Chuẩn bị lực lượng cho ASIAD 18 – 2019: Nhanh chân kẻo trễ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau khi Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD 18, ngoài bài toán nan giải mang tên kinh phí thì nỗi lo về nhân sự đang đè nặng lên thể thao Việt Nam (TTVN). Nếu không tích cực chuẩn bị về lực lượng, Việt Nam sẽ có một ASIAD không trọn vẹn.

Mơ đến Top 10

Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang đã rất tự tin cho rằng, trong 7 năm tới TTVN sẽ có những bước phát triển đột phá và hoàn toàn có thể nằm trong Top 10 tại ASIAD 18. Mục tiêu của TTVN là giành từ 10 đến 12 HCV Đại hội TDTT châu lục được tổ chức tại sân nhà. Cần phải nhấn mạnh rằng, ở ASIAD 16 - 2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc), dù rất cố gắng và có sự chuẩn bị vô cùng chu đáo nhưng đoàn TTVN chỉ giành được đúng 1 HCV.

 Những môn thể thao được cho là mũi nhọn của chúng ta cũng không thể giúp giải cơn khát vàng do thua kém đối thủ quá nhiều. Thế nên, sau 7 năm nữa, TTVN phải giành được số huy chương gấp 10 - 12 lần tại Quảng Châu thật sự là bài toán không dễ tìm ra đáp án nếu không có được một chiến lược phát triển khoa học và đồng bộ.
 
Chuẩn bị lực lượng cho ASIAD 18 – 2019: Nhanh chân kẻo trễ - Ảnh 1
 

Dự kiến, ASIAD 18 sẽ tổ chức 35 môn thi đấu, trong đó có 28 môn trong hệ thống Olympic và 7 môn đặc thù của các nước khu vực châu Á. Các môn thể thao mũi nhọn có thể giúp chúng ta giành HCV bao gồm: Cầu mây, wushu, karatedo, điền kinh, bắn cung, vật, judo, đá cầu, cử tạ, boxing, taekwondo...

 
Phải bắt tay ngay vào việc

 Được biết, chiến lược phát triển TTVN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được thông qua. Theo đó, Ủy ban Olympic đã đệ trình Chính phủ phê duyệt danh sách 10 môn thể thao trọng điểm loại 1 và hơn 20 môn thể thao nhóm trọng điểm loại 2. Đây chính là những môn thể thao mũi nhọn giúp TTVN có thể đạt được mục tiêu tại ASIAD 18.

Việc xác định các môn thể thao trọng điểm sẽ giúp cho TTVN khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Tuy nhiên, ngoài đường hướng đã được vạch, giới chuyên môn cho rằng, cách thức chuẩn bị lực lượng cho ASIAD sẽ quyết định sự thành bại của TTVN.

Chắc chắn một điều, tại ASIAD 18, lớp thế hệ vận động viên (VĐV) xuất sắc nhất của TTVN hiện nay sẽ không còn hiện diện. Và để có được một đội ngũ thiện chiến phục vụ cho ASEAD 18 thì ngay từ bây giờ, lứa những VĐV măng non từ 11 - 13 tuổi cần được tuyển chọn và đào tạo một cách bài bản.

Ngoài việc tìm kiếm, phát hiện tài năng, những người làm TTVN phải có được một chiến lược huấn luyện thật sự khoa học để lứa những VĐV này sẽ là "gà chọi" vào 7 năm tới. Việc phát hiện tài năng ở thể thao đã khó và để mài giũa họ lại là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Bởi, rất nhiều trường hợp các tài năng trẻ đã không thể tỏa sáng vì thiếu đầu tư, hoặc đầu tư không đúng cách khiến họ bị thui chột.

Liên quan đến vấn đề được đề cập ở trên, theo nhiều chuyên gia, để có được một chiến lược dài hơi cho TTVN, cần có cuộc cách mạng ở những ông thầy. Vì để có VĐV tốt, HLV phải đặc biệt giỏi và cực kỳ tâm huyết. Rất nhiều những mảng việc hiện nay các HLV nội không thể đáp ứng. Vì thế, phải tận dụng ngoại lực, nhưng điều này gặp phải rào cản lớn về kinh phí. Vậy nên, ngoài việc có chiến lược đầu tư cho các VĐV thì những ông thầy của họ cũng cần được coi là hạt nhân của đại kế hoạch chuẩn bị cho ASIAD 18.