Chuẩn mực báo cáo tài chính giúp thị trường bất động sản minh bạch

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Bộ Tài chính ban hành Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính (IFRS) tại Việt Nam nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán, nâng cao tính hiệu quả của các thông tin tài chính. Các chuyên gia cho rằng, vấn đề này sẽ giúp cho hoạt động của DN nói chung và DN bất động sản (BĐS) nói riêng trở nên minh bạch.

Quyết định số 345/QD-BTC xác lập các yêu cầu tuân thủ mới dành cho một số đối tượng DN nhất định trên thị trường. Quyết định này cho phép DN lựa chọn cách thức và thời điểm thực hiện việc chuyển đổi áp dụng báo cáo tài chính theo chuẩn mực IFRS. Hầu hết các DN buộc phải áp dụng IFRS sau năm 2025.
Chuẩn mực báo cáo tài chính giúp cho thị trường trở nên minh bạch.
Tác động đáng kể nhất của chuẩn mực IFRS là các giá trị tài sản và nợ phải trả cần được phù hợp với giá trị thực tế hoặc giá trị thị trường. Cách tiếp cận chính xác nhất là sử dụng Giá trị hợp lý (Fair Value), hoặc nguyên tắc hoạch toán theo giá trị thị trường (mark-to-market).
Thông thường, khi giá trị của một tài sản hoặc nợ phải trả tăng hoặc được kỳ vọng tăng, những khoản này sẽ được điều chỉnh về giá hiện tại để thể hiện đúng giá trị có thể thực hiện được.
“Chuyển đổi áp dụng IFRS đòi hỏi sự quan tâm chặt chẽ của lãnh đạo DN, khi tài sản và nợ cần được định giá chính xác và ghi nhận đầy đủ trên báo cáo tài chính.
Số liệu giá trị thực tế rất cần thiết cho các nhà đầu tư và cổ đông muốn có một thước đo chính xác về sức khỏe tài chính DN. Tuy nhiên, việc này lại đòi hỏi kinh nghiệm và chuyên môn liên quan trực tiếp tới công tác định giá - 2 yếu tố còn thiếu hụt ở không ít nhân lực là giám đốc tài chính” - Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam Troy Griffiths nhìn nhận.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành cho biết, mục tiêu mà đề án đưa ra là thực hiện dựa trên IFRS theo nguyên tắc tiếp thu tối đa thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, nhu cầu của DN.
Bên cạnh đó, đề án nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán, tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả cho công tác quản trị, điều hành tại DN cũng như việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng Nhà nước trong giai đoạn mới.
“Thông qua các chuẩn mực này cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ dễ dàng hơn trong công tác nhận diện hành vi trốn thuế, gian lận thuế của DN. Nhưng quan trọng hơn cả nó sẽ thúc đẩy hơn nữa tiến trình hội nhập của Việt Nam khi tham gia ngày càng nhiều vào các hiệp định thương mại quốc tế” - ông Thành cho hay.
Số liệu báo cáo từ Tổng kiểm toán Nhà nước, năm 2019, cơ quan thuế đã thực hiện khoảng 96.240 cuộc thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại DN và kiểm tra hơn 517.550 hồ sơ khai thuế của DN, đã kiến nghị xử lý 64.525 tỷ đồng, trong đó tăng thu cho ngân sách nhà nước 18.875 tỷ đồng; giảm khấu trừ 2.701 tỷ đồng, giảm lỗ 42.948 tỷ đồng.
Chỉ riêng việc thanh tra, kiểm tra 579 DN có hoạt động giao dịch liên kết, cơ quan thuế đã truy thu, truy hoàn và phạt 1.164 tỷ đồng; giảm lỗ 5.854 tỷ đồng; giảm khấu trừ 21,5 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 5.918 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần