTTQ các cấp hướng dẫn công tác tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử…; nghe UBND cùng cấp báo cáo những nội dung cơ bản tình hình kinh tế- xã hội ở địa phương để trên cơ sở đó, người ứng cử căn cứ vào đó xây dựng chương trình hành động của mình sao cho phù hợp. Các chương trình hành động của những người ứng cử sẽ được Ủy ban MTTQ lưu giữ đề làm cơ sở giám sát hoạt động của ĐB nếu trúng cử.

Cùng với đó, trong giai đoạn này, việc rà soát tổng hợp toàn bộ đơn thư ở địa phương, đơn vị về các nội dung liên quan đến cuộc bầu cử cũng được đặc biệt lưu ý. Qua đó, các cơ quan có trách nhiệm nhận, phân rõ bộ phận nào nhận, người nào nhận, chuyển đến nơi nào giải quyết và thực hiện tốt công tác lưu giữ đơn thư theo quy định. Đồng thời kiểm tra, đôn đốc nơi giải quyết đơn thư, tránh tình trạng tồn đơn thư.

Hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử là dịp để cử tri được gặp gỡ với người ứng cử và thấy rõ được năng lực, phẩm chất của người ứng cử. Như ý kiến của nhiều cử tri mong người, người ứng cử đến với người dân trước hết bằng sự gần gũi, giản dị, chân thành, đặc biệt là phải hiểu, biết lắng nghe, quan tâm và có trách nhiệm thấu đáo trước những mối quan tâm của cử tri. Điều mà cử tri cần là sự chân thành, trung thực, trách nhiệm chứ không phải những lời hoa mỹ, những lời hứa suông.

Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Hướng dẫn số 21-HD/BTGTU về tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tuyên truyền bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị tùy điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị và tình hình dịch Covid-19 để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phù hợp như: Chương trình nghệ thuật, liên hoan văn nghệ quần chúng, sinh hoạt câu lạc bộ, trưng bày, triển lãm, chiếu phim, hoạt động thể dục, thể thao, các trò chơi dân gian, quần chúng...

Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị căn cứ lộ trình cuộc bầu cử để xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tuyên truyền tập trung vào 2 đợt. Trong đó, đợt 1 (từ nay đến ngày 23/5/2021) và đợt 2 (sau ngày bầu cử 23/5/2021).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần