Chứng khoán châu Á giảm điểm do căng thẳng địa chính trị tại vùng Vịnh leo thang

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường cổ phiếu châu Á phần lớn đi xuống trong phiên 17/9 khi tâm lý nhà đầu tư tỏ ra thận trọng khi giá dầu tăng vọt và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Chứng khoán châu Á biến động nhẹ ở phiên này trong bối cảnh nhà đầu tư vẫn lo ngại về đà tăng mạnh của giá dầu sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi hồi cuối tuần trước.
 Chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên 17/9.
Giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ  WTI đã tăng hơn 14% khi chốt phiên 16/9, ghi nhận mức tăng trong một ngày lớn nhất kể từ năm 2008, và giá dầu Brent cũng leo dốc hơn 14% cho phiên này.
Trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,12% trong khi chỉ số Topix tăng 0,28%.
Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc sụt 0,13%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 16/9 cho biết nước này đã đạt được các thỏa thuận thương mại sơ bộ với Nhật Bản về thuế quan và thương mại kỹ thuật số.
Trên thị trường chứng khoán Australia, chỉ số ASX 200 cũng hạ 0,3% do hầu hết các lĩnh vực đều mất điểm trong phiên này.
Thị trường Trung Quốc đại lục cũng giảm điểm trong phiên này, với chỉ số chứng khoán Thượng Hải mất 0,45%, chỉ số tổng hợp Thâm Quyến hạ 0,5% và chỉ số Thâm Quyến giảm 0,54%. Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng cũng sụt 0,95%.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số USD, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng lên mức 98,644 điểm sau khi giảm còn 98,.604 điểm trong phiên trước đó.
Ủy ban Thị trường mở của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có cuộc họp chính sách từ ngày 17-18/9 và các thị trường dự đoán ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất.
Thị trường chứng khoán Mỹ nhuốm sắc đỏ trong phiên 16/9 trong bối cảnh lo ngại đà leo dốc của giá “vàng đen” sau cuộc tấn công vào nhà máy chế biến dầu của Ả Rập Saudi có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Quincy Krosby - Giám đốc chiến lược thị trường tại Prudential Financial, cho biết: “Bất kỳ điều gì cho thấy khả năng làm tổn hại đến nền kinh tế thì đều làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI nhảy vọt sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi hôm 14/9 đã làm mất 50% sản lượng dầu thô của Riyadh.
Chốt phiên ngày 16/9, chỉ số Dow Jones rớt 142.70 điểm (tương đương 0.5%) xuống 27,076.82 điểm, đánh dấu phiên giảm đầu tiên trong 9 phiên. Chỉ số S&P 500 lùi 0.3% xuống 2,997.96 điểm, chỉ số Nasdaq Composite mất 0.3% còn 8,153.54 điểm.
Tổng thống Trump hôm 16/9 đã cho phép có thể sử dụng dầu từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của nước này để “hỗ trợ nguồn cung thị trường”.
 Chứng khoán Mỹ cũng ngập sắc đỏ trong phiên 16/9.
Giá dầu leo cao liên tục có thể dẫn đến giá nhiên liệu gia tăng. Điều này sẽ tạo thêm áp lực đối với nền kinh tế toàn cầu, vốn đang đối mặt với sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất và tăng trưởng thấp.
Tâm lý thị trường cũng ảm đạm sau khi dữ liệu cho thấy sản lượng công nghiệp của Trung Quốc giảm xuống mức đáy mới trong hơn 17 năm. Sản lượng công nghiệp tăng 4,4% trong tháng 8, thấp hơn so với dự báo tăng 5,2% từ cuộc thăm dò của Reuters. Sản lượng công nghiệp suy giảm khi cuộc thương chiến giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn đang kéo dài./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần