Chứng khoán châu Á: Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiếp tục lao dốc do căng thẳng Mỹ - Trung

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông (Trung Quốc) trong phiên ngày 25/5 tiếp tục giảm 1,4%, chạm mức thấp nhất trong 2 tháng.

Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 25/5 trong bối cảnh các nhà đầu tư vẫn thận trọng khi quan hệ giữa Mỹ và Trung tiếp tục leo thang căng thẳng.
Chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông (Trung Quốc) giảm gần 1% trong ngày 25/5.
Chỉ số chứng khoán tại thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) kéo dài đà giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần do lo ngại về sự bất ổn chính trị. Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản hạ 0,1%.
Thị trường Trung Quốc diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch này, trong đó chỉ số tổng hợp Thượng Hải tăng 0,1%, chỉ số tổng hợp Thâm Quyến sụt 0,1% và chỉ số thành phần Thâm Quyến giảm 0,18%. Tại sàn Hồng Kông (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng tiếp tục  lao dốc 0,95% - mức thấp nhất trong 2 tháng, sau khi giảm sâu hơn 5,5% trong phiên giao dịch trước đó.
Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Robert O’Brien hôm 24/5 cho biết chính phủ Mỹ có thể sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên Trung Quốc nếu Bắc Kinh thông qua luật an ninh để kiểm soát chặt hơn đối với Hồng Kông. Dự luật được công bố trong kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, vốn bị hoãn nhiều tháng do đại dịch.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ hôm 22/3 thông báo sẽ bổ sung tên 33 cơ quan và công ty Trung Quốc vào "danh sách đen" trừng phạt kinh tế vì hỗ trợ Bắc Kinh thực hiện những hoạt động mà Washington lên án.
Giới phân tích nhận định, động thái mới của nhà chức trách Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục làm leo thang căng thẳng quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới khi liên tục có các cuộc “đấu khẩu” gay gắt liên quan đến dịch Covid-19 trong thời gian qua.
Tại các thị trường khác trong khu vực, chỉ số ASX200 của Australia tăng 1,53% với hầu hết các cổ phiếu đều đi lên. Trong khi đó tại Hàn Quốc chỉ số Kospi cộng 0,62%. Chỉ số tương lai của S&P500 cũng tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 25/5.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng leo dốc 1,5% sau khi tờ Nikkei đưa tin chính quyền Tokyo đang xem xét gói kích thích mới trị giá hơn 929 tỷ USD, nhằm hỗ trợ tài chính cho các DN bị thiệt hại từ dịch Covid-19.
“Căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington xung quanh vấn đề Hồng Kông, chính sách thương mại và nguyên nhân khiến kinh tế thế giới suy thoái, đang đe dọa làm ngứt mạch phục hồi của thị trường chứng khoán trong hơn 2 tháng qua”, ông Matthew Sherwood - chuyên gia phân tích của Perpetual nhận xét.
Thị trường cổ phiếu toàn cầu đã tăng khoảng 30% giá trị kể từ khi chạm mức thấp vào đầu tháng 3, chủ yếu nhờ được hỗ trợ từ các gói kích thích kinh tế của các nước nhằm hạn chế tác động của dịch bệnh Covid-19.
Theo các nhà phân tích kinh tế, hiện có rất nhiều cơn gió ngược đang khiến các nhà đầu tư hoài nghi về khả năng phục hồi của kinh tế thế giới, bao gồm lợi nhuận của các công ty sụt giảm, chưa có vaccine ngừa dịch Covid-19 và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Chính phủ nhiều quốc gia khắp thế giới đã tuyên bố đẩy mạnh chi tiêu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên tâm lý lo ngại làn sóng bùng phát dịch bệnh Covid-19 thứ hai đang làm giảm sự lạc quan đối với việc khởi động lại hoạt động kinh tế và các gói kích thích kinh tế.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số USD, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm về 99,806 điểm sau khi tăng lên 99,863 điểm trong phiên giao dịch trước đó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần