Chứng khoán châu Á chạm mức cao nhất 7 tháng, Phố Wall mất động lực tăng điểm

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cổ phiếu châu Á tăng mạnh trong phiên 3/4 nhờ nhà đầu tư lạc quan vào tiến triển đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chứng khoán châu Á phủ kín sắc xanh
Trong phiên giao dịch này, chỉ số chứng khoán MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng 0,65% ngay sau khi thị trường tại Trung Quốc mở cửa, chạm mức đỉnh kể từ cuối tháng 8/2018.
Chỉ số Nhật Nikke 225 tại thị trường Nhật Bản tăng 0,76% trong phiên 3/4. 
Chỉ số chứng khoán này đã tăng gần 3% sau các báo cáo tích cực về tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như tình hình sản xuất khả quan tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới  giúp giảm lo ngại về tình trạng suy thoái toàn cầu.
Hy vọng đạt một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được củng cố thêm sau khi Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, bình luận hôm 2/4 rằng Washington hy vọng sẽ đạt được kết quả trong cuộc đàm phán tại Mỹ trong tuần này.
Đà khởi sắc trên thị trường cổ phiếu thế giới cũng đẩy chỉ số MSCI toàn cầu tăng 0,2%, chạm mức cao nhất trong 6 tháng.
Chỉ số chứng khoán tại thị trường Australia nhích 0,68%, chỉ số Nhật Nikke 225 tại Nhật Bản cũng tăng 0,76%. Các cổ phiếu blue-chip Trung Quốc cộng 0,2%.
Trên thị trường tiền tệ, đồng bảng Anh tăng 0,1% so với USD, lên mức 1 bảng đổi được 1,3138 USD, sau khi Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng bà sẽ tìm kiếm giải pháp để trì hoãn Brexit với Liên minh châu Âu.

Tỷ giá đồng USD tăng so với đồng yen Nhật, được giao dịch ở mức 1 USD đổi được 111,47 yen.

Chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm 0,18% xuống còn 97,183 điểm. 

Chứng khoán Mỹ mất động lực tăng điểm
Chỉ số S&P 500 trên sàn Phố Wall đánh mất đà tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 2/4, sau khi tăng mạnh trong phiên trước đó. Đà lao dốc của cổ phiếu Walgreens Boots Alliance gây sức ép lên thị trường, trong khi các dữ liệu kinh tế mới được công bố không có nhiều tác dụng trong việc xoa dịu mối lo tăng trưởng.
Cổ phiếu Walgreens giảm tới 12,8% sau khi hãng bán lẻ dược phẩm này cắt giảm dự báo tăng trưởng lợi nhuận 2019 và công bố mức lợi nhuận quý không đạt dự báo của giới phân tích.
Chứng khoán Mỹ dứt đà tăng mạnh 3 phiên liên tiếp trong ngày 2/4.
Nhóm cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu thuộc S&P 500, trong đó bao gồm cổ phiếu Walgreens, kết thúc phiên với mức giảm 0,8%.
Sự đi xuống của Walgreens cũng gây áp lực giảm nhiều nhất lên cả 3 chỉ số chứng khoán chính của chứng khoán Mỹ.
Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq vẫn kết thúc phiên trong trạng thái tăng nhờ cổ phiếu mạng xã hội Facebook tăng 3,3%.
Thống kê công bố ngày 2/4 cho thấy số đơn đặt hàng mới đối với các loại trang thiết bị là tài sản cố định do Mỹ sản xuất suy giảm trong tháng 2. Doanh thu của nhóm mặt hàng này cũng đi ngang. Những số liệu này không thể giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 1/4, số liệu cho thấy các hoạt động sản xuất của Mỹ và Trung Quốc diễn ra tốt hơn dự báo đã giúp đẩy S&P 500 lên gần mức cao nhất 6 tháng.
"Thị trường vẫn đang chứng kiến những tín hiệu trái chiều từ dữ liệu kinh tế", nhà phân tích Emoily Roland thuộc John Hancock Investments, nhận xét.
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones giảm 0,3%, còn 26.179,13 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng nhẹ 0,05 điểm, đạt 2.867,24 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,25%, đạt 7.848,69 điểm.
Dù chịu sức ép giảm, S&P 500 hiện chỉ còn thấp hơn 2,2% so với mức đóng cửa cao kỷ lục thiết lập vào tháng 9/2018. Động lực chính cho đà tăng mạnh của chỉ số từ đầu năm đến nay là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tạm dừng nâng lãi suất và lạc quan của giới đầu tư về khả năng Mỹ - Trung đạt một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại.
Ông Greg McKenna, chiến lược gia tại McKenna Macro, nhận định: “Sau khi tăng mạnh như vậy, không có gì ngạc nhiên khi thị trường cổ phiếu bị đình trệ trong phiên này”.
Tuy nhiên, điều mà thị trường lo ngại hiện nay là quý I/2019 có thể trở thành quy suy giảm lợi nhuận đầu tiên kể từ 2016 của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, với mức giảm được dự báo là 2% so với cùng kỳ 2018. Khoảng 2 tuần nữa thì mùa báo cáo kết quả kinh doanh chính thức bắt đầu.
Theo bà Kate Warne, chiến lược gia trưởng thuộc Edward Jones, đã có những dấu hiệu trấn an rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ không rơi vào suy thoái. "Nhưng như vậy là chưa đủ để tin kinh tế sẽ tăng trưởng tốt. Ngoài ra, thị trường cũng cần có sự tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết nữa", nhà chiến lược Warne nói thêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần