Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên 8/8, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong khi cổ phiếu tại Trung Quốc lại giảm điểm trước nỗi lo về xung đột thương mại Mỹ - Trung.

Các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng trở lại.
Ngày 7/8, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết, Mỹ sẽ bắt đầu áp thêm thuế quan lên 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 23/8. Ngoài ra, họ cũng công bố danh sách cuối cùng về  279 hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế.
Trong phiên 8/8, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc hạ 27,95 điểm.
Với danh sách mới nhất, Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu 25% lên khoảng 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, vì những hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ và các chính sách trợ cấp ngành công nghiệp. Trước đó, Trung Quốc đã cam kết sẽ đáp trả bằng hàng rào thuế quan có quy mô tương tự lên hàng hóa Mỹ.
Trong tuần trước, Trung Quốc cho biết họ đang chuẩn bị áp thuế lên khoảng 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Trước đó  hôm 1/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu USTR xem xét nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Chỉ số chứng khoán MSCI khu vực châu Á -Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản MSCI tăng 0,3%, dẫn đầu là thị trường Đài Loan. Trong khi đó, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 0,1%.
Xu hướng giảm điểm rõ nhất là cổ phiếu của Trung Quốc, mất hơn 1% sau khi Mỹ tuyên bố sẽ bắt đầu thu 25% thuế đối với hàng hóa trị giá 16 tỷ USD từ ngày 23/8 tới.
Trong phiên 8/8, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc hạ 27,95 điểm, khoảng 1% và chỉ số bluechip CSI 300 giảm 0,55%.
Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế mới với hàng hóa Trung Quốc làm lu mờ số liệu thương mại khả quancủa Trung Quốc, cho thấy xuất khẩu tăng hơn dự kiến ​​trong tháng 7.
Dữ liệu công bố sáng 8/8 cho biết, khoản thặng dư thương mại với Mỹ của Trung Quốc giảm xuống 28,1 tỷ USD trong tháng 7 trong khi bất đồng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng gia tăng. Trong tháng 6, khoản thặng dư thương mại với Mỹ của Trung Quốc ở mức 28,9 tỷ USD.
Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng tăng 38,53 điểm (tương ứng 0,14%) nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu liên quan tới năng lượng.
Chỉ số ASX 200 của Australia cộng 14,6 điểm (tương ứng 0,23%), với chỉ số vận tải biển tăng 2,26% và dẫn đầu đà tăng hôm nay. Tại Hàn Quốc, chỉ số KOSPI nhích 0,51 điểm (tương ứng 0,02%).
Chứng khoán châu Âu cũng giảm nhẹ trong đầu phiên giao dịch các chỉ số FTSE của Anh và CAC của Pháp hạ 0,2%; chỉ số DAX của Đức mất 0,3%.
Tại thị trường Phố Wall, chỉ số S&P 500 đã khép phiên 7/8 gần mức cao kỷ lục đã xác lập vào ngày 26/1/2018 nhờ kết quả kinh doanh tích cực và giá dầu tăng mạnh. Sau đà tăng 0,28% lên 2.858 điểm trong ngày 7/8, S&P 500 đã vọt gần 7% trong năm 2018.
Trong số 428 công ty trong S& P500 đã công bố thu nhập quý II cho đến nay, 79% có lợi nhuận cao hơn dự báo của giới phân tích, mức cao nhất kể từ khi Thomson Reuters bắt đầu báo cáo con số này vào năm 1994.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần