Chứng khoán châu Á giảm điểm do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cổ phiếu châu Á đồng loạt đi xuống trong ngày 12/11 do ảnh hưởng từ đà lao dốc của giá dầu thô cùng dữ liệu kinh tế kém khả quan của Trung Quốc.

Trong phiên giao dịch ngày 12/11, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản giảm 0,17%. Chỉ số chứng khoán của Australia hạ 0,08%, trong khi chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản cũng sụt 0,12%.
Các cổ phiếu tại thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong ngày 12/11.
Dữ liệu kinh tế Trung Quốc kém tích cực cùng khủng hoảng giá dầu đã gây áp lực lên chứng khoán toàn cầu và kéo chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI giảm 0,11% - mức thấp nhất trong 2 tuần.
Dấu hiệu tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chậm lại trong tháng 10 cũng đã kéo chứng khoán toàn cầu giảm điểm trong phiên cuối tuần qua.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, dữ liệu vừa công bố cho thấy, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng chậm lại. Theo đó, chỉ số nhà sản xuất trong tháng 10 của Trung Quốc có tháng giảm thứ tư liên tiếp. Doanh số bán xe cũng giảm có tháng giảm thứ 4 liên tiếp.
Giá dầu thô tiếp tục có phiên giảm thứ 10 liên tiếp trong ngày 9/11, chứng kiến chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 1984 do sản lượng tăng, trong khi nhu cầu đang suy giảm theo đà tăng chậm lại của kinh tế toàn cầu.
Thị trường tài sản rủi ro đã chịu áp lực rất lớn trong thời gian gần đây vì lo ngại tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp có chiều hướng đi xuống cùng với thương mại và đầu tư toàn cầu suy giảm.
Sự gia tăng đột biến của lợi suất trái phiếu của Mỹ, do cam kết của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong việc duy trì chi phí vay, cũng đã làm rung chuyển các thị trường mới nổi trong bối cảnh các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào đồng USD.
Trên thị trường tiền tệ, trong ngày 12/11, tỷ giá đồng USD tăng 0,07% so với yen Nhật, hiện được giao dịch ở mức 1 USD đổi được  113,90 yen. So với đồng USD, euro giảm 0,06%, xuống còn 1 euro “ăn” 1,1327 USD.
Chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, hiện ở mức 97,004 điểm.
Trong khi đó, tỷ giá bảng Anh giảm 0,3% so với đồng USD, xuống mức 1,2934 USD. Đồng bảng Anh chịu áp lực suy yếu trong vài tuần qua khi các nhà đầu tư lo ngại về khả năng Anh và Liên minh châu Âu không đạt được thỏa thuận Brexit.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần