Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, công tác đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tiếp tục được TP Hà Nội chú trọng, với mục tiêu ngày càng chuẩn hóa đội ngũ. Đây là một trong những giải pháp góp phần tích cực nâng cao hiệu quả cải cách hành chính phục vụ người dân, DN.

 Một lớp học cán bộ nguồn TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Chú trọng bồi dưỡng cán bộ cấp xã

Hàng năm, UBND TP Hà Nội đều ban hành kế hoạch, chỉ tiêu và dự toán kinh phí cụ thể cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC của TP. Căn cứ kế hoạch này, các sở, ngành, quận, huyện tham mưu trình TP ban hành các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC theo ngành, lĩnh vực; đồng thời lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị mình.

Theo đại diện Phòng Nội chính (Văn phòng UBND TP), năm nay, đẩy mạnh triển khai "Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020” (Đề án); tháng 2/2019, UBND TP đã ban hành Quyết định 859/QĐ-UBND về tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý năm 2019. Trong đó, sẽ tổ chức 5 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã của TP (mỗi lớp học trong 35 ngày) và 8 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho các trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương của TP (mỗi lớp trong 27 ngày). Hình thức học là tập trung liên tục tại hai địa điểm Trung tâm Huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ Công an TP (quận Hà Đông) và Trường Quân sự - Bộ Tư lệnh Thủ đô (thị xã Sơn Tây), lấy kinh phí tổ chức từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án. Trong đó, khóa bồi dưỡng đầu tiên của năm 2019 với tổng cộng 99 học viên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường, xã, thị trấn thuộc TP đã được khai giảng đầu tháng 3/2019 tại Trường Quân sự - Bộ Tư lệnh Thủ đô.

Thường xuyên đổi mới nội dung học

Lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết: Trong hai năm 2017 - 2018, TP đã mở 4 khóa học; và tháng 3/2019 là khóa thứ năm. Đặc biệt tại khóa mới đây nhất, ngoài nội dung Học viện Hành chính Quốc gia xây dựng để đào tạo chung, ban tổ chức còn phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng & đô thị (Bộ Xây dựng) lập thêm một số chuyên đề liên quan quản lý đô thị, quy hoạch, xây dựng phát triển khu vực nông thôn bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Về nội dung đổi mới này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Hoa khẳng định: Bộ Chính trị đã giao Hà Nội xây dựng đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, theo đó sẽ quản lý đô thị theo cách liên hoàn mọi khâu trong vận hành, tổ chức chính quyền. Trong khi, hiện Hà Nội có 30 đơn vị cấp huyện và 584 đơn vị cấp xã, nhưng số huyện nhiều hơn quận, địa bàn TP lại rất rộng. TP cũng giao Sở Nội vụ xây dựng đề án đầu tư chuyển các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm đủ các tiêu chí thành quận vào năm 2020. Ngoài kiến thức thu được, CBCC còn có thời gian được học hỏi, trao đổi phương pháp giải quyết những tình huống công việc phát sinh ở cơ sở. Căn cứ kết quả học, mỗi khóa Sở sẽ chọn 10% học viên có thành tích cao nhất đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài” - ông Hoa nhấn mạnh.

Đánh giá chất lượng đào tạo CBCCVC của Hà Nội, TS Nguyễn Đăng Quế (Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng: Hà Nội là một trong rất ít địa phương xây dựng được chiến lược đặc biệt, đầu tư thỏa đáng để đào tạo bồi dưỡng đội ngũ CBCC hiện tại, nhất là năng lực lãnh đạo quản lý cho CBCC cơ sở. Nội dung các khóa thể hiện được thiết kế rất khoa học, nâng cao được kỹ năng quản lý ở từng vị trí, nhất là giao tiếp với người dân. Công tác tổ chức của TP cũng thể hiện rất rõ tạo cơ hội đầu tư ngân sách để học viên được học tập trung, tách khỏi việc chuyên môn hàng ngày, nên chất lượng đào tạo chắc chắn được nâng cao. Tuy nhiên, “sau mỗi khóa, ban tổ chức cần lấy ý kiến đánh giá từ các học viên và đơn vị phối hợp để kịp thời rút kinh nghiệm, hoàn thiện các lớp tiếp theo” - TS Nguyễn Đăng Quế nhấn mạnh.